Ngày 14/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo.
Bộ Y tế xác định triển khai hồ sơ bệnh án điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công tác này... Các bệnh viện, viện có giường bệnh trên toàn quốc phải hoàn thành trong tháng 9/2025.
Bệnh án điện tử: Nhiệm vụ trọng tâm
Bộ Y tế vừa có Quyết định 1150/QĐ-BYTphê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Phê duyệt kèm theo Quyết định này là Kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam có gần 1.500 bệnh viện công lập, hơn 380 bệnh viện tư nhân, gần 70.000 phòng khám tư.
Trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh của địa phương với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, tận dụng dữ liệu đã được liên thông, liên tuyến để cắt giảm xét nghiệm cho người dân, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Bộ trưởng Bộ Y tế giữa tháng 3/2025 cũng đã có văn bản về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, trong đó yêu cầu lãnh đạo nêu gương đi đầu, tiên phong trong nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận về chuyển đổi số.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh việc ưu tiên nguồn lực, khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/9/2025), sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID, trao đổi dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế giữa các tuyến, Phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh điện tử, Phiếu hẹn khám lại điện tử, tái sử dụng kết quả xét nghiệm…
Đến nay, tất cả 63 sở y tế đã tiến hành nhập hồ sơ, thông tin cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thông tin người hành nghề trên Hệ thống quản lý Quốc gia về đăng ký, cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc (bao gồm cả công lập và tư nhân) đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS).
Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã trang bị máy tính cho 100% thầy thuốc, nhân viên có nhu cầu và trang bị hệ thống mạng không dây miễn phí cho người bệnh, người nhà. Đặc biệt, đã có 39% các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc đã triển khai hệ thống an toàn, an ninh mạng.
Đặc biệt, các bệnh viện đã kết nối phần mềm quản lý thông tin của bệnh viện (HIS) với cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt 100% để thực hiện việc giám định bảo hiểm y tế điện tử.
Ưu tiên tập trung mọi nguồn lực
Tính đến giữa tháng 4/2025, trên toàn quốc đã có 153 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Trong đó có 2 sở y tế đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy ở tất cả các bệnh viện thuộc Sở, đó là Sở Y tế tỉnh Phú Thọ và Sở Y tế Bắc Ninh.
Riêng về thanh toán viện phí điện tử, các cơ sở khám, chữa bệnh đã có tiến bộ vượt bậc so với 5 năm trước đây. Hiện nay, 71% cơ sở đã áp dụng thanh toán điện tử, trong đó, thông qua kết nối trực tiếp ngân hàng 31%, qua cổng dịch vụ công quốc gia 10%, các hình thức khác 15%; 29% tổng số các bệnh viện vẫn còn áp dụng thanh toán bằng tiền mặt.

Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện hiện có 57 đơn vị với quy mô 3.600 giường bệnh và hơn 4.000 cán bộ và nhân viên y tế đang phục vụ công tác. Hàng ngày, Bệnh viện tiếp nhận 7.000-10.000 người bệnh đến khám ngoại trú và khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ưu tiên tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt chỉ đạo triển khai. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên trực thuộc Bộ Y tế triển khai thành công bệnh án điện tử và chính thức thực hiện khám chữa bệnh "toàn trình" không dùng giấy tờ từ ngày 15/11/2024.
Từ thực tế khám chữa bệnh của Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay việc thực hiện bệnh án điện tử giúp giảm thiểu sai sót do ghi chép bằng tay, chữ viết khó đọc, đồng thời cho phép truy cập nhanh chóng và đầy đủ thông tin bệnh sử của bệnh nhân. Điều này giúp bác sỹ đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị chính xác, kịp thời. Bệnh án điện tử giúp loại bỏ việc sử dụng và lưu trữ giấy tờ, tiết kiệm không gian và giảm chi phí in ấn, lưu trữ.
Chỉ tính riêng việc không in phim chụp XQ, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ và không in các giấy chỉ định xét nghiệm, giấy trả kết quả, hồ sơ bệnh án điều trị,… mỗi năm Bệnh viện Bạch Mai tiết kiệm được gần 80 tỷ đồng. Số tiền này tiếp tục được đầu tư, nâng cấp
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ), trước kia một bệnh án giấy có thể lên tới 50-60 tờ giấy A4, khi bệnh viện triển khai bệnh án điện tử thì bệnh án giấy chỉ còn 4-5 tờ. Mỗi năm, tại trung tâm khám chữa bệnh nội trú cho khoảng 22.000 bệnh nhân. Nếu tất cả đều sử dụng bệnh án giấy, khối lượng giấy in sẽ lên tới 1,1 triệu tờ. Hiện nay, bệnh viện triển khai với bệnh án điện tử, lượng giấy in giảm chỉ còn 1/10.
Ngày 11/4, Bộ Y tế đã ban hành Danh mục mã dùng chung đối với kỹ thuật, thuật ngữ chỉ số cận lâm sàng (Đợt 1). Việc ban hành danh mục này nhằm thực hiện lộ trình chuẩn hóa danh mục xét nghiệm y tế, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, nhằm hướng đến việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế, làm cơ sở để thúc đẩy bệnh án điện tử trong các cơ sở khám, chữa bệnh và chuẩn hoá dữ liệu ngành y tế.
Tổng số có 2.964 chỉ số được ban hành đợt này, bao gồm Huyết học-Truyền máu: 1022 chỉ số; Hóa sinh: 447 chỉ số; Vi sinh: 174 chỉ số; Giải phẫu bệnh: 81 chỉ số; Điện quang: 1240 chỉ số. Danh mục mã này được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc bao gồm toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân.
Theo Bộ Y tế, việc ban hành Quyết định này là nội dung quan trọng và có ý nghĩa rất lớn vì việc liên thông dữ liệu xét nghiệm sẽ góp phần giảm chi phí cận lâm sàng cho người bệnh, hạn chế việc làm lại xét nghiệm không cần thiết, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người bệnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã góp phần rất quan trọng, tạo nên những thay đổi to lớn trong các hoạt động của xã hội nói chung, trong lĩnh vực y tế nói riêng. Công nghệ thông tin đã làm thay đổi sâu sắc, căn bản, trở thành phương tiện, công cụ không thể thiếu trong hoạt động của ngành y tế./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/cac-benh-vien-rao-riet-hoan-thanh-trien-khai-benh-an-dien-tu-trong-thang-9-post1033290.vnp
Bình luận (0)