Việt Nam - điểm đến an toàn, hấp dẫn
Báo cáo thường niên năm 2024 về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với chủ đề “Thu hút FDI vào công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, năng lượng sạch, khoa học và công nghệ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng” đã được Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài công bố vào sáng 16/4.
GS. TSKH Nguyễn Mại trình bày Báo cáo thường niên FDI. Ảnh: NH |
Báo cáo do GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - chủ biên đã điểm lại những thành tựu của Việt Nam trong thu hút FDI những năm qua, đặc biệt là trong năm 2024. Dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều thách thức, nhưng năm 2024, Việt Nam đã thu hút được 38,2 tỷ USD vốn FDI, giảm 3% so với năm 2023 nhưng vốn FDI giải ngân lại tăng 9,4%.
Theo nhận định của GS, TSKH Nguyễn Mại, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2024 vẫn khá tích cực. Trong đó, điểm sáng là việc các dự án đang hoạt động đã điều chỉnh vốn đầu tư tăng hơn 50%, chứng tỏ các dự án đầu tư đã hoạt động đang kinh doanh hiệu quả, nhà đầu tư tin tưởng, đánh giá cao môi trường đầu tư và triển vọng kinh doanh rất khả quan trong những năm tới.
Báo cáo FDI cũng cho thấy, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đưa ra những đánh giá khá tích cực về môi trường đầu tư Việt Nam. Cụ thể, khảo sát về thực trạng các doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh có lãi tại Việt Nam đạt trên 64%, lần đầu tiên sau 5 năm vượt mức 60%.
Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, có 56,1% doanh nghiệp dự kiến mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới, số lượng này đứng đầu khu vực ASEAN.
Làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp Nhật Bản sang các quốc gia ASEAN tăng rõ rệt, trong đó, một số lượng lớn dịch chuyển sang Việt Nam. Điều này sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tương tự như Nhật Bản, GS, TSKH Nguyễn Mại cho rằng, các doanh nghiệp châu Âu cũng đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam. Tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu với môi trường đầu tư Việt Nam đã đẩy Chỉ số niềm tin kinh doanh lên mức 61,8%, bất chấp những thách thức từ bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động.
Phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (75%) tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
"Điều này cho thấy, không chỉ là niềm tin vào triển vọng thị trường Việt Nam mà còn được củng cố nhờ kế hoạch tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy tổ chức của Chính phủ Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả hơn" - GS, TSKH Nguyễn Mại nêu.
Triển vọng cho dòng vốn ngoại năm 2025
Dự báo về cơ hội thu hút FDI trong năm 2025, GS, TSKH Nguyễn Mại cho rằng, năm 2025 tình hình chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư thế giới biến động khó lường, tạo ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI của Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao. Trong đó, những lĩnh vực tại Việt Nam đang có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài đó là ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, năng lượng sạch, khoa học và công nghệ...
Tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển. Ảnh minh họa |
Trên cơ sở đó, để "nâng chất" dòng vốn ngoại, nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP, Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm yếu tố, bao gồm: Tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp thành lập trung tâm R&D và chuyển giao công nghệ bằng chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính; thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, các ngành nghề tạo ra nhiều giá trị gia tăng.
Việt Nam cũng cần tập trung đầu tư đào tạo công dân thế hệ số, cải cách giáo dục và đào tạo để lớp công dân mới có tri thức, kỹ năng và thích ứng với mô hình tăng trưởng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; có chính sách thu hút chuyên gia người Việt Nam và người nước ngoài có kiến thức và kỹ năng trong các ngành nghề ưu tiên phát triển.
Bên cạnh đó, để "nâng chất" cho dòng vốn ngoại, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ hiện đại và nhân lực chất lượng cao, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, giảm thiểu thủ tục cấp phép, triển khai các dự án đầu tư, tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp khi gặp khó khăn.
"Cùng với lợi thế vốn có của Việt Nam là ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, việc rút ngắn thời gian triển khai các dự án đầu tư sẽ góp phần đưa doanh nghiệp tham gia vào thị trường, tạo thêm nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế" - báo cáo FDI nêu rõ.
GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài: Cùng với kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp, tác, kinh tế tư nhân, khu vực FDI tiếp tục được đánh giá là động lực tăng trưởng quan trọng, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025. |
Nguồn: https://congthuong.vn/bao-cao-fdi-goi-y-quan-trong-de-nang-chat-von-ngoai-383277.html
Bình luận (0)