Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân - Ảnh: VGP
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 19/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Tán thành với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng bày tỏ sự tán thành cao về việc quy định về tổ chức Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực. Việc tổ chức Tòa án khu vực phải phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước
Theo đại biểu, tổ chức lại hệ thống tòa án như vậy là xu hướng đúng đắn, tuy nhiên cần đảm bảo các điều kiện cần thiết để bộ máy mới hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh, công việc phát sinh tại tòa án khu vực sắp tới sẽ rất lớn. Do đó, ông đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng việc bố trí nguồn nhân lực, có chính sách khuyến khích, ưu đãi cán bộ công tác tại những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có địa bàn rộng, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Cùng với đó, nghiên cứu, bố trí trụ sở Tòa án nhân dân khu vực thực sự hợp lý, thuận lợi cho hoạt động gắn với việc phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.
Ông cũng kiến nghị nên nghiên cứu bố trí Tòa sở hữu trí tuệ, Tòa phá sản tại các trung tâm kinh tế lớn để đáp ứng kịp thời nhu cầu giải quyết các tranh chấp chuyên biệt.
Bên cạnh đó, cần tập trung nguồn nhân lực như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán và thu hút nguồn nhân lực bên ngoài có chuyên môn sâu để đảm nhận những công việc tại tòa án chuyên biệt như Tòa án sở hữu trí tuệ, Tòa phá sản, đồng thời nâng cao chất lượng xét xử.
Đại biểu Nguyễn Tạo tán thành cao về sự cần thiết giao thẩm quyền cho Tòa án phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao thuộc Tòa án nhân dân tối cao để giảm áp lực cho Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nhất là trong bối cảnh sau khi sắp xếp bộ máy, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ tăng mạnh.
Đề cập đến việc cùng với sửa đổi Hiến pháp và nhiều luật tư pháp liên quan, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng về điều kiện chuyển tiếp khi các luật sửa đổi có hiệu lực. Mục tiêu là bảo đảm tính đồng bộ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án khi tổ chức bộ máy tư pháp được tinh gọn lại.
Đặc biệt, tại khoản 7 Điều 1 của dự thảo, quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được đại biểu đánh giá cao. Theo ông, khối lượng công việc tại tòa cấp tỉnh sẽ tăng đáng kể, nên cần đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực và trang thiết bị, đồng thời quản lý tài sản công hiệu quả sau khi sáp nhập để tránh lãng phí.
Thành lập tòa chuyên trách – đáp ứng nhu cầu hội nhập và thực tiễn
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) nhận định, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án năm 2024 là kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy tòa án theo Nghị quyết 18, Nghị quyết 27, Nghị quyết 60, Nghị quyết 121, Kết luận 126, Kết luận 127, Kết luận 135 của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Theo Đề án của Tòa án nhân dân tối cao hiện nay, dự kiến sẽ sắp xếp 355 Tòa khu vực trên 693 Tòa nhân dân cấp huyện hiện nay, đây là một việc không chỉ tinh giản về cơ học, về số lượng mà còn nâng cao được chất lượng để đảm bảo tập trung nguồn cán bộ là thẩm phán để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà không phải giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.
Một nội dung được các đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đặc biệt quan tâm là việc thành lập các tòa chuyên trách như Tòa kinh tế, Tòa phá sản, Tòa sở hữu trí tuệ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh Chính phủ đang trình Quốc hội đề án thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, việc có một thiết chế tư pháp chuyên trách, chuyên sâu để giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính, sở hữu trí tuệ là rất cần thiết.
Đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ chuyên môn sâu để làm việc tại các tòa chuyên trách. Đồng thời, quy định chặt chẽ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tránh tình trạng vụ việc bị kéo dài không có điểm dừng. Với số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng cao trong các năm qua, việc tăng số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như đề xuất là rất cần thiết.
Giải trình làm rõ một số nội dung được đại biểu Quốc hội nêu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cảm ơn và ghi nhận các góp ý liên quan đến việc thành lập các tòa chuyên trách như Tòa phá sản, Tòa sở hữu trí tuệ, cũng như các vấn đề về tiêu chí thành lập, nhân sự, quy trình, thẩm quyền...
Ông Lê Minh Trí cho biết Tòa án nhân dân tối cao sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo cụ thể về số lượng, tiêu chí, quy mô tổ chức các tòa này.
Về đề nghị thành lập Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng đây là hướng đi hợp lý để giải quyết kịp thời các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đầu tư… và Tòa án nhân dân tối cao đã có nghiên cứu bước đầu cho việc này.
Ông Lê Minh Trí khẳng định sẽ chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng toàn bộ dự thảo luật về mặt kỹ thuật lập pháp, ngôn ngữ, bảo đảm chặt chẽ, dễ hiểu, dễ áp dụng và phù hợp thực tiễn xét xử.
Thu Giang
Nguồn: https://baochinhphu.vn/bao-dam-dieu-kien-van-hanh-toa-an-khu-vuc-va-cac-toa-chuyen-trach-10225051913312049.htm
Bình luận (0)