
3 lần ấy vào các năm 1976, 1991 và nay là 2025. Cụ thể, qua tài liệu tháng 2/1976, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy (thị xã La Gi, Hàm Tân hiện nay) ở Nam Trung bộ hợp nhất thành một tỉnh, lấy tên là Thuận Hải. Thuận Hải có phía Bắc giáp với tỉnh Khánh Hòa, phía Nam và Đông tiếp giáp biển Đông và phía Tây giáp với tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Với gần 300 km bờ biển, trải dài từ Khánh Hòa đến bãi bồi Bình Châu, địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu và Trung tâm hành chính tại thị xã Phan Rang, có biển số xe 48.
Năm 1991, Thuận Hải tách ra làm 2 tỉnh theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 10 ngày 26/10/1991, lấy tên Bình Thuận và Ninh Thuận. Bình Thuận có 9 đơn vị hành chính gồm 1 thị xã và 8 huyện. Cụ thể, thị xã Phan Thiết – trung tâm hành chính của tỉnh và 8 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, Phú Quý. Nay là 10 huyện, thị vì có thêm thị xã La Gi tách ra từ huyện Hàm Tân. Với 192 km bờ biển kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay, Bình Thuận có biển số xe 86 thay vì số 48, người dân Đắk Nông đang dùng.
Trải qua hơn 30 năm tách tỉnh, Bình Thuận của năm 2025 đã thay da đổi thịt, với nhiều thành tựu nổi bật. Nhờ giao thông mở lối, phương tiện đi lại đa dạng, công nghệ thông tin phát triển. Bình Thuận đang cùng với tỉnh, thành khác trên cả nước thực hiện chủ trương của Trung ương sáp nhập đơn vị hành chính các cấp cho phù hợp với tình hình mới. Theo danh sách 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh mà Ban Chấp hành Trung ương vừa thông qua, Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông hợp nhất thành một tỉnh, lấy tên gọi là tỉnh Lâm Đồng.
Như vậy, đây là lần thứ 3 gần nhất Bình Thuận nhập, tách tỉnh mà tôi biết và chứng kiến. Nó gợi lên nỗi nhớ năm 1991 khi ấy tôi đang sống ở phường Thanh Hải, thị xã Phan Thiết (cũ). Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ, hầu như người dân thời đó chẳng có quan tâm đến chuyện chia tách tỉnh mà chủ yếu là giới cán bộ, công chức. Nhưng nhìn chung là xem chuyện này rất bình thường. Sau khi chia tách, tỉnh Bình Thuận tập trung hỗ trợ cho Ninh Thuận về con người và cơ sở vật chất. Lúc đó có chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, ai ở tỉnh Ninh Thuận thì về lại tỉnh làm việc và ai tình nguyện ra Ninh Thuận làm việc thì ra.
Điển hình, cơ quan Báo Bình Thuận, nhiều cán bộ hưu trí của báo còn nhớ, ông Mai Ty, Trần Bảo Kim, Thái Quang Trung… sau này làm việc ở Báo Ninh Thuận. Trước khi chưa chia tách tỉnh, họ là cán bộ, nhân viên, phóng viên báo Thuận Hải, rồi nhân cơ hội tách tỉnh, họ về lại quê làm việc như ông Mai Kim. “Trước khi chia tách tỉnh, báo Thuận Hải có khoảng 30 cán bộ, phóng viên, nhân viên. Khi chia tách tỉnh Thuận Hải ra làm 2 tỉnh, một số anh em, những người quê Ninh Thuận xin về lại báo Ninh Thuận làm việc cùng một số anh em khác tình nguyện”, một cựu cán bộ hưu trí báo Bình Thuận chia sẻ.
Đó là chuyện chia tách, còn nhập lại thì khác. Nó liên quan nhiều đến con người, nhất là cán bộ, công chức. Như việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay, 2 hoặc 3 tỉnh nhập lại, làm việc tại một nơi cùng một công việc, sẽ có những dôi dư, điều này ai trong chúng ta cũng biết là chắc chắn. Tuy nhiên, một khi giao thông thuận lợi, khoa học công nghệ phát triển, pháp luật hoàn thiện, việc sáp nhập hợp nhất tỉnh để đất nước vươn mình là không thể tránh khỏi...
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/binh-thuan-voi-3-lan-nhap-tach-tinh-gan-nhat-129607.html
Bình luận (0)