Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng trưởng cao không “đánh đổi” với lạm phát vượt tầm kiểm soát

Việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP rất cao cho năm nay và cả giai đoạn 5 năm tới là một thách thức lớn. Trong đó, một rủi ro lớn thường trực trên lộ trình tăng trưởng kinh tế cao này là lạm phát.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng02/04/2025

Lạm phát: Yếu tố cần kiểm soát

Năm 2023, tăng trưởng GDP đạt 5,05% đi cùng với CPI tăng 3,25% so với năm trước. Năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 7,09% với CPI tăng ở mức 3,63%. Một vài số liệu như trên cho thấy, một quy luật vẫn luôn đúng là tăng trưởng kinh tế mạnh thường kéo lạm phát tăng theo.

Việc Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất ở mức 8% trong năm nay và hướng đến hai con số trong những năm tới phản ánh những kỳ vọng, nỗ lực và quyết tâm rất lớn để khai thác tối đa các tiềm năng tăng trưởng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra bài toán về việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó một trong những thách thức không nhỏ là kiểm soát lạm phát.

Bởi tăng trưởng kinh tế nhanh đồng nghĩa với việc nhu cầu về vốn đầu tư, tiêu dùng và tín dụng tăng cao. Khi cầu tăng mạnh mà cung không theo kịp, giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ “leo thang”, tạo ra áp lực lạm phát. Theo TS. Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Campuchia và Lào, nếu GDP tăng trưởng 8% hoặc cao hơn trong những năm tới, Việt Nam cần có biện pháp kiểm soát lạm phát một cách cẩn trọng.

“Việc đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát luôn là một bài toán cân bằng, phụ thuộc vào tiềm năng của nền kinh tế và năng lực sản xuất. Nếu thúc đẩy tăng trưởng quá nhanh, nguy cơ lạm phát tăng cao là khó tránh khỏi”, TS. Andrea Coppola nhận định.

Bài toán kiểm soát lạm phát cũng không chỉ nằm ở phạm vi trong nước, mà còn chịu tác động lớn từ thị trường quốc tế. Áp lực nhập khẩu lạm phát cũng là mối quan ngại thường trực. Đơn cử, việc đồng USD mạnh lên khiến hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn, đẩy chi phí sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ dự kiến sẽ có tác động đáng kể khiến lạm phát tại Mỹ gia tăng, lãi suất khó giảm, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, từ đó có thể gián tiếp tác động đến lạm phát trong nước, làm thu hẹp dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam…

Diễn biến lạm phát (Nguồn: WB)
Diễn biến lạm phát (Nguồn: WB)

Tăng trưởng cao phải đi kèm với ổn định vĩ mô

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng tin tưởng bức tranh tổng thể về lạm phát năm nay vẫn khá lạc quan. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - cho rằng, áp lực lên lạm phát từ việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hay tiêu dùng trong nước tăng thì thực tế không riêng năm nay mà đã có từ trước, nên không phải là áp lực quá lớn. Bên cạnh đó, một yếu tố được chuyên gia này nhấn mạnh có thể góp phần giảm áp lực lạm phát là giá cả hàng hóa thế giới khá ổn định, nhất là giá dầu (dự báo năm nay chỉ duy trì quanh mức 70 USD/thùng và có thể còn giảm trong năm tới).

“Lạm phát năm nay dự kiến chỉ ở mức 4 - 4,5%, hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát”, TS. Cấn Văn Lực nhận định. Nhưng cũng theo chuyên gia này, trong dài hạn hơn, với mục tiêu tăng trưởng hai con số mỗi năm từ năm tới, Việt Nam sẽ phải nỗ lực giữ lạm phát không vượt ngưỡng 5% để tránh những bất ổn. Bởi một khi áp lực giá cả gia tăng, việc kéo lạm phát thấp trở lại sẽ rất khó khăn. Tâm lý lạm phát, kỳ vọng lạm phát một khi cộng hưởng với lạm phát thực tế vượt ngưỡng 5% sẽ rất nặng nề.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, lạm phát không phải là một hiện tượng đơn lẻ mà chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Do đó, kiểm soát lạm phát đòi hỏi một cách tiếp cận bài bản, toàn diện, trong đó có 3 mũi giáp công chính: (i) Chính sách tài khóa và tiền tệ phối hợp nhịp nhàng để giữ được thế cân bằng và nới lỏng vừa đủ để hỗ trợ tăng trưởng nhưng không quá mức để kích hoạt lạm phát tăng tốc quá mức; (ii) Điều tiết giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý (điều chỉnh giá theo lộ trình, nhưng tránh dồn dập vào cùng một thời điểm) để tránh rủi ro “té nước theo mưa”, làm tăng kỳ vọng lạm phát; (iii) Nâng cao năng suất lao động, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cải thiện chuỗi cung ứng… để giúp nền kinh tế phát triển theo chiều sâu, thay vì chỉ dựa vào tăng vốn đầu tư và mở rộng cung tiền.

“Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng, điều quan trọng là cần theo dõi và có các biện pháp kiểm soát lạm phát chặt chẽ, đồng thời thúc đẩy năng lực sản xuất để nâng cao tốc độ tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, với tình trạng già hóa dân số, việc cải thiện năng suất lao động là yếu tố then chốt. Về tín dụng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay đã được nâng lên là một cách để hỗ trợ hệ thống tài chính, đầu tư, tiêu dùng, cũng như thúc đẩy tổng cầu nội địa. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo dòng vốn được sử dụng hiệu quả, tránh rủi ro làm gia tăng lạm phát, nợ xấu. Việc theo dõi, giám sát chặt chẽ trong thời gian tới là cần thiết để duy trì sự ổn định kinh tế”, TS. Andrea Coppola khuyến nghị.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, tăng trưởng cao chỉ có ý nghĩa khi ổn định vĩ mô được giữ vững, lạm phát luôn trong tầm kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế cao nhưng không làm lạm phát vượt kiểm soát không phải là bài toán bất khả thi, nhưng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chính sách và điều tiết vĩ mô.

“Lạm phát toàn phần dự kiến vẫn thấp hơn chỉ tiêu, nhưng vẫn cần phải thận trọng. Giá lương thực thực phẩm đã ổn định, lạm phát vẫn được neo giữ trong năm 2024 và dự kiến sẽ ổn định ở mức 3,5% trong các năm 2025 - 2026, thấp hơn mục tiêu 4,5-5% cho năm 2025. Mặc dù các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông tiếp tục diễn ra, nhưng lạm phát giá dầu được dự báo tiếp tục hạ nhiệt. Các gói chi trả liên quan đến giảm biên chế công chức trong quá trình sáp nhập các bộ, ngành dự kiến chỉ có tác động rất nhỏ đối với lạm phát toàn phần do quy mô của khu vực Nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng việc làm”, theo báo cáo cập nhật kinh tế “Điểm lại” của WB.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tang-truong-cao-khong-danh-doi-voi-lam-phat-vuot-tam-kiem-soat-162092.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm