Làm thế vì con muốn được nghe ông ngoại trực tiếp kể những câu chuyện lịch sử. Ông là một cựu chiến binh vinh dự tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh cách đây 50 năm. Ông từng kể những câu chuyện xúc động về đồng đội, về những trận đánh nhiều lần. Trước kia con gái gần như không quan tâm điều đó. Sự thay đổi của con khiến cả nhà cảm hứng theo. Nghe ông ngoại kể chuyện chiến trường, con còn hỏi những câu mà con cho rằng chỉ những người trực tiếp mới trả lời chân thực.
Tôi nhớ ra nhiều lần con lên mạng xem chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” và như muốn nuốt từng ca từ trong những bài hát về đề tài chiến tranh, cách mạng. Khi ấy chúng tôi chỉ thấy một sự là lạ, nhưng công việc cứ thế cuốn đi, chẳng kịp nghĩ gì. Giờ thì xâu chuỗi sự việc mới thấy có một sự thay đổi rất lớn trong sở thích của con. Có lẽ sự thay đổi ấy được tác động bởi dòng chảy truyền thông, cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội chủ đề giải phóng miền Nam đang trở thành dòng thông tin chủ lưu, có sức lan tỏa lớn nhất.
Con trai cách đây ít ngày cũng đã đổi hình đại diện trên các tài khoản mạng xã hội của mình. Một bức ảnh rực rỡ cờ Tổ quốc với dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nổi bật. Con theo ngành kỹ thuật, đam mê các môn học tự nhiên, nhưng con cũng như các bạn mình, luôn tự hào về lịch sử, biết ơn những thế hệ đã làm nên lịch sử...
Những thế hệ sinh ra trong thời bình, được học tập, làm việc trong một môi trường rất tốt, nhưng luôn ý thức được những gì mình đang thụ hưởng không bỗng nhiên. Đó là sự đánh đổi bằng xương máu của rất nhiều thế hệ. Đó cũng chính là cái cách mà con gái sau mỗi lần nghe ông ngoại kể chuyện thường đề nghị ông cho xem tấm thẻ thương binh đã ố màu. Giống như việc con mở youtube để nghe những bài hát về đề tài chiến tranh cách mạng nhiều lần, không biết chán.
Lịch sử không dừng lại, nhưng có những sự kiện, những lát cắt lịch sử mãi mãi không phai mờ. Hơn thế, chúng ta luôn có những thế hệ nối tiếp làm cho lịch sử trở nên sống động và cảm hứng hơn rất nhiều.
Những ngày qua, câu chuyện về một chàng trai 24 tuổi di chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để được trực tiếp chứng kiến Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã truyền cảm hứng rất mạnh mẽ trên cộng đồng mạng. Đồng hành cùng cậu là chiếc xe đạp Thống Nhất của ông nội. Cậu đem theo đồ sửa xe, lều bạt để ngủ đường nhằm đảm bảo lộ trình. Cậu là Nguyễn Văn Hùng, một thanh niên của “quê hương năm tấn”.
Cùng thời gian này, báo chí và mạng xã hội lan truyền hình ảnh cụ Trần Văn Thanh, đã gần 80 tuổi với chiếc xe máy cắm cờ Tổ quốc mang trên mình bộ quân phục đi từ Nghệ An vào thành phố mang tên Bác với mong muốn hòa mình vào sự kiện trọng đại của đất nước.
Năm ngoái, chúng ta đã chứng kiến một từ khóa rất mạnh trên mạng internet đó là “Du lịch diễu binh” khi diễn ra lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Bây giờ cụm từ ấy lại rộ lên đem theo rất nhiều cảm hứng. Thay cho việc chọn điểm đến là du lịch biển đón hè, du lịch nước ngoài trong một kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày, rất nhiều gia đình đã chọn đến thành phố mang tên Bác.
Chúng ta có nhiều cách tiếp cận sự kiện trọng đại này, nhưng được trực tiếp hòa mình vào một không gian cảm xúc, chắc chắn cảm xúc sẽ lớn hơn rất nhiều lần.
Đến với lịch sử không nhất thiết phải là cách tiếp cận lớn lao, thậm chí giáo điều. Mà chính bằng những điều bình thường, dung dị, để tự sự chân thực của lịch sử tạo ra sức hút. Nó giống như bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” lấy bối cảnh địa đạo Củ Chi trong một thời điểm của cuộc chiến tranh chống Mỹ, vừa tạo ra cơn sốt phòng vé hệt như phim “Đào, phở và piano” năm trước. Những bộ phim về đề tài chiến tranh, cách mạng mà nhiều người cho rằng khô khan, nhưng biết cách chuyển tải thông điệp, đã trở nên gần gũi, khơi gợi lòng tự hào, biết ơn và luôn có chỗ đứng xứng đáng trong lòng khán giả. Đâu cần phải là những bộ phim mà từ khi mới bấm máy quay poster đã vây kín các không gian công cộng.
Bài học lịch sử mà những đứa con tôi tiếp cận từ trường học là rất quan trọng. Song những bài học lịch sử có phần dung dị từ đường phố mà những người trẻ cùng lứa với con trai tôi hay cụ già vừa làm nên; rồi từ những câu chuyện mà chúng nghe ông ngoại kể cũng không kém phần sống động. Mong là những câu chuyện, hình ảnh truyền cảm hứng như thế nhiều hơn nữa, để Lịch sử không bị phản ảnh là môn học khô khan và lịch sử hào hùng của dân tộc tiếp tục lan tỏa trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển đất nước.
Thái Minh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cam-hung-tu-nhung-dieu-chan-thuc-246428.htm
Bình luận (0)