Tối 6/4, chương trình "Bản trường ca hòa bình" được tổ chức tại 3 điểm cầu: Trường quay Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (thành phố Hà Nội); Hội trường Thống Nhất - Di tích lịch sử Dinh Độc Lập (TPHCM) và Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).
Chương trình "Bản trường ca hòa bình" tại điểm cầu Đắk Lắk (Ảnh: Trương Nguyễn).
Cả 3 điểm cầu đều mang ý nghĩa quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Trong đó, Hà Nội biểu trưng cho sự chỉ đạo, quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bác Hồ đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc.
Thành phố Buôn Ma Thuột biểu trưng cho Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975) là trận đánh mở màn thắng lợi, tạo bước ngoặt lịch sử cho Đại thắng mùa Xuân 1975.
Di tích Lịch sử Dinh Độc Lập (TPHCM) là nơi đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975. Đây là một trong những biểu tượng của chiến thắng, hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Chương trình "Bản trường ca hòa bình" được xây dựng quy mô, công phu về nội dung và nghệ thuật, mong muốn tái hiện một cách xúc động và chân thực hành trình gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc Việt Nam; cuộc hành trình tựa như một bản trường ca bi tráng và vinh quang.
Ngoài biểu diễn nghệ thuật ấn tượng, chương trình còn mang tới các câu chuyện, hồi ức bi tráng, giàu cảm xúc của các nhân chứng lịch sử trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ câu chuyện lịch sử gắn liền với kỷ vật trong trận chiến Buôn Ma Thuột tháng 3/1975 (Ảnh: Trương Nguyễn).
Tại điểm cầu Đắk Lắk, Trung tướng, Tiến sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Sinh Hưởng (76 tuổi), nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đã chia sẻ xúc động trong trận chiến Buôn Ma Thuột.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng làm Đại đội trưởng Đại đội 9 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273) chỉ huy đội hình xe tăng tiến vào trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột, anh dũng giành được chiến thắng vẻ vang.
Đây là trận đánh then chốt, quan trọng, mở đầu cho chiến dịch Tây Nguyên tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng, mở ra thời cơ chiến lược giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
"Sau 50 năm tôi trở về đây, tại thành phố Buôn Ma Thuột đang đổi mới, phát triển. Tôi rất xúc động vì những thành quả phát triển hôm nay đều có công sức, xương máu của người đi trước đi trước", Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng trao tặng các kỷ vật trong trận đánh Buôn Ma Thuột cho tỉnh Đắk Lắk để trưng bày tại Bảo tàng tỉnh (Ảnh: Trương Nguyễn).
Tại chương trình, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã tặng lại cho tỉnh Đắk Lắk 4 chiếc mũ được thiết kế đặc biệt để trang bị cho bộ đội xe tăng T-54, khi ông chỉ huy xe tăng số hiệu 980 trong trận đánh Buôn Ma Thuột cách đây tròn 50 năm.
Được biết, chiếc xe tăng số hiệu 980 do Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy trong trận đánh năm xưa đã được sử dụng làm biểu tượng của Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột.
Bình luận (0)