Bức tường dựng giữa ngôi nhà thật lạ, vì không giống như những bức tường ngăn đôi ở mọi nơi mà người ta quen nhìn. Đó là những tấm ri-đô được may dính lại, giăng như tấm màn của sân khấu. Bức tường thể hiện sự tách biệt thế giới riêng của hai vợ chồng, nay đã trở thành hai người xa lạ.
Căn nhà chẳng có gì gọi là quý giá, chỉ có chiếc tivi đời cũ ở bên chị, còn bên anh thì là chiếc giường chắc tồn tại đã lâu và bộ bàn ghế hướng ra cửa sổ, nhìn ra con đường mòn băng qua xóm cỏ cây len mọc. Căn nhà chông chênh giữa những ngôi nhà nằm nép theo cánh đồng vào vụ mùa trồng khoai mì hoặc bắp, vắng người qua lại, giống như bức tranh vẽ vội của một họa sĩ nào đó.
Như mọi cuộc chia tay, khi chưa thể tách rời hoàn toàn về hai phía thì căn nhà được chia đôi. Đó là căn nhà gạch cấp 4 đã qua năm tháng, buồn buồn như xóm nhỏ này. Căn nhà nằm ở giữa cỏ cây, thỉnh thoảng có vài cành hoa dại bung nở.
Anh và chị có cùng hoàn cảnh gia đình - không có của ăn của để, đơn chiếc và kiếm sống bằng sức lao động, không mộng mơ đến những thứ xa xỉ ngoài đời. Anh làm bảo vệ cho các vườn cây, có nghĩa là người ta thuê anh vào ban đêm mắc võng ở những khu vườn đang vào mùa thu hoạch để canh chừng kẻ trộm. Chị làm phụ bếp cho một dịch vụ nấu ăn lưu động, có nghĩa là họ nấu ăn mang tận nhà hoặc tận nơi mà khách đặt. Nghề này bữa được bữa không, đôi khi cả tháng chẳng ai đặt tiệc, chị chuyển sang đi lấy bánh mì, sáng sáng đạp xe khắp ngõ, có chiếc loa rao sẵn: "Ai bánh mì nóng giòn không?".
Anh bảo vệ vườn cây có khi rảnh rỗi, ngồi ở chiếc ghế dài dành cho mọi người nghỉ chân, vẫn thường mua bánh mì để ăn, rồi họ quen nhau và trở thành vợ chồng. Vợ chồng đúng nghĩa là cùng về một nhà để cùng sưởi ấm trái tim nhau. Anh ở tuổi 40 và chị cũng đã 39. Ở cái tuổi nghiêng bóng chiều ấy, gặp nhau không câu nệ và chị cũng chẳng băn khoăn gì khi về căn nhà gạch do ba má anh để lại, cũ kỹ, buồn buồn giống như những vạt rau muống ở ven sông đang ngoi lên theo con nước, lén nở những bông hoa tim tím.
Giờ thì căn nhà có tấm ngăn. Họ ly thân chẳng phải vì một trong hai người có một bóng hình khác, mà bởi vì cuộc sống vợ chồng của họ quá nhàm chán. Là mái tole vào mùa mưa nước cứ len vào, chị nói anh mấy lần mà anh vẫn để đó. Là đám cỏ xanh trước nhà cứ mọc lên, chị nói anh phụ chị dãy chúng đi, anh ậm ừ. Anh chẳng làm gì để thay đổi hiện tại. Vẫn là chiếc xe đạp không còn nhìn ra được màu sơn, là phương tiện duy nhất của anh để đi lại. Cưới chị rồi, với sự đốc thúc của chị, lúc rảnh rỗi anh cũng ra vườn trồng này trồng kia trên mảnh đất nhỏ cha mẹ anh để lại. Nhưng cuối cùng anh chọn trồng khoai mì, khoai lang cho đỡ công chăm sóc. Mỗi mùa thu hoạch bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền.
Chị chẳng phải lòng người khác, chỉ là chị mong có một người chồng chí thú làm ăn, siêng năng để cuộc sống dễ thở hơn. Chị chỉ mơ có một đứa con nhỏ, sáng sáng đưa con đến trường, buổi chiều cả nhà quây quần bên bữa cơm rau cũng được. Nhưng những bữa cơm như thế cũng hiếm hoi. Và những ngày mưa, căn nhà dột đủ chỗ, chị phải dùng mọi vật dụng có thể hứng nước để mọi nơi, còn anh thì chị nhắc biết bao lần, anh vẫn không chịu leo lên mái nhà để bịt những chỗ bị nước chảy.
Anh cũng chẳng ngoại tình. Nhưng anh cũng chẳng hỏi han nếu chị về nhà trễ. Anh cũng chẳng quan tâm ở nhà có đủ tiền để mua gạo hay không. Vì trong đời sống của anh trước khi cưới chị, anh có lo lắng mấy chuyện đó đâu. Anh sống một mình, đói thì chủ vườn kêu vô nhà chia cho chén cơm là xong. Anh mãi không hiểu vì sao cưới nhau rồi chị lại thất vọng về anh, trong khi từ đầu chị đã biết anh vốn có nhịp sống như thế. Vậy là trong mênh mông của cuộc đời này, họ sống chung với nhau mà âm thanh cãi cọ chẳng vang ra. Chỉ có những thất vọng dồn nén.
Họ ly thân nhưng chị chẳng có nhà khác để rời đi và anh cũng không nỡ để chị phải ra ngoài thuê trọ tốn kém. Những tấm ri-đô giăng chia ngôi nhà giống như màn che để dựng tuồng, bởi trong căn nhà, bức tường bằng những tấm vải cũ chẳng ngăn được âm thanh và mùi vị cuộc sống. Chị nấu cơm, xào nấu thức ăn tỏa mùi thơm qua bên kia. Những hôm anh về sớm, chị nghe mùi mì gói rất khẽ khàng từ phía anh. Dù sao cũng tá túc trong căn nhà của ba má anh để lại, chị lấy ít đồ ăn để trong chiếc mâm, đẩy qua màn cho anh. Chắc anh tự ái, nên những gì chị đưa qua, anh không đụng tới.
Bây giờ là mùa mưa. Những cơn mưa khiến không gian xung quanh trở nên buồn tẻ, như thể để níu những tâm hồn cô đơn gần lại với nhau. Anh cuối cùng cũng mua được một chiếc xe máy cũ, lúc rảnh chạy ra ngã ba đường đón những người khách đi xe đò xuống xe, dẫu bữa có bữa không nhưng cũng có đồng ra đồng vô, thấy bản thân phấn chấn hơn. Còn chị thì vẫn làm công việc phụ bếp, nhưng mùa mưa, chẳng nhà nào tổ chức tiệc, chị không có việc làm. Chị đã trải qua nhiều mùa mưa như vậy và biết cách xoay xở, chạy xe len vào những ngõ hẻm, xóm nhà trọ, nơi đông sinh viên bán thêm nem chả, đồ ăn vặt kèm bánh mì nóng giòn.
Cơn bão về đột ngột. Mưa gió xối xả đẫm ướt ngôi nhà có những tấm ri-đô ngăn đôi hai vợ chồng. Mà lạ, chỉ là những tấm vải ngăn chia mà ngôi nhà như tách thành hai thế giới riêng, hai khoảng cách xa vời vợi. Mưa và gió lay khiến cỏ cây trên con đường vào nhà ngả nghiêng, còn hai người thì nép mình trong thế giới của mình, ở hai bên.
Hôm qua, khi mưa ngưng, tự dưng anh kiếm cái thang leo lên mái nhà, dùng nhựa bịt các lổ thủng của mái tole. Chị tự dưng đi mua một con gà và nghĩ đến món cà ri gà, món anh rất thích ăn. Anh từng nói là chị nấu món cà-ri ngon không ai sánh bằng.
Gió vẫn thổi lồng lộng. Cuối cùng chị nấu xong nồi cà-ri, dọn ra bàn. Chị nhìn tấm màn ngăn cách hai vợ chồng. Bên kia tối mù, không thấy anh bật đèn lên. Mấy ngày giông gió, chắc anh ở nhà.
Chị kéo tấm ri-đô qua một bên, lực kéo mạnh đột ngột khiến tấm màn bị rách toạt, rồi rủ xuống như thể đang dỗi hờn. Anh đã đứng áp sát tấm ri-đô tự bao giờ. Chị nói: "Anh qua bên đây ăn cơm mừng mưa bão qua, mình lại đi làm".
Lâu lắm rồi họ mới ngồi ăn chung. Bữa ăn ấm áp trong mùa giông gió.
Nguồn: https://baocantho.com.vn/buc-tuong-cua-hai-nguoi-a185134.html
Bình luận (0)