THÓI QUEN ĐỌC SÁCH DẦN THAY ĐỔI
Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật khiến nhiều người có ít thời gian dành cho việc đọc sách, báo in. Quỹ thời gian eo hẹp cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe nhìn đã làm thay đổi thói quen đọc.
Toàn cầu hóa nói chung, Internet nói riêng đã khiến người đọc thay đổi thói quen tìm đến các nhà sách, thư viện, thay vào đó họ có thể dùng các tài khoản mạng mua các phiên bản Ebooks để đọc qua máy tính hoặc điện thoại thông minh.
Tại Việt Nam, theo khảo sát, người dân ngày nay đọc sách báo ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người đọc sách báo in thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc và 26% hoàn toàn không đọc sách, báo.
Lan tỏa nét đẹp của văn hóa đọc trong nhà trường, cộng đồng. |
Trước sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như: Báo điện tử, Facebook, Youtube… có vẻ như “không còn chút cơ hội nào” cho việc duy trì thói quen đọc sách. Người đọc không còn hứng thú với việc đọc trực tiếp từ sách.
Sách in không cạnh tranh được với sách điện tử tiện ích. Mặt khác, tình trạng lười đọc sách, trong đó có sách văn học, sách nghiên cứu… diễn ra ở nhiều thành phần xã hội, nhiều lứa tuổi khác nhau.
Việc đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng cũng là một trong những tiêu chí được người đọc trẻ hướng đến và lựa chọn để tối ưu hóa cuộc sống.
Thêm nữa, những năm qua, nhiều trang web và hàng loạt TikToker, Youtuber còn tạo thêm hình thức đọc mới là radio book. Nó tạo thêm hứng thú tiếp cận với sách nhưng theo đường thính giác, giảm tình trạng mỏi thị giác khi phải lướt mạng quá nhiều trên điện thoại, máy tính.
Các chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ được tổ chức ở những địa điểm và thời gian phù hợp với từng hoạt động do các đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện (trọng tâm từ ngày 15-4 đến ngày 2-5-2025), với một số thông điệp: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”. |
Từ trước đến nay khi nhắc đến thư viện, mọi người thường liên tưởng đến những căn phòng chất đầy sách, tài liệu giấy.
Thực tế hiện nay, xu hướng chuyển đổi số đang từng bước thay đổi phương thức hoạt động của các thư viện truyền thống, mở ra một kỷ nguyên mới mà ở đó sách giấy không còn vị trí độc tôn.
Phương thức đó là thư viện điện tử hay còn được gọi là thư viện số. Cùng với thư viện điện tử, thói quen đọc sách cũng bắt đầu thay đổi, ngày càng nhiều người tiếp cận với văn hóa đọc trên nền tảng số, đặc biệt là giới trẻ.
Bàn về giải pháp phát triển văn hóa đọc thời kỳ chuyển đổi số, rất nhiều chuyên gia đã khẳng định, cần sự nỗ lực của các cấp, các ngành với những giải pháp căn cơ, đồng bộ nhưng trên hết vẫn là ý thức của mỗi người dân.
Để việc đọc sách trở thành thói quen của mỗi người dân, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các nhà xuất bản, công ty sách nên tham gia đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc tại các trường học, cộng đồng.
LAN TỎA NÉT ĐẸP CỦA VĂN HÓA ĐỌC
Để Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Nhằm khuyến khích, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Theo kế hoạch, có các hoạt động như: Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong hệ thống trường học, trong hệ thống thư viện công cộng, trong hệ thống đoàn viên, đội viên và thiếu nhi của tỉnh.
Trong đó, sẽ tổ chức Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” và Hội thi kể chuyện về sách bằng tiếng Anh. Đồng thời, tỉnh còn phát động các hoạt động hưởng ứng của các đơn vị in và phát hành sách; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; vận động đóng góp sách, thăm và tặng sách cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tốt.
Giám đốc Thư viện tỉnh Tiền Giang Võ Nam Phước cho biết, đọc sách là một trong những phương thức tiếp cận với tri thức nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đọc sách thường xuyên giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách, giúp nhận ra những giá trị tốt đẹp để ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức làm người, từ đó hình thành những suy nghĩ tích cực, hướng tới những giá trị tốt đẹp.
Đọc sách giúp trau dồi kiến thức, tiếp thu văn hóa thế giới và làm giàu cho bản thân. Việc đọc sách thường xuyên còn giúp kích thích não bộ, cải thiện khả năng tập trung, nâng cao tư duy phân tích sáng tạo và giúp chúng ta sống tích cực hơn.
SỚM MAI
Nguồn: https://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/can-duy-tri-va-phat-huy-van-hoa-doc-1040592/
Bình luận (0)