Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng (bìa trái). Ảnh: Tư liệu |
Ông Vũ Thắng (1926-2003) sinh ra trong một gia đình nghèo tại làng Quảng Xuyên, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế). Năm 1945, khi bước sang tuổi 19, ông tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc ở địa phương, rồi gia nhập Giải phóng quân Trần Cao Vân, có mặt ở các trận đánh đồn Đất Đỏ (1947), Thanh Lam Bồ (1948), Thanh Hương (1951). Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã trải qua các chức vụ như cán bộ trung đội, đại đội rồi Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 319, Chính ủy viên Trung đoàn 101, Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 325, Ủy viên Đảng ủy Quân khu IV, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội. Đến tháng 2/1974, ông nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên (Ban Thường vụ Tỉnh ủy lúc này gồm các đồng chí Hoàng Lanh, Lê Sáu, Nguyễn Chi, Nguyễn Trung Chính).
Cuối năm 1973 đầu năm 1974, ở chiến trường Trị Thiên - Huế đã có những bước chuyển biến mới và đột phá. Toàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động quân sự, tiến công vũ trang hướng về vùng giáp ranh và đồng bằng. Phong trào đấu tranh chính trị ở thành phố diễn ra sôi nổi, lực lượng cách mạng đã đạt được những bước khả quan, thiết lập được các tuyến hành lang từ miền núi về giáp ranh xuống đồng bằng để vận chuyển lương thực, thực phẩm và đạn dược, thuốc men, xây dựng các tuyến đường 71, 72, 73, 74, tạo được mạng lưới vận chuyển cơ giới liên hoàn. Đây là một thành công lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; tạo điều kiện cho các cán bộ, chiến sĩ về bám trụ, hoạt động bí mật ở các cơ sở nhằm tổ chức lực lượng, giác ngộ quần chúng khi có thời cơ sẽ nổi dậy đấu tranh.
Với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Vũ Thắng cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ đứng trước những khó khăn của chiến trường Trị Thiên - Huế lúc này như: Lực lượng của địch ở đây rất mạnh, gồm có Sư đoàn 1, Lữ đoàn 147, 2 liên đoàn biệt động, 1 lữ đoàn kỵ binh thiết giáp, 3 thiết đoàn, 8 tiểu đoàn pháo, 21 đại đội bảo an, 319 trung đoàn dân vệ, hơn 7.000 cảnh sát và bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ tỉnh đến thôn, xã nên cuộc chiến Trị Thiên - Huế đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Ngày 3/3/1975, Thường vụ Khu ủy triệu tập đồng chí Vũ Thắng tại Khe Vàng (Hương Thủy) để nghe báo cáo tình hình triển khai chiến dịch. Sau khi nghe đồng chí Vũ Thắng báo cáo, đồng chí Lê Tự Đồng, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Tư lệnh Quân khu thông báo quyết định của Thường vụ Khu ủy cử đồng chí Vũ Thắng, Khu ủy viên, Quân khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng của tỉnh và lực lượng của cấp trên chi viện cho mặt trận phía nam. Tham gia chỉ đạo mặt trận phía nam còn có các đồng chí: Lê Sáu, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; Dương Quang Đấu, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Thành đội Huế; Đặng Minh Hường, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc; Lê Hùng Vinh, Bí thư Huyện ủy Hương Thủy; Lê Viết Phong, Quyền Bí thư Huyện ủy Phú Vang.
Với cương vị là người trực tiếp chỉ đạo cánh nam - là hướng tấn công chiến lược rất quan trọng, nhất là trục Quốc lộ IA nối Huế với căn cứ quân sự Đà Nẵng, nếu làm chủ được khu vực phía nam, địch sẽ bị chia cắt chiến lược, lực lượng địch ở Thừa Thiên Huế sẽ bị bao vây, cô lập. Nhận thấy tầm quan trọng của cánh phía nam, đồng chí Vũ Thắng đã về đồng bằng và đứng chân ở Thủy Phương - một xã ven thành phố Huế thuộc huyện Hương Thủy, nằm ngay sát Quốc lộ, tuy địch đang kiểm soát gắt gao nhưng vị trí này thuận lợi trong việc nắm bắt tình hình và trực tiếp chỉ đạo.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Vũ Thắng, cán bộ, chiến sĩ, các đội vũ trang huyện Phú Lộc đã hành quân bí mật, anh em cơ sở vận chuyển vũ khí, lương thực qua phía nam cầu Hói Rui, vượt qua núi Rẫm về cửa Tư Hiền. Ngày 7/3/1975, ban chỉ huy huyện và các đội vũ trang đã tập kết ở Vinh Giang, Vinh Hải sẵn sàng đón bộ đội chủ lực của tỉnh và bộ đội địa phương về tập kết vào ngày 8/3/1975. Các huyện Phú Vang, Hương Thủy, lực lượng vũ trang đã bí mật vượt qua các cứ điểm phòng thủ của địch về tập kết tại Phú Hồ, Vinh Thái, Thủy Thanh, Thủy Phương chờ lệnh nổ súng.
Việc đưa được một lực lượng ta bí mật từ vùng núi về đồng bằng là một thành công lớn, là cơ sở, là hạt nhân cho lực lượng nổi dậy sau này. Mọi công tác cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 ở cánh nam đã hoàn tất và sẵn sàng chờ lệnh. Việc các đồng chí lãnh đạo tỉnh về cơ sở cùng các mũi, các đội công tác trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch mang lại hiệu quả rất cao, nhất là trong công tác chính trị tư tưởng, sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo ở các mũi công tác vừa mang tính chỉ đạo sâu sát, kịp thời vừa đảm bảo khi gặp khó khăn.
Trở về quê hương trong đoàn quân giải phóng, gặp lại mẹ già sau 30 năm xa cách, tâm trạng đồng chí Vũ Thắng cứ bồi hồi xúc động xen kẽ những giọt nước mắt. Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, những năm tháng tham gia lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 ở Thừa Thiên Huế vẫn luôn sống mãi, sáng mãi trong ký ức và tâm hồn của ông...
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/bi-thu-tinh-uy-vu-thang-trong-xuan-1975-151978.html
Bình luận (0)