Trong diễn văn tại lễ mít tinh mừng chiến thắng 30-4-1975 tại Hà Nội ngày 15-5-1975 do cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày, có đoạn: “Hôm nay, với niềm vui vô hạn, 45 triệu đồng bào cả nước tưng bừng mở hội mừng thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh yêu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta”.
50 năm đã đi qua, song đại thắng mùa xuân năm 1975, thời khắc Sài Gòn giải phóng lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 mãi mãi là cột mốc chói lọi trong lịch sử chống xâm lược, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam: độc lập, thống nhất, hòa bình, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đó là chiến thắng của lẽ phải, của sức mạnh chính nghĩa. Chiến thắng của một dân tộc bất khuất, không chịu cúi đầu trước sức mạnh xâm lăng hùng hậu, hung ác. Chiến thắng đầy lòng quả cảm, của sự hy sinh, gan dạ và thông minh, tài trí. Chiến thắng kết hợp từ sức mạnh của dân tộc với thời đại, lương tri nhân loại toàn thế giới và bạn bè tiến bộ gần xa.

Góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, trải qua 21 năm chống Mỹ, quân và dân Gia Lai dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua gian khổ hy sinh, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần giải phóng tỉnh nhà, giải phóng miền Nam. Sau 50 năm từ ngày đại thắng, biết bao đổi thay đã diễn ra trên quê hương của những chiến công chói lọi: đường 7 sông Bờ, Plei Me, Cheo Reo-Phú Bổn…; với những tên tuổi anh hùng như: Đinh Núp, Trần Văn Bình, A Sanh, Kpă Klơng, Kpă Ó…
Cùng với cả nước, Gia Lai bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, lập lại an ninh trật tự; khôi phục sản xuất, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất; xóa bỏ FULRO; sôi nổi thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ nào cũng khó khăn, phức tạp nhưng đổi lại thành quả càng tự hào, vẻ vang, càng thêm tin tưởng vào hành trình đi tới của địa phương, dân tộc.
Để tái hiện không khí hào hùng của 50 năm trước, khẳng định sức mạnh Việt Nam, thành tựu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, từ nhiều tháng trước, cả nước đã tập trung cho hoạt động kỷ niệm, trọng tâm là lễ kỷ niệm diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Hình ảnh từng đoàn tàu, xe chở các cán bộ, chiến sĩ tiến về Nam, đến đâu cũng được Nhân dân tiếp đón, chào mừng xúc động không khác gì thuở nào. Họ nhanh chóng có mặt, tập hợp trong đội hình cùng các lực lượng tập luyện, hợp luyện, sơ duyệt, tổng duyệt và các công tác chuẩn bị khác, từng ngày, từng phút thu hút sự quan tâm của Nhân dân cả nước.
Bạn bè quốc tế, khách du lịch dịp này cũng dành cho chúng ta những tình cảm chân thành, sâu đậm. Và, ấn tượng biết bao hình ảnh người lính trong đội hình tăm tắp, trang nghiêm, hừng hực khí thế, rạng ngời khí chất giữa thành phố mang tên Bác. Một hình ảnh đầy cảm xúc, lãng mạn, đẹp đến bất ngờ về người lính, về sự kiện vẻ vang!
Cùng với không khí đó, khắp nơi trên cả nước xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi nhà, hàng quán, ngõ nhỏ rợp màu cờ Tổ quốc, cờ Đảng. Những triển lãm của tinh thần chiến thắng, của khát vọng hòa bình cũng lần đầu xuất hiện. Những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng được háo hức đón nhận. Trào lưu, xu hướng hưởng ứng ngày đại thắng của giới trẻ ấn tượng không chỉ ở trang phục, nghệ thuật, sở thích, thói quen mà trong chiều sâu của lòng biết ơn và niềm tin về một tương lai tươi sáng của dân tộc.
Chào mừng sự kiện lớn của đất nước, thời gian qua, Gia Lai cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng sôi nổi, ý nghĩa. Sau kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh (17-3) trang trọng, hàng loạt hoạt động, sự kiện, công trình, phần việc của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng đã diễn ra như: tri ân gia đình có công, thương binh, liệt sĩ; tổ chức hành trình về nguồn; gặp gỡ những người trực tiếp tham gia giải phóng tỉnh và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975; các sự kiện văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao…
Nếu như trong diễn văn mừng chiến thắng do cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày từ 50 năm trước, đại thắng mùa xuân năm 1975 mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: hòa bình, độc lập, thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội thì từ cuối năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra rằng, kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng. Đảng ta xác định kỷ nguyên mới là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng. Đích đến là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, mục tiêu chiến lược của kỷ nguyên mới gắn liền với mục tiêu 100 năm thành lập Đảng (2030), đó là Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 100 năm thành lập nước (2045) trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Với hào khí của dân tộc, với niềm vui vỡ òa ngày đại thắng cùng những thành quả to lớn sau 50 năm hòa bình, thống nhất, tin rằng, trong kỷ nguyên mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trang vàng lịch sử Việt Nam lại được viết tiếp, rỡ ràng hơn bao giờ hết.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/cam-xuc-trao-dang-trong-ngay-dai-thang-post320780.html
Bình luận (0)