Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng: Giải pháp đảm bảo nguồn giống chất lượng

Chất lượng cây giống nhân từ nguồn giống đầu dòng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm trái cây. Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang về việc phát huy vai trò của các cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm cây ăn trái của tỉnh.

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang23/04/2025

* PV: Xin đồng chí cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có bao nhiêu cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được công nhận và công tác chăm sóc, bảo vệ được thực hiện như thế nào?

* Đồng chí Võ Văn Men: Tiền Giang có vị trí địa lý thuận lợi về sản xuất nông nghiệp, với đa dạng chủng loại cây trồng thích nghi, trong đó có cây ăn trái. Toàn tỉnh hiện có trên 88.000 ha cây ăn trái, sản lượng đạt trên 1,8 triệu tấn/năm, với nhiều chủng loại đặc sản như: Sầu riêng, mít, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, thanh long... Từ đó, nhu cầu nguồn cây giống phục vụ cho cải tạo vườn và trồng mới ước tính khoảng 1,6 triệu cây giống/năm.

Để có đủ nguồn cây giống đạt chuẩn, phục vụ nhu cầu canh tác của người dân, tiếp tục phát triển vùng cây ăn trái của tỉnh, những năm qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tuyển chọn cây đầu dòng, thiết lập vườn cây đầu dòng để tạo nguồn vật liệu nhân giống chất lượng, phục vụ sản xuất cây giống tốt cung ứng cho thị trường.

Đến nay, toàn tỉnh có 26 cây đầu dòng và 9 vườn cây đầu dòng/6.096 cây, với nhiều chủng loại như: Xoài cát Hòa Lộc, nhãn xuồng cơm vàng, chanh dây, bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, khóm Queen, thanh long, sầu riêng..., với khả năng cung ứng trên 3,9 triệu mắt ghép/năm, đã tạo nguồn vật liệu chất lượng, phục vụ nhân giống cây ăn trái cho nông dân trong và ngoài tỉnh phát triển sản xuất.

* PV: Cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển giống cây trồng tại tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là trong bối cảnh cần bảo vệ giống cây trồng bản địa?

* Đồng chí Võ Văn Men: Theo quy định tại khoản 2, Điều 23 Luật Trồng trọt  2018: Cây, vườn cây cung cấp vật liệu nhân giống phải được cấp quyết định công nhận cây đầu dòng/vườn cây đầu dòng. Các cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng được công nhận trên địa bàn tỉnh điều kiện cơ bản, đáp ứng yêu cầu của pháp luật trong sản xuất giống cây trồng của các cơ sở sản xuất giống, đẩy mạnh phát triển sản xuất cây giống.

Việc cung ứng cây giống chất lượng, nhân từ nguồn giống đầu dòng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm trái cây của tỉnh, củng cố và nâng cao vị thế trái cây Tiền Giang trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hầu hết các cây ăn trái đặc sản của tỉnh (xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Ri6...) đều có nguồn giống đầu dòng được công nhận, khai thác vật liệu nhân giống, đưa vào canh tác tại các địa phương, góp phần bảo vệ giống cây trồng bản địa, đặc sản của tỉnh.

Cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đáp ứng cho việc sản xuất cây giống.
Cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đáp ứng cho việc sản xuất cây giống.

* PV: Cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng tại Tiền Giang?

* Đồng chí Võ Văn Men: Cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được bình tuyển và công nhận đều có những đặc điểm nổi trội so với quần thể và giống đại trà, như: Có khả năng sinh trưởng tốt, năng suất cao, phẩm chất cao đạt yêu cầu hàng hóa, chống chịu tốt sâu bệnh... 

Giống cây trồng được nhân từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng mang những đặc tính di truyền tốt, nổi trội từ cây mẹ nên sẽ có năng suất và chất lượng cao. 

Thời gian qua, giống cây trồng của tỉnh được sự đánh giá cao và được người dân ưa chuộng do được nhân giống từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được công nhận. 

Đồng thời, với cùng nguồn giống cây mẹ chất lượng, sẽ góp phần hình thành vùng nguyên liệu trái cây theo hướng hàng hóa đồng đều về kích thước, chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

* PV: Với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang có các biện pháp gì để duy trì và phát triển cây đầu dòng một cách bền vững?

* Đồng chí Võ Văn Men: Để duy trì và phát triển, khai thác hiệu quả cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng trên địa bàn tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm sau:

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 12/2022 ngày 8-7-2022 của HĐND tỉnh Tiền Giang quy định nội dung hỗ trợ, mức chi hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. 

Qua đó, khuyến khích tổ chức, cá nhân bình tuyển cây đầu dòng, chọn lọc cây trội đáp ứng tiêu chuẩn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) ban hành; chăm sóc vườn cây đầu dòng, vườn giống để cung cấp vật liệu nhân giống...

Tổ chức chia sẻ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng với các tỉnh bạn; làm cầu nối gắn kết chủ nguồn giống đầu dòng và các cơ sở sản xuất giống cây trồng giúp khai thác, sử dụng hiệu quả về nguồn vật liệu nhân giống đã được công nhận trong và ngoài tỉnh.

Kiểm tra thực tế tình hình sinh trưởng, phát triển, chăm sóc và khai thác các cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đã được công nhận trên địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% các cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng của các tổ chức, cá nhân duy trì đầy đủ các điều kiện theo đúng quy định. Qua đó, hướng dẫn chủ nguồn giống chăm sóc và khai thác hiệu quả vật liệu nhân giống, đảm bảo số lượng quy định.

Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức các lớp tuyên truyền văn bản pháp luật về giống cây trồng cho các cơ sở sản xuất, buôn bán giống trên địa bàn tỉnh (6 lớp/năm/350 - 400 lượt người tham dự), tuyên truyền các cơ sở sản xuất giống cây lâu năm bằng phương pháp vô tính phải nhân từ cây đầu dòng/vườn cây đầu dòng. 

Cùng với đó là là tổ chức tuyên truyền trên thông tin đại chúng để khuyến cáo người dân sử dụng giống cây trồng chất lượng cao, giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, sử dụng cây giống được nhân từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán giống, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất cây giống (nhân giống vô tính) không được nhân từ nguồn giống được công nhận.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HỮU THÔNG (thực hiện)

Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202504/cay-dau-dong-vuon-cay-dau-dong-giai-phap-dam-bao-nguon-giong-chat-luong-1040593/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm