Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cách chọn môn thi để tăng cơ hội trúng tuyển ĐH

Chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra tại Trường THPT Trương Định (TP.Gò Công, Tiền Giang) hôm qua (29.3) trong bối cảnh thông tin thi và xét tuyển đang rất "nóng".

Báo Thanh niênBáo Thanh niên30/03/2025

Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

CÂN NHẮC KHI ĐĂNG KÝ NGUYỆN VỌNG

Chia sẻ trong chương trình Tư vấn mùa thi, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), lưu ý những điểm mới về xét tuyển năm nay. Theo thầy Hạ, thí sinh (TS) nên tìm hiểu các phương thức xét tuyển như: tuyển thẳng theo quy định Bộ GD-ĐT; xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực do các trường ĐH tổ chức; xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ và xét các chứng chỉ quốc tế. Dù các phương thức này được nhiều trường sử dụng nhưng mỗi trường sẽ có những quy định cụ thể khác nhau. Và với phương thức nào thì TS vẫn phải thực hiện đăng ký xét tuyển.

Cách chọn môn thi và phương thức xét tuyển tối ưu để tăng cơ hội vào ĐH - Ảnh 1.

Học sinh TP.Gò Công (Tiền Giang) sôi nổi đặt câu hỏi trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại Trường THPT Trương Định sáng qua

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

"Năm nay, TS khi đăng ký nguyện vọng (NV) chỉ đăng ký mã trường và mã ngành, không đăng ký phương thức xét tuyển. Các NV cũng sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trong đó NV 1 có thứ tự cao nhất và mỗi TS chỉ trúng tuyển 1 NV", tiến sĩ Hạ đặc biệt lưu ý.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho hay có nhiều điểm mới trong tuyển sinh năm nay. Trong đó, có việc quy đổi thang điểm chung giữa các phương thức nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các TS khi tham gia xét tuyển vào cùng một trường. Khi quy đổi tương đương, các phương thức có thể sẽ cùng một điểm trúng tuyển. "Cách tốt nhất để có nhiều cơ hội hơn là chúng ta cần đạt kết quả tốt nhất ở tất cả các phương thức. Ví dụ, dù đạt điểm cao ở kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, TS cũng nên tập trung nỗ lực đạt kết quả cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu bỏ qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng ta có thể mất đi cơ hội tốt so với các bạn khác", tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân khuyên.

CHỌN MÔN THI GIAO THOA NHIỀU NHẤT TRONG SỐ CÁC TỔ HỢP XÉT TUYỂN

Năm nay, Bộ GD-ĐT không giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển nên các trường ĐH sử dụng nhiều tổ hợp hơn, trong đó có nhiều môn mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: công nghệ, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật… Vấn đề cần quan tâm với học sinh (HS), theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, là cách chọn môn thi nào trong số các môn đang học để dự thi tốt nghiệp THPT.

"Cần chọn 2 môn tự chọn và 2 môn bắt buộc nằm giao thoa nhiều nhất trong số các tổ hợp xét tuyển của các trường ĐH-CĐ mình mong muốn theo học. Khi đó, cơ hội được tính điểm xét tuyển sẽ cao nhất vì phần mềm sẽ tính toán điểm theo tổ hợp xét tuyển của trường ĐH và trên cơ sở điểm thi TS đạt được. Do đó, TS cần hết sức lưu ý điểm mới này", Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nói thêm.

Giải đáp băn khoăn của một phụ huynh đặt trực tiếp trong chương trình về cách thức đăng ký NV, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân giải đáp, năm nay TS đăng ký xét tuyển trên cổng chung của Bộ GD-ĐT theo hình thức trực tuyến. Mỗi HS được cấp 1 tài khoản cá nhân để thực hiện việc đăng ký theo hướng dẫn của trường THPT. Theo quy chế tuyển sinh, TS được đăng ký không giới hạn số lượng, trong đó chỉ trúng tuyển 1 NV. Do đó, dù không giới hạn nhưng TS cũng không nên đăng ký quá nhiều NV.

"Lời khuyên chung là chỉ nên dưới 10 NV, trong đó NV thấp nhất luôn ở mức đảm bảo "chắc suất" trúng tuyển. Ngoài đăng ký xét tuyển chính thức trên cổng Bộ GD-ĐT, một số trường thực hiện việc sơ tuyển với một số tiêu chí đặc biệt, TS cần lưu ý thêm", tiến sĩ Nhân nói.

Cách chọn môn thi để tăng cơ hội trúng tuyển ĐH - Ảnh 1.

Phụ huynh, học sinh tiếp tục đặt câu hỏi với TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), sau khi kết thúc chương trình tư vấn

ảnh: Đào Ngọc Thạch

CHỌN NGÀNH HỌC THEO ƯỚC MƠ HAY KHẢ NĂNG?

Thanh Ngân (HS Trường THPT Trương Định) đặt câu hỏi: "Giữa sự lựa chọn: Trường ĐH Sân khấu điện ảnh là ước mơ, còn y học là khả năng của em, nếu đậu cả 2 thì em nên lựa chọn thế nào?". Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho rằng: "Ước mơ thì không phải trả tiền nhưng hiện thực sẽ chứng minh việc có bạn có đủ năng lực để biến ước mơ thành hiện thực hay không. Do đó, em cần xác định ước mơ đó của mình có thể thực hiện được không, nếu không thì có thể vừa sống theo hiện thực vừa theo đuổi ước mơ. Em có thể vừa làm công việc của một bác sĩ nhưng vẫn không nhất thiết phải dừng lại đam mê điện ảnh của bản thân".

Giải đáp băn khoăn về cơ hội việc làm ngành tâm lý học, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho biết cùng đào tạo ngành học này nhưng ở mỗi trường có những sự khác biệt. Với Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, sự khác biệt đầu tiên là điểm trúng tuyển đầu vào ở mức rất cao. Tiếp theo, định hướng đào tạo ngành này của trường là tâm lý học trị liệu. Bổ sung thông tin, tiến sĩ Huỳnh Phẩm Dũng Phát, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng thông tin thêm tên các vị trí việc làm cụ thể của ngành tâm lý học như: tham vấn, trị liệu tâm lý, chuyên viên tâm lý học đường, chuyên gia kỹ năng sống, chuyên viên hỗ trợ tâm lý trẻ em… Tiến sĩ Phan Thị Cẩm Giang, Trưởng ngành tâm lý học Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong bệnh viện, trường học, tổ chức phi chính phủ, giảng viên, nghiên cứu viên, tự khởi nghiệp...

Một HS hỏi: "Với kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, để xét tuyển cần thi mấy môn?". Tiến sĩ Huỳnh Phẩm Dũng Phát cho biết năm nay trường tổ chức 2 kỳ thi riêng: kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt và kỳ thi năng khiếu. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt có 3 đợt thi, đợt thi thứ nhất diễn ra vào cuối tuần sau. Để xét tuyển từ kỳ thi này, TS chỉ cần dự thi 1 môn kết hợp điểm 2 môn khác từ học bạ THPT để xét tuyển vào trường.

HS Phạm Quang Thường (Trường THPT Trương Định) hỏi về cơ hội phát triển nghề nghiệp ở VN với ngành kỹ thuật hạt nhân. Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đây là ngành học khó trong lĩnh vực kỹ thuật, chỉ tiêu đào tạo không nhiều ở các trường, ví dụ Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM chỉ có 30 - 50 chỉ tiêu mỗi năm nên cơ hội cạnh tranh sau khi tốt nghiệp không cao. Về cơ hội việc làm, thạc sĩ Tú nói thêm: "Ngành này không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực hạt nhân mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như: môi trường, xử lý rác thải, y tế, nông nghiệp…".

Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các đơn vị hỗ trợ thực hiện chương trình: Bộ GD-ĐT, Trường THPT Trương Định, Trường THPT Gò Công, Trường THPT Bình Đông (Tiền Giang). Cảm ơn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường ĐH Tài chính - Marketing đồng hành chương trình học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên; Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đồng hành cùng Báo Thanh Niên trao tặng 600 cuốn sách Cẩm nang tuyển sinh 2025 cho HS các trường. Cảm ơn Công ty cổ phần xe khách Phương Trang đưa đón đoàn tư vấn.

Sự khác biệt giữa bậc học cao đẳng và đại học

Theo thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, sự khác biệt giữa 2 bậc học này trước hết là thời gian học tập (học CĐ từ 2 - 3 năm, ĐH từ 3 - 6 năm). Bên cạnh đó, học CĐ thời gian thực hành nhiều hơn nên ngay sau khi tốt nghiệp, sinh viên bậc CĐ có thể bắt tay ngay vào công việc. Thực tế đào tạo của trường cho thấy, ngay từ năm thứ 2, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ đặt hàng tuyển dụng.

Cách chọn môn thi và phương thức xét tuyển tối ưu để tăng cơ hội vào ĐH - Ảnh 2.

Nguồn: https://thanhnien.vn/cach-chon-mon-thi-de-tang-co-hoi-trung-tuyen-dh-185250329194537049.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm