Cô Trần Thị Minh Châu: Coi học trò như người bạn nhỏ, trò có thể cập nhật hơn cô
Cô Trần Thị Minh Châu - giáo viên dạy tiếng Anh - là cô giáo chủ nhiệm của hai lớp 9A1 và 9A2 (định hướng chuyên tiếng Anh) của Trường THCS Archimedes Academy. Tổng cộng 61 học sinh của hai lớp đã đỗ 100% vào các trường chuyên tại Hà Nội.
Cô Châu đã đồng hành bên các học sinh của hai lớp 9A1 và 9A2 từ năm lớp 6. Việc cùng lúc làm chủ nhiệm hai lớp là một thử thách không nhỏ đối với cô trong công việc. Hỗ trợ cô trong công tác quản lý lớp là 3 cô phó chủ nhiệm. Về phần mình, cô Châu phụ trách các vấn đề chuyên môn, đồng thời quan tâm sát sao tới sự phát triển tâm lý, đời sống tinh thần của học sinh.
Trong quá trình giảng dạy, cô Châu luôn chú ý giao lượng bài tập vừa đủ, để học trò không phải học quá nhiều, nhưng vẫn có đủ lượng bài tập để luyện rèn mỗi ngày một cách đều đặn. Ngoài ra, các thành viên trong lớp đều rất năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, văn nghệ, chủ động trau dồi kỹ năng tương tác xã hội...
Chiến lược chinh phục học trò của cô Châu trong vai trò giáo viên chủ nhiệm là luôn coi học sinh như những người bạn nhỏ. Cô coi bản thân mình là người đồng hành, người hướng dẫn các em trong học tập và cuộc sống.
Cô Châu bên các học trò của lớp 9A1 và 9A2 (Ảnh: NVCC).
Cô luôn tôn trọng hiểu biết của học trò, các em hiện được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin đa dạng, nên có thể nhanh chóng nắm bắt những kiến thức mới lạ. Thậm chí, học trò còn có thể thử "hỏi khó" cô giáo ở những mảng kiến thức ngôn ngữ độc lạ, hiếm gặp.
Khi gặp những tình huống như vậy, cô Châu luôn thể hiện sự tôn trọng đối với kiến thức mà học trò đã thu nạp được, bởi trong thời đại công nghệ số, học trò có thể sẽ cập nhật nhanh hơn thầy cô. Nếu chưa ngay có câu trả lời, cô Châu sẽ thẳng thắn nói với học trò rằng, cô cần có thêm thời gian để tìm hiểu. Cũng có khi, cô đề xuất học trò chia sẻ kiến thức mới để cô và các bạn khác cùng nghe.
Ngoài ra, để tăng sự gần gũi với học trò, cô Châu cũng liên tục cập nhật để nắm bắt các xu hướng thịnh hành đang được học trò ưa chuộng.
Trong quá trình đối diện với áp lực học tập, thi cử, có những học sinh xử lý rất tốt vấn đề áp lực, nhưng cũng có những bạn tâm lý yếu hơn. Cô Châu luôn tìm cách phối hợp với phụ huynh học sinh để có cách đối thoại và hỗ trợ riêng cho từng bạn.
Cô quan tâm tới cả sức khỏe thể chất, tinh thần, thói quen học tập và sinh hoạt của các học sinh, để có thể giúp các em có sự cân bằng tốt nhất. Đặc biệt, cô luôn tự nhủ phải nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của học sinh, để có thể thực sự thấu hiểu và hỗ trợ hiệu quả nhất cho các em.
Cô Phạm Thị Hường: Trở thành người bạn, người dẫn đường của học trò
Cô Phạm Thị Hường - giáo viên dạy hóa - là cô giáo chủ nhiệm của lớp 9HM Trường THCS Hoàng Mai. Cả 24 học sinh trong lớp 9HM đều đỗ vào các trường chuyên danh tiếng tại thành phố Hà Nội.
Cô Hường cho biết trong năm học cuối cấp, để đồng hành tốt nhất bên học trò, cô đã luôn chủ động chia sẻ với các em, để nhanh chóng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em. Cô định hướng bản thân trở thành người bạn, người dẫn dắt, người chỉ đường hiệu quả cho học trò.
Các học sinh của lớp 9HM đều chăm ngoan, học giỏi. Trong lớp, cô thành lập ra các nhóm học sinh có thế mạnh ở những bộ môn khác nhau. Các nhóm sẽ có nhiệm vụ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, để cả lớp cùng tiến bộ trong học tập.
Khi đảm nhận công tác chủ nhiệm, cô Hường luôn chú trọng việc làm sao để học sinh thực sự yêu quý, nể phục mình. Cô "chinh phục" học trò bằng cách thể hiện sự tâm huyết trong công tác giảng dạy, sự quan tâm chân thành và sự đối xử công bằng giữa các học trò.
Cô Hường bên các học trò của lớp 9HM (Ảnh: NVCC).
Cô luôn khuyến khích học trò nói lên suy nghĩ của bản thân, đặc biệt khi có những khúc mắc trong học tập hay giữa bạn bè với nhau. Những khi các em cởi mở, thẳng thắn chia sẻ, cô luôn lắng nghe, hồi đáp nhẹ nhàng, kiên nhẫn, cho tới khi các em cảm thấy thực sự bị thuyết phục. Điều này đã giúp cô nhanh chóng “chinh phục” tập thể 9HM khi tiếp nhận lớp đầu năm lớp 9.
Học sinh giỏi thường là những bạn có cá tính mạnh, có nhu cầu chứng minh bản thân lớn, vì vậy, khi các em có thắc mắc về điểm số hoặc có xích mích nhỏ với nhau, cô Hường đều nhìn nhận đây là cơ hội để đối thoại cởi mở, khiến học trò bị thuyết phục bởi vốn kiến thức, sự hiểu biết, sự khéo léo của cô chủ nhiệm.
Ngoài ra, làm chủ nhiệm một lớp quy tụ nhiều học sinh giỏi cũng khiến cô Hường "đau đầu" theo cách riêng. Thực tế, học sinh giỏi luôn có sự cạnh tranh, ganh đua trong học tập.
Hiểu được tâm lý cạnh tranh để tự khẳng định bản thân của các trò giỏi, cô Hường luôn nhấn mạnh với các em một điều giản dị: "Muốn đi xa, thì phải đi cùng nhau". Cô khuyến khích các em hãy biết hỗ trợ nhau trong học tập, để cả lớp cùng tiến bộ và cùng đạt được mục tiêu lớn trong kỳ thi chuyển cấp.
Khi thấy có những em tự đặt ra áp lực điểm số quá hoàn hảo, cô luôn có biện pháp phù hợp giúp các em cân bằng lại. Có những em quá say mê học tập tới mức sẵn sàng thức đêm để học, cô cũng chủ động phối hợp với phụ huynh để giúp các em thay đổi suy nghĩ, hiểu rõ tầm quan trọng của việc ngủ đủ giấc, giữ sức khỏe, để học tập về lâu dài.
Trong các giờ sinh hoạt tập thể, cô Hường luôn chủ động hỏi han để thấu hiểu các em học sinh. Nếu các em cảm thấy có điều khó nói, các em có thể chia sẻ riêng với cô. Với từng bạn, cô Hường sẽ có cách tiếp cận, quan tâm, chia sẻ khác nhau.
Cô cũng luôn động viên, khen thưởng học trò kịp thời, mỗi khi các em có tiến bộ trong học tập, rèn luyện. Cô tôn trọng cá tính riêng của từng học sinh, khuyến khích các em phát huy điểm mạnh của bản thân.
Thầy Nguyễn Đắc Thắng: Trở thành thần tượng của học trò, tận dụng tâm lý thần tượng
Thầy Nguyễn Đắc Thắng - giáo viên dạy toán - là thầy giáo chủ nhiệm của lớp 9A Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. 29 học sinh của lớp 9A đều đỗ vào các trường chuyên tại Hà Nội.
Thầy Thắng cho biết trong quá trình làm giáo viên chủ nhiệm của các em ở 2 năm cuối cấp, thầy luôn chú trọng giúp các em phát triển cân bằng, toàn diện thông qua các chương trình ngoại khóa đa dạng.
Là giáo viên chủ nhiệm của một lớp chuyên toán với tất cả các học sinh đều học giỏi, ưu tú, thích ganh đua nhau để học, để khẳng định bản thân, thầy Thắng còn phải chú trọng giúp học trò hiểu về sự cạnh tranh lành mạnh.
Thầy Thắng bên các học trò của lớp 9A (Ảnh: NVCC).
Theo thầy Thắng, học sinh giỏi sẽ gây ra những "cơn đau đầu" theo kiểu... học sinh giỏi. Các em rất ham học hỏi, thích tự tìm hiểu các kiến thức vượt cấp, thích chứng tỏ mình bằng cách giải bài ở cấp độ vượt tầm so với kiến thức đang được học. Dù cách giải không sai, nhưng nếu đem đi thi, các em sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng, thậm chí không được tính điểm.
Phương châm của thầy Thắng khi làm giáo viên chủ nhiệm là luôn để học sinh được tự do là chính mình, nhưng tất cả phải diễn ra trong khuôn khổ cho phép. Các em có thể mặc sức thể hiện bản thân, nhưng khi thấy có dấu hiệu "nằm ngoài khuôn khổ", thầy sẽ phải uốn chỉnh.
Theo thầy Thắng, càng những em học giỏi càng có xu hướng "cứng đầu". Nhiều khi thầy phải chấp nhận để các em chịu thất bại trong những sự việc chưa quá quan trọng, để các em hiểu mình đã "cứng đầu" sai lầm như thế nào.
Thầy Thắng sử dụng chiến thuật biến bản thân trở thành “thần tượng” của học trò, tận dụng tâm lý thần tượng hay có ở lứa tuổi teen, để chinh phục các em học sinh.
Theo thầy Thắng, một khi học trò đã bị chinh phục, các em sẽ rất hào hứng nghe theo những lời chỉ bảo, định hướng của giáo viên. Dù vậy, để trở thành "thần tượng" của một tập thể gồm toàn những học trò giỏi không hề đơn giản, thầy Thắng phải chú ý xây dựng phong cách riêng, để các em thực sự bị lôi cuốn, thuyết phục.
Thầy luôn hướng tới phong cách trẻ trung, hiện đại, vui vẻ, cởi mở, nhiều tài lẻ, hiểu biết đa lĩnh vực, giàu trải nghiệm thực tế...
Đặc biệt, thầy phải liên tục cập nhật những trào lưu, xu hướng, nhân vật gây sốt, đang được các học sinh quan tâm, để có thể thực sự thâm nhập vào thế giới của học trò, tạo điều kiện cho sự thấu hiểu, chia sẻ từ hai phía.
Một khi đã chinh phục được học trò, mọi việc sẽ diễn ra rất tự nhiên theo một quy trình tự động. Khi ấy, học trò sẽ có ý thức tự giác trong mọi việc.
Thầy Tăng Hải Tuân: Có thưởng có phạt, phạt cũng phải “ra vấn đề”
Thầy Tăng Hải Tuân - giáo viên dạy vật lý - là thầy giáo chủ nhiệm lớp 9C2 (lớp định hướng chuyên vật lý) của Trường THCS Archimedes Academy. 32 học sinh của lớp 9C2 đều đỗ vào các trường chuyên trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua.
Thầy Tuân cho biết khi tiếp nhận lớp đầu năm lớp 9, thầy xác định phải gây ấn tượng với học trò bằng những kiến thức vật lý thú vị và độc đáo. Kiến thức chuyên môn vững vàng và phương pháp giảng dạy thú vị là điều quan trọng để “chinh phục” một tập thể lớp gồm nhiều học sinh giỏi.
Thầy Tuân bên các học trò của lớp 9C2 (Ảnh: NVCC).
Năm học lớp 9 đòi hỏi các em phải có sự tập trung cao độ trong học tập, các em học sinh của lớp 9C2 còn nỗ lực tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, tích cực chuẩn bị cho kỳ thi vào khối chuyên vật lý ở nhiều trường chuyên. Nhìn chung, áp lực học tập và thi cử trong năm cuối cấp không hề nhỏ.
Để giúp học trò có sự phát triển cân bằng, thầy luôn khuyến khích học trò tham gia các hoạt động thể thao trong trường, để các em có cơ hội trải nghiệm, rèn luyện bản thân bên ngoài việc học.
Lớp 9C2 có nhiều học sinh học giỏi, cá tính mạnh, thầy Tuân luôn thể hiện sự tôn trọng đối với phong cách, cá tính riêng của từng em. Dù vậy, vì đang ở lứa tuổi dậy thì nhiều biến động, thầy Tuân cũng rất thấu hiểu rằng, một số em chưa rèn luyện được khả năng tự kiểm soát bản thân thật tốt.
Đôi khi, một số em quá nghịch ngợm đến mức bị mất tập trung, lặp lại cùng một lỗi sai nhiều lần. Nếu không có sự chấn chỉnh kịp thời, các em này có thể sẽ bị ảnh hưởng tới kết quả học tập.
Lúc này, thầy Tuân sẽ tìm ra hình phạt phù hợp, để vừa có tính trách phạt, nhưng cũng vừa đưa lại lợi ích cho các em. Chẳng hạn, thầy sẽ yêu cầu các em chép phạt từ mới tiếng Anh, để các em vừa thuộc từ vựng, vừa có thời gian ngồi lại trong tĩnh lặng để tự ý thức lại về bản thân mình.
Thầy luôn chú trọng việc động viên, khen thưởng kịp thời, cũng như nhắc nhở, trách phạt đúng lỗi. Ngoài ra, để giúp học trò cân bằng tốt hơn và gắn bó với nhau hơn bên ngoài hoạt động học tập, thầy cùng với ban phụ huynh thường lên kế hoạch tổ chức các hoạt động tập thể như xem phim, dã ngoại...
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bi-quyet-cua-4-thay-co-chu-nhiem-co-100-hoc-sinh-do-chuyen-o-ha-noi-20250709071904912.htm
Bình luận (0)