Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cái bắt tay với "đại bàng" đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD

(Dân trí) - Không còn là loại thực phẩm ăn tạm ngày giáp hạt, khoai tây Việt Nam ngày nay trồng không kịp bán cho doanh nghiệp FDI. Công nghệ và tầm nhìn dài hạn chính là chìa khóa cho cuộc chuyển mình này.

Báo Dân tríBáo Dân trí27/04/2025

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 1

Được ví như "củ lương thực quốc dân" vào cuối thập niên 1970, khoai tây từng giữ vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn thực phẩm cho người dân, đặc biệt vào thời điểm nông nghiệp còn nhiều hạn chế về năng suất và cơ giới hóa.

Thế nhưng, cũng giống như nhiều loại cây trồng một thời được ưu ái, khoai tây dần nhường chỗ cho những loại cây khác có hiệu quả mùa vụ cao hơn. Chỉ trồng được một vụ mỗi năm, giống lại nhanh thoái hóa, yêu cầu kỹ thuật cao, đầu ra không ổn định - khoai tây lặng lẽ rút lui khỏi vai trò chủ lực, trở thành loại cây trồng phụ ở một số vùng nhỏ lẻ.

Nhưng sự chuyển mình của khoai tây Việt đã bắt đầu từ một bước ngoặt ít ai ngờ tới: Khi khoai tây không còn chỉ để ăn tươi, mà trở thành nguyên liệu chế biến công nghiệp, phục vụ chuỗi sản xuất snack, khoai chiên theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Người nông dân tăng thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng lúa, mở ra hướng phát triển bền vững tại nhiều vùng chuyên canh trên cả nước.

Đứng sau thành công này là một tam giác vững chắc: Nhà nông - Nhà khoa học - Doanh nghiệp.

Trong cuộc trò chuyện của phóng viên Dân trí với PGS.TS Nguyễn Xuân Trường - Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp, hành trình 15 năm chuyển mình của khoai tây Việt được hiện lên rõ nét: Từ phòng thí nghiệm đến cánh đồng, từ mô hình vài hecta đến hơn 1.000ha vùng trồng trên cả nước

Không chỉ góp phần nâng tầm củ khoai tây, Viện còn đang "gieo trồng" một tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại - bài bản, theo chuỗi, dựa trên dữ liệu và thị trường.

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 3

Thưa ông, trong rất nhiều loại cây trồng có giá trị tại Việt Nam, vì sao Viện Sinh học Nông nghiệp lại lựa chọn khoai tây là đối tượng nghiên cứu chuyên sâu và lâu dài, thay vì các cây trồng phổ biến như lúa, ngô hay rau màu?

- Chúng ta cần quay lại câu chuyện của khoai tây trong quá khứ. Khoai tây được người Pháp đưa vào Việt Nam.

Khoảng năm 1979-1980, khi nền kinh tế của chúng ta ở giai đoạn khó khăn, khoai tây đã từng được trồng trên diện tích hơn 100.000ha - một con số rất lớn trong điều kiện khi đó.

Chỉ cần mỗi hecta đạt 10 tấn thôi là cả nước đã có được trên một triệu tấn lương thực, đủ để thêm vào bữa ăn cho hàng triệu người. Lúc đó, năng suất lúa còn thấp, gạo còn phải nhập khẩu. Và chính khoai tây đã giúp nhiều vùng vượt qua giai đoạn khó khăn ấy.

Thế nhưng, cũng chính loại cây từng giải nguy lại dần bị bỏ quên trong cơ cấu sản xuất hiện đại.

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 5

Đó là một thực tế đáng tiếc nhưng cũng rất dễ hiểu khi nhìn từ góc độ kỹ thuật và kinh tế. Khoai tây vốn là cây ưa lạnh, chỉ trồng được một vụ mỗi năm, thời gian quay vòng giống dài và hệ số nhân giống rất thấp. Trong khi đó, lúa có thể làm hai vụ, ngô có thể ba vụ - rõ ràng là hiệu quả theo mùa vụ thấp hơn.

Chưa kể, giống khoai tây lại thoái hóa rất nhanh, mỗi năm sử dụng lại là chất lượng đã giảm đáng kể. Nếu không có quy trình nhân giống bài bản, việc duy trì chất lượng giống gần như là không thể.

Khi đất nông nghiệp dần bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, người trẻ rời nông thôn để đi làm ở các khu công nghiệp, thì cây khoai - vốn cần kỹ thuật chăm sóc cao, đầu tư ban đầu lớn - không còn được nông dân mặn mà lựa chọn.

Một vấn đề nữa là thiếu đầu ra ổn định. Người dân có thể trồng khoai nhỏ lẻ vài sào rồi bán lẻ ở chợ, nhưng nếu mở rộng lên quy mô hàng chục hecta thì lại không có nhà máy nào đứng ra thu mua lâu dài. Thiếu doanh nghiệp, thiếu hợp đồng bao tiêu, sản xuất khoai tây dễ rơi vào cảnh "được mùa rớt giá".

Chính vì vậy, dù từng có vai trò lớn trong an ninh lương thực, khoai tây dần rơi khỏi bản đồ nông sản chủ lực, chỉ còn tồn tại lặng lẽ ở một vài địa phương có truyền thống trồng từ trước.

Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học nông nghiệp, chúng tôi nhận định khoai tây có rất nhiều lợi ích và tiềm năng. Ngoài giá trị về lương thực, nó còn có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, lại không cạnh tranh với cây lúa - cây trồng chính mà thậm chí còn hỗ trợ cải tạo đất, góp phần đa dạng hóa mùa vụ.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi nêu trên, tiềm năng chế biến sâu từ doanh nghiệp và năng lực nghiên cứu sẵn có, chúng tôi tin rằng khoai tây hoàn toàn có thể trở thành một loại hàng hóa nông nghiệp giá trị cao của Việt Nam.

Và trên thực tế, Viện Sinh học Nông nghiệp đã có truyền thống nghiên cứu giống khoai tây từ lâu, từ khi tôi còn là sinh viên đã được học và kế thừa công nghệ nhân giống khoai tây từ các thế hệ thầy cô đi trước.

Tôi cùng các cộng sự tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ khí canh, nuôi cấy mô để phục vụ sản xuất quy mô lớn, giảm phụ thuộc nhập khẩu, đem lại giá trị kinh tế cao và chủ động giống cây trồng cho Việt Nam.

Bước ngoặt nào giúp khoai tây quay trở lại bản đồ nông sản chủ lực, nhưng lần này với mục tiêu phục vụ công nghiệp chế biến?

- Tôi còn nhớ rất rõ thời điểm đó - năm 2007, khi Tập đoàn Orion (Hàn Quốc) tìm đến mô hình thí nghiệm khoai tây của chúng tôi tại Yên Phong, Bắc Ninh.

Họ nhận thấy công việc được triển khai rất bài bản và nghiêm túc.

Họ không đến với lời mời hợp tác ngay, mà mang theo một vài giống khoai nước ngoài để thử nghiệm. Chúng tôi nhận về, chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng. Kết quả khả quan vượt mong đợi. Đó là lúc cuộc gặp chính thức với Viện được mở ra.

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 7

Lúc ấy, GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Thạch đang là Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp đã trực tiếp tiếp đoàn. Cuộc gặp đó mở ra hợp tác đầu tiên giữa hai bên. Orion cần một đối tác nghiên cứu có chuyên môn sâu, có khả năng mở rộng mô hình và kết nối với các địa phương.

Chúng tôi và doanh nghiệp FDI này đều có một mục tiêu chung: xây dựng được chuỗi sản xuất khoai tây bền vững phục vụ cho công nghiệp chế biến - cụ thể là sản xuất snack, khoai chiên theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Điều họ cần là giống khoai đạt chất lượng đồng đều, củ tròn đều, không xanh, không nứt, ruột trắng, hàm lượng chất khô cao - những yêu cầu rất khắt khe mà giống địa phương không thể đáp ứng.

Ở nước ngoài, các doanh nghiệp chế biến nông sản thường hợp tác chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu và giáo dục đại học để xây dựng chuỗi giá trị bền vững. Tập đoàn này cũng hướng đến mô hình như vậy, và chúng tôi có sự đồng thuận ngay từ những trao đổi đầu tiên.

Năm 2007, dự án hợp tác chính thức bắt đầu với quy mô chỉ 5ha. Đây là "phát súng" mở đầu cho hành trình hơn 15 năm xây dựng một chuỗi khoai tây công nghệ cao theo hướng công nghiệp chế biến tại Việt Nam.

Sau gần hai thập kỷ, quy mô đó đã được mở rộng thành mạng lưới vùng trồng khoai tây nguyên liệu lớn, ổn định, phát triển bền vững.

Từ vài hecta thử nghiệm ban đầu tại Hải Phòng, chúng tôi bắt đầu xây dựng mô hình thí điểm, từ giống - quy trình trồng - kỹ thuật chăm sóc - cho đến liên kết với hợp tác xã.

Những bước chân đầu tiên của hành trình này chắc không hề dễ dàng?

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 9

- Khó khăn thì nhiều vô kể!

Thứ nhất, là vấn đề điều kiện thời tiết. Khoai tây vốn là cây trồng ưa lạnh, trong khi điều kiện thời tiết ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Bắc, đang có những biến đổi khá rõ rệt. Nhiệt độ trung bình tăng lên, khiến thời gian sinh trưởng tự nhiên của khoai tây bị rút ngắn lại.

Chúng tôi phải nghiên cứu sao cho giống cây thích nghi tốt hơn với điều kiện thời tiết, kể cả những ngày ấm vào mùa đông.

Thứ hai là vùng trồng. Hầu hết các địa phương đều chưa từng trồng khoai theo quy trình công nghiệp. Người dân quen trồng lẻ vài sào để ăn tươi, chưa hình dung được thế nào là trồng cho nhà máy.

Thứ ba, là tâm lý e ngại thay đổi của người dân. Rất nhiều hộ nông dân vẫn giữ thói quen cũ, ngại thử nghiệm giống mới, đặc biệt khi họ chưa thấy rõ đầu ra ổn định hay hiệu quả kinh tế ngay trước mắt. Để thuyết phục bà con sử dụng giống chất lượng cao, cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp, chính quyền địa phương và đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp.

Thứ tư, là cơ cấu mùa vụ và thay đổi lao động nông nghiệp. Ở miền Bắc, mô hình canh tác phổ biến là "2 vụ lúa, 1 vụ đông", mà vụ đông thì lại là thời điểm duy nhất để trồng khoai tây. Tuy nhiên, vụ xuân thường phải gieo sớm nên quỹ thời gian cho cây khoai tây bị bó hẹp. Chúng tôi phải nghiên cứu giống khoai có thời gian sinh trưởng ngắn hơn nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng.

Thứ năm, là sự thay đổi về cơ cấu lao động nông thôn. Ngày càng ít người trẻ làm nông, lực lượng sản xuất chủ yếu là người lớn tuổi hoặc làm thời vụ. Điều này buộc chúng ta phải tính đến giải pháp cơ giới hóa, hình thành vùng sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao để giảm lao động thủ công mà vẫn tăng năng suất.

Thứ sáu, là sự khác biệt trong tập quán canh tác giữa các vùng miền. Mỗi địa phương có cách làm riêng, điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau nên khó có thể áp dụng một quy trình chung. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải điều chỉnh kỹ thuật phù hợp theo từng vùng, từng điều kiện cụ thể, mất rất nhiều thời gian và công sức.

Tất cả những thách thức này đều là động lực để Viện Sinh học Nông nghiệp liên tục cải tiến về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ như nhân giống bằng khí canh, nuôi cấy mô, kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho nông dân.

Vụ trồng thử nghiệm đầu tiên đã mang về kết quả như thế nào?

- Năm 2008, vụ đầu tiên trồng thử nghiệm 5ha tại Hải Phòng. Năng suất ngoài đồng rất tốt, nhưng khi thu hoạch đem vào nhà máy thì tỷ lệ đạt chuẩn cực thấp. Củ không đều, không đúng kích cỡ, bị xanh vỏ…

Doanh nghiệp đã chấp nhận nâng giá mua để hỗ trợ nông dân bù lỗ - và giữ niềm tin cho vụ sau.

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 11

Tuy nhiên, điều đáng mừng là chính quyền địa phương vào cuộc rất tích cực, hỗ trợ người dân tiếp cận giống mới và chuyển đổi sản xuất.

Khi vượt qua được "nút thắt đầu tiên", mọi thứ bắt đầu thay đổi. Trong những năm sau, diện tích mở rộng lên 30ha, tiếp tục thử nghiệm tại các vùng khác và đạt hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, Tiên Lãng (Hải Phòng) là vùng sản xuất rất ổn định với trên 70ha, năng suất và chất lượng thuộc hàng cao nhất miền Bắc.

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 13

Như ông chia sẻ, giống là một điểm nghẽn của khoai tây trước đây. Viện Sinh học Nông nghiệp đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Đây là một chặng đường cực kỳ quan trọng. Giống chính là "nút thắt cổ chai" của khoai tây suốt nhiều năm. Giống nhập khẩu vừa đắt, vừa không thích nghi tốt, lại không chủ động được thời điểm. Mỗi mùa vụ trồng chỉ có một lần/năm, nếu chậm một tuần là coi như mất cả vụ.

Chúng tôi kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp, từ truyền thống đến hiện đại. Trước hết là lai tạo truyền thống, tạo ra các tổ hợp con lai mới, sau đó tiến hành chọn tạo và đánh giá trong hệ thống nhà kính và ngoài đồng ruộng. Nhờ đó, thời gian chọn tạo được rút ngắn đáng kể.

Để duy trì giống gốc và nhân nhanh, chúng tôi sử dụng công nghệ nuôi cấy mô. Nhờ đó, chúng tôi có thể nhân giống trong điều kiện hoàn toàn chủ động về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm. Cấy mô giúp nhân giống quanh năm, giữ được độ thuần chủng, sạch bệnh.

Một bước đột phá khác là công nghệ khí canh. Trong nhà màng khép kín, cây giống được nuôi bằng dung dịch dinh dưỡng mà không cần đất. Khác với cấy mô vốn làm trong phòng kín, khí canh tận dụng được ánh sáng tự nhiên, cây phát triển khỏe hơn, nhanh hơn. Đặc biệt, hệ số nhân giống cao gấp 25 lần so với phương pháp cũ.

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 15

Hiện nay, với diện tích chỉ 5.000m², hệ thống khí canh của viện có thể sản xuất 1 triệu củ giống/vụ.

Chúng tôi cũng xây dựng quy trình ba cấp: siêu nguyên chủng - nguyên chủng - xác nhận, để đảm bảo cây trồng ngoài ruộng có chất lượng ổn định, đồng đều, đạt chuẩn cho chế biến công nghiệp.

Tất cả những bước đó giúp chúng tôi chủ động hoàn toàn về giống khoai tây trong nước, từng bước thoát khỏi cảnh phụ thuộc, nâng cao năng suất và mở rộng vùng trồng một cách bền vững.

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 17

Sau khi đã làm chủ được giống, Viện có gặp khó khăn gì trong việc mở rộng vùng trồng? Và hiện nay quy mô sản xuất giống, vùng nguyên liệu đã phát triển đến đâu?

-  Có một thời điểm mà chúng tôi gọi vui là "nghịch lý thành công" - đó là khi doanh nghiệp đặt hàng liên tục, nhưng chúng tôi không đủ giống để bán, còn người dân thì không còn đủ đất để trồng thêm.

Từ vụ thử nghiệm chỉ 5ha năm 2008, đến nay tổng diện tích trồng khoai tây sử dụng giống do Viện nhân giống đã lên tới hơn 1.000ha, trải dài từ miền Bắc đến Tây Nguyên. Trong đó, Tiên Lãng (Hải Phòng) là vùng trồng ổn định nhất với năng suất và chất lượng thuộc nhóm cao nhất cả nước. Ở Tây Nguyên, một số địa phương đạt năng suất tới 53 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với trước kia.

Song song với việc mở rộng vùng trồng, công suất sản xuất giống của Viện cũng tăng vọt. Nếu như trước năm 2015, mỗi vụ chỉ đạt khoảng 500 tấn giống cấp xác nhận, thì đến nay đã vượt ngưỡng 1.000 tấn. Các giống mới không chỉ sạch bệnh, năng suất cao mà còn đáp ứng đúng chuẩn công nghiệp.

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 19

Chúng tôi cũng phối hợp với các hợp tác xã, tổ chức mô hình canh tác theo vùng - có tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và giám sát chất lượng. Nhờ vậy, tỷ lệ sản phẩm đạt chuẩn đưa vào nhà máy tăng đáng kể, giảm thiểu rủi ro cho người dân, và đặc biệt là tạo được chuỗi giá trị nông sản thực sự khép kín.

 Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu, cải tiến không ngừng, đồng thời cũng là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - người nông dân.

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 21

 Với khoai tây, việc ứng dụng giống mới, kỹ thuật tiên tiến và chuyển mình theo hướng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đã mang lại thay đổi như thế nào cho người nông dân?

- Có thể nói, hiệu quả kinh tế chính là yếu tố khiến mô hình trồng khoai tây lan tỏa mạnh mẽ trong những năm gần đây. Những con số biết nói, và người dân nhìn thấy rất rõ điều đó.

Tại miền Bắc, giống khoai tây trắng của viện đạt năng suất trung bình 25 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân có thể thu lãi từ 70 đến 100 triệu đồng/ha.

Còn tại Tây Nguyên năng suất đạt tới 53 tấn/ha. Một hộ dân trồng 1ha khoai có thể thu về khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí hết 250 triệu thì lãi ròng khoảng 250 triệu. Nhiều hộ trồng 3-4 hecta, tổng lãi đạt mức 700-800 triệu đồng/vụ là hoàn toàn thực tế.

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 23

Không chỉ năng suất tăng, mà chất lượng cũng ổn định, đầu ra được đảm bảo nhờ liên kết với doanh nghiệp. Doanh nghiệp thậm chí sẵn sàng chia sẻ rủi ro nếu thời tiết bất lợi.

Sự khác biệt cũng đến từ tư duy sản xuất. Ở nhiều địa phương như Đông Triều (Quảng Ninh), Tiên Lãng (Hải Phòng) hay các huyện ở Tây Nguyên, nông dân đã quen với khái niệm "trồng khoai cho nhà máy", sử dụng giống xác nhận, áp dụng cơ giới hóa và quy trình đồng bộ.

Từng xã có thể phát triển tới hàng trăm hecta vùng nguyên liệu, thu nhập nông dân tăng rõ rệt, đời sống được cải thiện từng năm.

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 25

Nhìn lại chặng đường đã đi, Viện Sinh học Nông nghiệp có kế hoạch gì cho tương lai? Làm sao để khoai tây Việt không chỉ là mô hình điểm mà trở thành biểu tượng cho tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại?

- Chắc chắn là có. Trước hết, vấn đề nguyên vật liệu và giống cây là vấn đề cốt lõi, cần tiếp tục tìm kiếm, cải tiến để tạo ra những giống khoai tây phù hợp hơn nữa với điều kiện tại Việt Nam.

Thứ hai, Viện đang xúc tiến ứng dụng công nghệ số trong giám sát cây trồng: xây dựng phần mềm theo dõi sinh trưởng, cảnh báo sớm sâu bệnh, phân tích dinh dưỡng đất theo thời gian thực. Với sự hỗ trợ của công nghệ, nông dân có thể chủ động phòng ngừa rủi ro, nâng cao hiệu quả canh tác mà không phụ thuộc quá nhiều vào kinh nghiệm thủ công.

Cái bắt tay với đại bàng đưa thứ củ cứu đói thành nông sản triệu USD - 27

Quan trọng hơn cả, chúng tôi muốn thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân: từ "trồng xong rồi mới lo bán" sang "trồng theo đơn đặt hàng của thị trường". Từ canh tác nhỏ lẻ sang canh tác theo chuỗi. Từ làm theo kinh nghiệm sang làm theo quy trình khoa học.

Khoai tây chỉ là một loại cây trồng - nhưng nếu làm được, nó sẽ là minh chứng rõ nhất rằng: Ngay cả những loại cây từng bị lãng quên cũng có thể vươn mình thành nông sản công nghệ cao, nếu được đầu tư đúng bằng khoa học, công nghệ và khát vọng đổi mới.

 Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nội dung: Minh Nhật, Thanh Hằng

Ảnh: Hùng Anh

Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/cai-bat-tay-voi-dai-bang-dua-thu-cu-cuu-doi-thanh-nong-san-trieu-usd-20250426192834711.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm