Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bỏ room tín dụng: Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, nâng...

Việc Ngân hàng Nhà nước từng bước tiến tới bỏ cơ chế hạn mức tín dụng (room) không chỉ đặt ra yêu cầu kiểm soát dòng vốn an toàn mà còn thúc đẩy thị trường tín dụng vận...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng27/07/2025

Việc Ngân hàng Nhà nước từng bước tiến tới bỏ cơ chế hạn mức tín dụng (room) không chỉ đặt ra yêu cầu kiểm soát dòng vốn an toàn mà còn thúc đẩy thị trường tín dụng vận hành theo cơ chế cạnh tranh thực chất. Trong đó, giảm lãi suất, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và định hướng tín dụng hiệu quả sẽ là thứ “vũ khí” buộc các ngân hàng phải sử dụng nếu muốn giữ hoặc mở rộng thị phần.

Từ chia “room” sang giành khách hàng bằng năng lực thực sự

Hơn một thập kỷ qua, room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho từng ngân hàng chính là một trong những công cụ quan trọng để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và điều tiết cung tiền. Cơ chế này, về bản chất, là một dạng quota thị phần tín dụng mà cơ quan quản lý phân bổ căn cứ vào năng lực vốn, chất lượng tài sản và tuân thủ các quy định an toàn của từng tổ chức tín dụng.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VBA) - ông Nguyễn Quốc Hùng: Việc duy trì room tín dụng trong hơn 10 năm qua đã góp phần ổn định vĩ mô, nhất là trong những thời điểm kinh tế toàn cầu biến động mạnh. Thị trường tiền tệ vận hành khá ổn định, tỷ giá không biến động lớn, lãi suất có xu hướng giảm.

Ngân hàng sẽ phải cạnh tranh thị phần bằng thực lực
Giành khách hàng bằng năng lực thực sự (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, chính cơ chế theo kiểu chỉ tiêu này lại tạo ra một vùng an toàn giả định cho các ngân hàng – nơi ngân hàng không cần quá nỗ lực để giữ khách hàng hoặc mở rộng thị phần. Khi được phân sẵn “miếng bánh” tín dụng, động lực cạnh tranh lãi suất, chất lượng dịch vụ và sản phẩm tài chính bị triệt tiêu đáng kể.

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Nghiên cứu tại Đại học VinUni, dẫn chứng rằng trước khi Thông tư 36 ra đời (2014), hệ thống ngân hàng từng tăng trưởng tín dụng mất kiểm soát, dẫn tới rủi ro mất ổn định tài chính. Tuy nhiên, việc duy trì room quá lâu lại tạo ra các nghịch lý mới: khách hàng không tiếp cận được vốn khi ngân hàng hết room, lãi suất không giảm dù thanh khoản dồi dào, một số ngân hàng thiếu động lực tái cấu trúc tài sản.

Ông Tú Anh nhận định: “Room tín dụng giống như chia sẵn thị phần. Khi không cần cạnh tranh để giành khách, các ngân hàng sẽ không muốn giảm lãi suất. Việc bỏ room sẽ buộc các ngân hàng phải cạnh tranh công bằng, từ đó có lợi cho nền kinh tế và người vay vốn.”

Bỏ room sẽ là thử thách năng lực vốn và quản trị rủi ro

Theo lộ trình, từ năm 2026 trở đi, Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ dần cơ chế hạn mức tín dụng, chuyển sang cơ chế điều hành dựa trên các chỉ số an toàn vốn và xếp hạng tín dụng nội bộ. Đây là một bước ngoặt lớn, buộc các ngân hàng chuyển từ xin room sang giành room bằng năng lực.

Việc này sẽ tạo ra một cuộc đua “ngầm” về nâng cao vốn chủ sở hữu, hệ số an toàn vốn (CAR), năng lực định giá tài sản bảo đảm và kiểm soát rủi ro. Các ngân hàng có nền tảng vốn yếu, tỷ lệ nợ xấu cao sẽ buộc phải tái cấu trúc hoặc đối mặt với việc bị thu hẹp thị phần.

Ngân hàng sẽ phải cạnh tranh thị phần bằng thực lực
Thử thách năng lực vốn và quản trị rủi ro (ảnh minh họa)

Theo ông Tú Anh, nhóm ngân hàng quốc doanh vốn có CAR thấp hơn mặt bằng chung sẽ gặp khó hơn khi cơ chế room bị gỡ bỏ. Những ngân hàng này nếu muốn duy trì thị phần sẽ phải hạ lãi suất, tăng hiệu quả vận hành và nâng chất lượng dịch vụ để cạnh tranh với khối ngân hàng tư nhân năng động.

Theo báo cáo của Vietcap, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, định hướng vào khách hàng SME và bán lẻ như Vietcombank, Techcombank sẽ có lợi thế lớn trong bối cảnh mới, khi việc phân bổ tín dụng phụ thuộc vào khả năng phân tích rủi ro và năng lực tài chính thực chất.

Vẫn khá lo ngại về tăng trưởng nóng và bài học từ quá khứ

Một trong những lo ngại lớn nhất khi bỏ room tín dụng là tín dụng có thể tăng trưởng quá nóng, lặp lại kịch bản 2008–2010 khi dòng vốn ồ ạt chảy vào bất động sản, chứng khoán và đầu cơ tài sản.

Ông Phạm Xuân Hoè – Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam – thừa nhận rủi ro là có, nhưng khẳng định Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ có đầy đủ công cụ điều tiết gián tiếp để kiểm soát dòng vốn.

Cụ thể như việc tăng hệ số rủi ro với lĩnh vực đầu cơ, điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc; Áp dụng bộ đệm vốn đối với cho vay trung – dài hạn; Hạn chế tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay dài hạn. Theo ông Hòe: “Việc dỡ bỏ room tín dụng không có nghĩa là buông lỏng kiểm soát. Quan trọng là chuyển từ kiểm soát hành chính sang kiểm soát rủi ro thông minh.”

Về mặt tổng thể, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã vượt 134%, mức cao trong khu vực. Một số ý kiến cảnh báo đây là ngưỡng nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn phụ thuộc lớn vào vốn vay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số này không phản ánh hết mức độ rủi ro nếu dòng vốn được phân bổ hiệu quả.

Ông Hoè nêu rõ: “Nếu tín dụng chảy đúng hướng như hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao thì vẫn tạo giá trị thực. Nhưng nếu tiếp tục đổ vào các lĩnh vực rủi ro cao, chỉ cần một cú sốc là cả hệ thống ngân hàng phải gồng gánh hậu quả.”

Bỏ room sẽ kích hoạt “vũ khí” lãi suất cạnh tranh

Trong môi trường không còn hạn mức, các ngân hàng sẽ không còn được “phân phần”, mà phải cạnh tranh sòng phẳng để giành khách hàng. Đó là lúc lãi suất chất lượng dịch vụ, tốc độ xử lý hồ sơ và năng lực tài chính sẽ trở thành các tiêu chí then chốt.

Nhiều chuyên gia nhận định, giảm lãi suất cho vay sẽ là “vũ khí” cạnh tranh hiệu quả nhất trong ngắn hạn. Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào, nếu không còn room, ngân hàng nào hạ lãi suất sớm và hiệu quả hơn sẽ có lợi thế thu hút khách hàng SME vốn chiếm tỷ lệ lớn trong nhu cầu tín dụng. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi: giảm lãi suất quá mức mà không kiểm soát được chất lượng tín dụng sẽ dẫn tới rủi ro nợ xấu, nhất là nếu ngân hàng giảm chuẩn thẩm định để đẩy vốn ra ngoài.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh: “Tăng trưởng tín dụng bao nhiêu không quan trọng bằng dòng vốn ấy đi đâu và tạo ra giá trị gì. Chúng ta phải thay đổi tư duy: không còn là tăng trưởng bằng mọi giá, mà là tăng trưởng có kiểm soát, hiệu quả và minh bạch.”

Ngân hàng sẽ phải cạnh tranh thị phần bằng thực lực
Bỏ room sẽ kích hoạt “vũ khí” lãi suất cạnh tranh

Như vậy việc bỏ room có thể coi là bước chuyển từ chia phần sang cạnh tranh công bằng. Việc bỏ room tín dụng là bước đi quan trọng mang tính chuyển đổi cơ bản cách vận hành thị trường tín dụng. Từ một hệ thống dựa trên phân bổ hành chính, cơ chế tín dụng mới sẽ chuyển sang cạnh tranh dựa trên năng lực tài chính, năng lực đánh giá rủi ro và hiệu quả phân bổ vốn.

Trong môi trường mới, không có ngân hàng nào được ưu ái, tất cả đều phải cạnh tranh để giữ thị phần, đặc biệt thông qua giảm lãi suất, cải thiện dịch vụ và nâng cao năng lực vốn. Đây chính là cơ chế thị trường lành mạnh mà nền kinh tế Việt Nam cần để tránh lệ thuộc vào tín dụng, hướng tới một hệ thống tài chính bền vững, minh bạch và hiệu quả.

Tuy nhiên, để điều này thực sự hiệu quả, Nhà nước cần đi kèm các công cụ điều tiết gián tiếp hiện đại, phát triển thị trường vốn thay thế kênh tín dụng, đồng thời đẩy mạnh số hóa và xếp hạng tín nhiệm nội địa nhằm giúp dòng vốn được phân bổ đúng nơi, đúng chỗ.

Bỏ room tín dụng không chỉ là thay đổi một công cụ điều hành, mà là mở ra cơ hội tái thiết thị trường tín dụng theo hướng minh bạch – cạnh tranh – hiệu quả. Nhưng để cơ hội này phát huy hiệu lực, mỗi ngân hàng phải chấp nhận cuộc chơi công bằng – nơi “miếng bánh” không còn chia sẵn, mà phải giành lấy bằng chính năng lực thực sự./.

Nguồn: https://baolamdong.vn/bo-room-tin-dung-thuc-day-canh-tranh-lanh-manh-nang-cao-gia-tri-nganh-ngan-hang-383968.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm