Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thái Thụy: Phát triển sản phẩm OCOP

Xác định chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là động lực phát triển kinh tế nông thôn, huyện Thái Thụy tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các hộ sản xuất và doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện, phát triển sản phẩm OCOP.

Báo Thái BìnhBáo Thái Bình24/04/2025

Các sản phẩm của HTX Nông dược và thương mại dịch vụ Vavi (thôn An Định, xã Thụy Văn) được nhiều người biết đến và tin dùng.

Số lượng sản phẩm OCOP tăng

Năm 2000, sau khi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nấm tại một số mô hình trồng nấm hiệu quả ở Đồng Nai, anh Cao Huy Thuyết, thôn Vạn Đồn, xã Hồng Dũng quyết định đầu tư trồng nấm thương phẩm. Anh tâm sự: Tôi làm nghề trồng nấm đầu tiên của xã. Nhận thấy quê mình có nguồn nguyên liệu rơm rạ dư thừa, tôi đã tận dụng nguồn nguyên liệu này để sản xuất nấm. Ban đầu tôi chỉ làm thử hơn 100 bịch phôi nấm chủ yếu bán nhỏ lẻ tại địa phương và đã cho hiệu quả kinh tế hơn mong đợi. Thành công ở các vụ trồng nấm liên tiếp đã tạo tiền đề cho tôi mở rộng 5 khu nhà trồng nấm với diện tích hơn 1.000m2. Tôi chủ yếu trồng mộc nhĩ, nấm bào ngư xám, nấm sò, nấm mỡ... là những loại nấm dễ trồng, dễ chăm sóc, giá trị kinh tế khá cao. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Tây Bắc và các chợ đầu mối ở Hà Nội. Mỗi năm tôi xuất bán 30 tấn nấm tươi các loại với giá bán 30.000 đồng/kg. Ngoài ra tôi còn sản xuất phôi nấm để cung cấp cho thị trường. Năm 2024, với sự hỗ trợ của địa phương và các cơ quan chức năng của huyện Thái Thụy, sản phẩm nấm mỡ của tôi được chứng nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Việc được công nhận sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn giúp cơ sở mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cũng trong năm 2024, HTX Nông dược và thương mại dịch vụ Vavi (thôn An Định, xã Thụy Văn) có sản phẩm trà túi lọc cà gai leo đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hiện HTX là một trong những HTX tiêu biểu trong xây dựng sản phẩm OCOP ở địa phương. Trước đó, năm 2023, HTX đã có sản phẩm trà túi lọc tía tô được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Anh Đào Hữu Nghị, Giám đốc HTX cho biết: Sản phẩm trà túi lọc tía tô và trà túi lọc cà gai leo được công nhận OCOP 3 sao là động lực để HTX không ngừng nâng cấp, hoàn thiện, hướng đến cung ứng những sản phẩm chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng. Hướng đến phát triển bền vững, HTX đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã trồng cà gai leo, tía tô, hương nhu, sen... để có nguồn nguyên liệu sản xuất. Đồng thời, ký kết hợp đồng trồng cây nguyên liệu với một số hộ dân ở các xã vùng cao tỉnh Hòa Bình để mở rộng thêm vùng dược liệu. Nhờ thực hiện nghiêm quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm, sau 7 năm thành lập HTX hiện có hơn 10 sản phẩm như trà thảo dược, dầu gội, xà bông tắm, tất cả đều được hoàn thiện về nhãn mác, chất lượng và có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, sản phẩm được nhiều người biết đến và tin dùng.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thái Thụy, năm 2024, ngoài sản phẩm nấm mỡ và trà túi lọc cà gai leo, huyện có sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng xã Thụy Ninh, nếp hương quê xã Thụy Duyên, rượu nếp Thuyền Quan xã Sơn Hà, nước mắm Diêm Điền của Công ty Cổ phần Thủy sản Thương mại Diêm Điền được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Hiện nay, huyện có 44 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.

Hỗ trợ nâng tầm sản phẩm OCOP

Việc được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao giúp sản phẩm nông nghiệp Thái Thụy tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Để nâng tầm sản phẩm OCOP, các địa phương đã hỗ trợ HTX, hộ kinh doanh có vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh các mô hình sản xuất sạch theo chuỗi giá trị gia tăng, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Ông Vũ Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Văn cho biết: Xã có 4 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao của HTX Nông dược và thương mại dịch vụ Vavi, HTX Nông dược Gotafarm. Thời gian qua, xã đã quan tâm hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP như tạo điều kiện xây dựng vùng trồng nguyên liệu với diện tích hơn 2ha; phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhờ đó các HTX đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cũng hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP có nguồn nguyên liệu ổn định, liên kết theo chuỗi giá trị để bảo đảm nguồn cung ra thị trường, ông Đinh Bá Lượng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà chia sẻ: Năm 2024, xã có sản phẩm rượu nếp Thuyền Quan đạt chuẩn OCOP 3 sao. Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ chủ thể OCOP phát triển vùng nguyên liệu, xã đã chỉ đạo các HTX quy hoạch vùng sản xuất lúa nếp với diện tích khoảng 100ha, bảo đảm 180 tấn gạo nếp/năm. Tại vùng nguyên liệu, hạ tầng được đầu tư đồng bộ gồm đường giao thông trục chính, giao thông nội đồng trong vùng sản xuất, thủy lợi.

Để nâng tầm và phát triển thêm các sản phẩm OCOP, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thái Thụy đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP; phối hợp tập huấn, hướng dẫn các chủ thể lập hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; tập huấn các chủ thể OCOP về chuyển đổi số, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, các kỹ năng về quản trị, marketing bán hàng, kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Mô hình trồng nấm hiệu quả của anh Cao Huy Thuyết, thôn Vạn Đồn, xã Hồng Dũng, huyện Thái Thụy. 

Nguyễn Thắm

 

Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/222566/thai-thuy-phat-trien-san-pham-ocop


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm