Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cẩn thận với các chiêu trò lừa đảo khi đi du lịch

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cũng như kỳ nghỉ hè đang đến gần là dịp để các gia đình tổ chức đi du lịch. Trước các chiêu trò ngày càng tinh vi như lừa đảo đặt tiền phòng, mua vé giá rẻ, tour du lịch giá rẻ, đặt tiệc... người dân và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch cần hết sức tỉnh táo để tránh bị sập bẫy.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai25/04/2025

Trao đổi với chúng tôi, đại diện khách sạn Dragon Sea Hotel tại phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ đặt phòng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đã đạt trên 80% công suất phòng. Quá trình đặt phòng, nếu có vấn đề phát sinh, nhân viên khách sạn sẽ trao đổi bằng số điện thoại đường dây nóng của khách sạn với khách hàng; với một số khách quen, nhân viên sẽ trao đổi qua ứng dụng Zalo. Tuy nhiên, dù trong bất kỳ trường hợp nào, nhân viên khách sạn cũng không yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân như mã pin, mật khẩu hay các thông tin cá nhân nhạy cảm liên quan đến tài khoản ngân hàng mà chỉ đề nghị khách hàng gửi hình ảnh thông báo giao dịch thành công.

Ngoài ra, nếu khách hàng thấy nghi ngờ thì có thể tra cứu thông tin khách sạn để đối chiếu với số tài khoản trước khi chuyển tiền đặt cọc phòng. Đại diện khách sạn Dragon Sea Hotel cho biết thêm: “Tài khoản ngân hàng của chúng tôi là tài khoản doanh nghiệp, không phải tài khoản cá nhân. Ngoài website, chúng tôi còn có hai trang Facebook với lần lượt 18.000 và 13.000 lượt thích, theo dõi. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã phát hiện một số trang Facebook giả mạo bằng cách sử dụng thông tin, hình ảnh của chúng tôi nhưng sử dụng số điện thoại khác. Chúng tôi đã cảnh báo khách hàng về việc này và mong người dân hãy nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ các thông tin trước khi giao dịch. Mọi giao dịch đều được thực hiện thông qua tài khoản doanh nghiệp, không thông qua tài khoản cá nhân. Nếu có bất kỳ dấu hiệu khả nghi, khách hàng có thể liên hệ với số điện thoại đường dây nóng của chúng tôi là: 0237.3826.666/0907.416.789/0939.232.789”.

Khách du lịch nghỉ tại Homestay CoTo Mini. Ảnh: LÊ HOÀNG

Khách du lịch nghỉ tại Homestay CoTo Mini. Ảnh: LÊ HOÀNG

Cơ sở du lịch Homestay CoTo Mini tại bãi Vàn Chảy, thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) do chị Hoàng Thị Lê làm chủ cũng cơ bản kín phòng dịp nghỉ lễ tới đây. Chị cho biết, ngoài đặt trực tiếp, khách hàng cũng đặt qua một số bên trung gian liên kết với cơ sở. Để chắc chắn trước khi chuyển tiền đặt cọc, một số khách hàng gọi cho chị theo số điện thoại 0889.135.378 đăng trên trang Facebook của cơ sở có tên là “To CoTo Mini Resort” để kiểm tra. “Trước những chiêu trò tinh vi của các đối tượng lừa đảo, tôi sẽ đăng cảnh báo lên các trang mạng xã hội để góp phần cùng toàn xã hội cảnh báo tới người dân. Tôi cũng mong người dân luôn nêu cao cảnh giác, tiến hành kiểm tra, đối chiếu thật kỹ các thông tin trước khi tiến hành giao dịch”, chị Hoàng Thị Lê bày tỏ.

Nhắc lại trường hợp một người dân bị lừa số tiền hơn 1 tỷ đồng hồi đầu tháng 2-2025 khi đặt phòng qua trang fanpage giả mạo một cơ sở du lịch ở tỉnh Ninh Bình, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác trước hàng loạt hình thức lừa đảo trực tuyến mới nhưng với kịch bản quen thuộc như giả danh nhân viên các khách sạn, homestay, resort... yêu cầu chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Người dân cũng cần cẩn trọng với các trang bán vé máy bay trực tuyến, tour du lịch giá rẻ; cuộc gọi giả mạo khuôn mặt, giọng nói... đã được cơ quan chức năng cảnh báo như: Thứ nhất, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán cùng con dấu của công ty; sau khi khách hàng chuyển khoản thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Thứ hai là các quảng cáo, bài đăng bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ, nhiều ưu đãi kèm theo. Khi có nạn nhân tiếp cận, đối tượng mời chào và đề nghị chuyển tiền đặt cọc 30-50% giá trị. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ... nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản. Thứ ba là chúng dẫn dụ nạn nhân bằng chiêu trò đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau đó, chúng cũng đề nghị thanh toán một phần chi phí, cung cấp thông tin cá nhân để hoàn thiện hồ sơ... nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền. Thứ tư là lợi dụng nhu cầu, thói quen đặt vé online đi du lịch, về quê... nhưng lại trả thẻ lên tàu bị cạo sửa thông tin như giá vé, đối tượng khuyến mãi, ngày đi tàu, ga đi-ga đến... nên không có giá trị đi tàu.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường lưu ý người dân: “Để tránh bị mất tiền, người dân cần hết sức cảnh giác với các gói du lịch, phòng khách sạn, vé máy bay có mức giá quá rẻ. Đồng thời, tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch; nên lựa chọn các đơn vị kinh doanh dịch vụ uy tín; đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề... Kiểm tra kỹ tên miền các website và chú ý, tên miền website giả luôn gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm một số ký tự. Các chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng cần lưu ý mánh khóe lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên tới hàng trăm triệu đồng bằng chiêu trò đặt tiệc, nhờ mua rượu, thực phẩm cho khách sử dụng...”.

Theo báo QĐND

Nguồn: https://baolaocai.vn/can-than-voi-cac-chieu-tro-lua-dao-khi-di-du-lich-post400771.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm