Trên cơ sở các Nghị định số 114/2024/NĐ-CP, số 50/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, cùng với các công văn hướng dẫn trước đó, Bộ Tài chính đã đề ra các nguyên tắc xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính, với mục tiêu xuyên suốt là không để tài sản công bị thất thoát, lãng phí.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc diện sắp xếp phải thực hiện kiểm kê, phân loại và lập danh sách tài sản công hiện có, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng phương án xử lý. Việc bàn giao và tiếp nhận tài sản phải tuân thủ quy định, thực hiện theo mẫu biểu thống nhất ban hành kèm theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Đáng chú ý, đối với trường hợp tài sản vẫn tiếp tục được sử dụng cho mục đích công trong nội bộ đơn vị hành chính mới, sẽ không phải thực hiện lại quy trình xử lý nhà, đất theo Nghị định 03/2025/NĐ-CP, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Một trong những định hướng lớn của Bộ Tài chính là tận dụng tối đa trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện có. Theo đó, trụ sở của các cơ quan cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) sẽ được ưu tiên bố trí cho các đơn vị hành chính cấp cơ sở hoặc các cơ quan nhà nước có nhu cầu. Nhiều đơn vị có thể cùng sử dụng chung một trụ sở theo phương thức quản lý linh hoạt, phù hợp với thực tiễn từng địa phương.
Các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp không còn nhu cầu sử dụng sẽ được xử lý theo hướng chuyển đổi công năng phục vụ mục đích cộng đồng như trường học, bệnh viện, thư viện, công viên, hoặc giao đơn vị có chức năng quản lý nhà đất khai thác theo đúng quy định.
Đối với ô tô, máy móc, thiết bị và các loại tài sản công khác, nguyên tắc xử lý được xác định rõ: đơn vị nào tiếp nhận nhiệm vụ thì tiếp nhận tài sản tương ứng để bảo đảm tính liên tục trong công việc. Đặc biệt, nếu việc sắp xếp dẫn đến thay đổi địa điểm làm việc của cán bộ, viên chức, thì có thể sử dụng xe hiện có hoặc bổ sung, thuê phương tiện đưa đón theo quy định nhằm bảo đảm công chức hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn tiết kiệm, hiệu quả.
Với máy móc, thiết bị dùng chung hoặc phổ biến, hướng dẫn của Bộ Tài chính nhấn mạnh việc ưu tiên chuyển đến đơn vị mới để tiếp tục sử dụng. Trường hợp tài sản dôi dư, sẽ thực hiện điều hòa giữa các đơn vị trong địa phương hoặc xử lý theo đúng trình tự pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xây dựng phương án xử lý tài sản công trong quá trình lập Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Trong trường hợp đơn vị hành chính cấp xã được chuyển sang huyện khác, thì huyện tiếp nhận sẽ chịu trách nhiệm lập phương án tài sản của đơn vị đó.
Tại cấp tỉnh, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án tổng thể để trình ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với phương án tổ chức lại đơn vị hành chính.
Các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị ngành dọc trên địa bàn tổ chức lại cũng phải rà soát cơ cấu tổ chức, tài sản công, diện tích trụ sở… Nếu có tài sản dôi dư, cần thực hiện chuyển giao về địa phương hoặc điều chuyển hợp lý cho các đơn vị khác trên cùng địa bàn nhằm tránh lãng phí.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu các địa phương, bộ, ngành gặp khó khăn, vướng mắc thì cần kịp thời gửi văn bản về bộ để được hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hướng dẫn lần này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, mà còn góp phần quan trọng trong việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài sản công - một trong những yếu tố then chốt để phát triển nền hành chính hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nguồn: https://nhandan.vn/khong-de-tai-san-cong-bi-lang-phi-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-post872851.html
Bình luận (0)