Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bình yên Đất Mũi-Cà Mau

NDO - Đất Mũi-Cà Mau, điểm tận cùng trên đất liền của Tổ quốc được nhà văn Nguyễn Tuân ví như "ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm" luôn ăm ắp sự mộc mạc, nghĩa tình. Nơi ấy, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, thiên nhiên và con người hòa vào nhau lặng thầm, dung dị đến nao lòng.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân11/04/2025

Về với Đất Mũi-Cà Mau chính là về với cái gốc rễ chân chất, bình dị của Tổ quốc. Mũi đất tận cùng trên bản đồ hình chữ S khẽ cong một đường mềm mại, cũng dứt khoát một dấu chấm kiêu hãnh giữa mênh mông.

Cách trung tâm thành phố Cà Mau hơn 100km là địa danh Đất Mũi - điểm cực nam của Tổ quốc, cũng là điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh. Km 2436 của đường Hồ Chí Minh thuộc Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Con đường lịch sử này bắt đầu từ Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, xuyên suốt nhiều tỉnh, thành phố và kết thúc ở điểm cực nam.

Bình yên Đất Mũi-Cà Mau ảnh 1

Tượng đài Mẹ ở Mũi Cà Mau.

Về Cà Mau để lắng lòng lại, để thấm thía vì sao vùng đất này được gọi là nơi "đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi". Cách ví von vừa lạ vừa quen, như cách đất và người nơi đây lầm lũi cựa mình trong lặng lẽ, để mỗi ngày cứ âm thầm bồi thêm cho Tổ quốc từng lớp phù sa tích tụ bao mồ hôi, xương máu và tình yêu phóng khoáng, mặn nồng.

Bình yên Đất Mũi-Cà Mau ảnh 2

Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 - Đất Mũi Cà Mau.

Đứng trên đài quan sát, ôm trọn tầm mắt mênh mông đất trời, chợt thấy biển và rừng hòa quyện, đất và nước không còn ranh giới...

Buổi sáng mặt trời lừng lững mọc phía đông, chiều lặn phía tây, và khoảnh khắc nào cũng rực rỡ, huy hoàng, như thể Đất Mũi là nơi duy nhất níu giữ được cả hai đầu ngày trong một khung hình kỳ diệu. Vẻ trầm mặc trong mênh mang không giới hạn ấy khiến ta quên hết mọi bộn bề, vội vàng. Ở cực nam, chỉ còn tiếng gió, tiếng sóng thì thầm kể chuyện nghìn xưa.

Bình yên Đất Mũi-Cà Mau ảnh 3

Khoảnh khắc tình cờ mà tuyệt diệu của khi cánh chim sà xuống tượng đài.

Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 (cây số 0) của Việt Nam là một trong bốn điểm cực đánh dấu lãnh thổ Tổ quốc trên đất liền (cùng với cực bắc là Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực tây là xã A pa chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và cực nam là Cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 (Đất Mũi, Cà Mau).

GPS 0001 đã trở thành biểu tượng đầy tự hào. Gần Mốc toạ độ còn trưng bày các bản đồ cổ, như: "An Nam đại quốc họa đồ" năm 1838, "Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" năm 1904 chứng minh chủ quyền quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đó như lời khẳng định rõ ràng: Biển đảo là máu thịt thiêng liêng, là phần không thể tách rời của non sông gấm vóc.

Bình yên Đất Mũi-Cà Mau ảnh 4

Vẻ đẹp thanh bình miền cực nam của Tổ quốc.

Cũng ở nơi này, có một biểu tượng khiến bất cứ du khách nào cũng muốn dừng lại lâu nhất để chiêm ngưỡng, suy ngẫm, đó là tấm Pano hình con tàu hướng ra biển Đông, cánh buồm khắc tọa độ Mũi Cà Mau.

Nguồn cảm xúc đặc biệt có lẽ bắt đầu từ sự chiêm nghiệm, rằng ai cũng mong một lần được đứng ở nơi tận cùng đất nước, nơi mọi con đường dường như dừng lại để bắt đầu một hành trình mới - hướng ra khơi xa hoặc hướng vào lòng mình.

Bình yên Đất Mũi-Cà Mau ảnh 5

Trang nghiêm trong ngày lễ lớn.

Giữa rừng ngập mặn, du khách có thể đi cầu khỉ. Trải nghiệm khiến trái tim vừa thót lên vì hồi hộp, vừa tung tẩy như trở về tuổi thơ. Cây mắm mọc nơi đất bồi, cây đước nối tiếp tạo nên bức tranh sinh thái sống động mà bền bỉ. Từng chùm rễ cắm sâu vào lòng đất lòng nước như những bàn tay bám giữ đất từng gang tấc. Không ồn ào, không đòi hỏi, chỉ lặng lẽ sống - như phẩm chất con người rẻo đất cực nam.

Bình yên Đất Mũi-Cà Mau ảnh 6

Đặc sản bánh trái địa phương được nhân dân thành kính dâng lên Giỗ Tổ.

Ngoài cảnh sắc, Đất Mũi còn cho ta hương vị. Cua Cà Mau chắc nịch, cá thòi lòi lấp ló bãi bùn, ốc len xào dừa thơm ngậy... tất cả hòa trong lời mời gọi chân thành, nồng ấm của bà con. Mỗi món ăn một câu chuyện, một giọt mặn mòi mồ hôi, nghĩa tình, vun đắp.

Miền đất đặc biệt này chứng kiến sự giao thoa đặc sắc về văn hóa các dân tộc. Những mái chùa Khmer vươn mình trong nắng, những lễ hội Nghinh Ông, Vía Bà Thiên Hậu, Chôl Chnăm Thmây... góp nên bản hòa tấu văn hóa sống động. Đồng bào Kinh, Hoa, Khmer... sống bên nhau, cùng chia miếng bánh ngày lễ, cùng đi qua mùa nước nổi, cùng gìn giữ từng tấc đất bồi, cùng mời khách ghé nhà "ăn bữa cơm lấy thảo"...

Bình yên Đất Mũi-Cà Mau ảnh 7

Tấm lòng người dân luôn mộc mạc, chân thành.

Có lẽ, điều quý giá nhất mà Đất Mũi mang lại là sự bình yên của không gian, của thẳm sâu trong tâm hồn, gọi về thứ cảm giác mà ta tưởng đã đánh rơi giữa tháng ngày vội vã. Cái lặng lẽ của Đất Mũi-Cà Mau khiến khách dùng dằng, luyến nhớ, không nỡ xa miền thương yêu quá đỗi ân cần.

Trong nhịp sống hiện đại, miền cực nam bây giờ đã khác. Đường sá thênh thang, công trình khang trang, nhà cửa vững vàng thay cho mái đước đơn sơ... Mùa nước lặng, rừng đước xanh ánh lên trong nắng soi bóng xuống mặt kênh, chấp chới những cánh buồm đỏ của các hộ dân bắt tay làm du lịch căng mình trong gió. Nhưng lòng người ở xứ "mắm trước, đước sau, tràm theo sát" vẫn mộc mạc thế thôi.

Bình yên Đất Mũi-Cà Mau ảnh 8

Biểu tượng con thuyền, cánh buồm nơi Mũi Cà Mau.

Mỗi độ tháng ba âm lịch, khi những sắc hoa đặc trưng bắt đầu rụng cánh ken dày dọc mé nước cũng là thời điểm người dân ở miền cực nam - nơi cách xa đất Tổ cả nghìn cây số - vẫn một lòng cung kính, giữ gìn mạch nguồn linh thiêng trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

Trong ánh nắng chan hòa, sóng sánh và mùi nhang trầm lan tỏa khắp không gian, không khí uy nghiêm, xúc động len nhẹ vào mỗi tâm hồn. Nhịp trống, nhịp bước, văn khấn... hòa cùng nhịp tim. Giỗ Tổ Hùng Vương ở miền đất cực nam bao giờ cũng long trọng mà chứa chan tình cảm, quy tụ mọi thành phần, tầng lớp, lứa tuổi một tấm lòng hướng về nguồn cội.

Bình yên Đất Mũi-Cà Mau ảnh 9

Giỗ Tổ Hùng Vương ở Cà Mau diễn ra long trọng và ấm áp.

Nhà nào có hoa dâng hoa, có bánh dâng bánh... chủ yếu nhà làm với cái tâm trong sáng, tận tụy chứ không mua sẵn, nệ vào hình thức. Không khí trang nghiêm mà vẫn nhộn nhịp, kính cẩn mà vẫn gần gũi, thân thuộc. Chiều sâu tâm linh, tự hào như đã ăn sâu vào tâm hồn người dân nơi này.

Đứng lặng trước tượng đài Mẹ Âu Cơ giữa mảnh đất bồi lấn từng ngày về phía biển Đông, nghe gió thổi ào ạt vỗ mé rừng, cảm nhận rõ niềm vững tâm trong dáng mẹ tay bồng con, tay dắt con, ánh nhìn vời vợi. Vẻ đẹp bao dung, vững bền, vĩnh cửu.

Bình yên Đất Mũi-Cà Mau ảnh 10

Cột cờ Tổ quốc trong vẻ đẹp uy nghiêm, khoáng đạt.

Nghe đâu đó tiếng vọng của không gian, thời gian, âm vang từ núi rừng phương bắc, từ Đồng bằng châu thổ sông Hồng, từ mạch nguồn Phú Thọ truyền về tận đây. Có lẽ cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ trong hành trình xuống biển, lên rừng đã vừa bước đi, vừa thắp ngọn đèn soi đường cho lớp lớp cháu con muôn đời tiếp nối.

Bình yên Đất Mũi-Cà Mau ảnh 11

Km 2436 đánh dấu điểm cuối của Đường Hồ Chí Minh.

Rời Đất Mũi-Cà Mau trong một chiều lộng gió, cảm nhận rõ lòng người như vừa gội qua nguồn nước mát lành từ ký ức, từ bao yêu thương đọng lại từ nơi địa đầu phương nam. Càng thêm khắc khoải, rưng rưng mỗi khi nghĩ về miền đất địa đầu - xứ sở của những giấc mơ chân thành như phù sa không ngừng bồi đắp.

Ở nơi ấy, mỗi tấc đất, mỗi con người đều mang trong mình một phần huyền thoại. Huyền thoại len lỏi vào rừng mắm, rừng đước cho đến tiếng sóng thì thầm bên tai. Ở nơi ấy, những đứa trẻ sinh ra đã nghe biển gọi, lớn thêm chút biết đi cầu khỉ trước khi tung tăng trên đường rải nhựa khang trang. Và biết cúi đầu, chắp tay trước bàn thờ Tổ từ khi chưa biết đánh vần.

Nguồn: https://nhandan.vn/binh-yen-dat-mui-ca-mau-post871676.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm san hô biển bạc Việt Nam
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm