Vùng chè trung du của HTX Trà và Du lịch Cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.
Người dân gặp khó trong việc mở rộng diện tích
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Môi trường Thái Nguyên, địa phương này hiện có trên 22,2 nghìn hecta chè, sản lượng búp tươi đạt 273 nghìn tấn, 193 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao (trong đó có 2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao); giá trị sản phẩm trà đạt 13,8 nghìn tỷ đồng. Thái Nguyên đã vươn lên dẫn đầu toàn quốc về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập từ cây chè, cũng như giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng chè.
Tuy nhiên, nhu cầu mở rộng diện tích trồng chè của nông dân xứ "đệ nhất danh trà" vẫn là rất lớn, nhất là tại vùng chè Tân Cương (TP Thái Nguyên). Trong đó, việc chuyển đổi diện tích đất lúa xen kẹt kém hiệu quả sang trồng chè chưa thể thực hiện do các vị trí đề nghị chuyển đổi chủ yếu nằm trong quy hoạch khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên.
Theo ông Dương Sơn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thái Nguyên, công tác mở rộng diện tích trồng chè còn gặp nhiều khó khăn do một số địa phương phải ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị, các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030; quy trình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng chè vẫn vướng mắc.
“Địa phương đang rà soát, hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất, đánh giá hiện trạng đất đai, lợi thế phát triển chè để xác lập, quy hoạch các vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng cho chế biến. Đặc biệt, thực hiện quy hoạch các điểm sản xuất chè gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.
Thực hiện số hóa các vùng sản xuất chè theo quy hoạch để quản lý, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn. Đồng thời, bảo vệ diện tích trồng chè hiện có và đẩy mạnh mở rộng, phát triển bền vững các vùng sản xuất chè. Trên cơ sở đó các địa phương chủ động xây dựng chỉ tiêu mở rộng quy mô sản xuất và cơ cấu giống chè phù hợp nhu cầu thị trường tiêu thụ để đảm bảo đến năm 2030 diện tích trồng chè trên địa bàn tỉnh đạt 24.500 ha”, ông Dương Sơn Hà cho biết.
Vùng chè HTX Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.
Tại buổi làm việc ở Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên) mới đây, ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết: “Tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm phát triển cây chè và ngành chè, coi đây là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu cho người dân. Để cụ thể hóa chủ trương này, Nghị quyết số 11/NQ-TU về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030 đã khẳng định quyết tâm lớn của tỉnh, mục tiêu là nâng doanh thu từ chè đạt 1 tỷ USD”.
Sớm có quy hoạch vùng chè Tân Cương gắn với phát triển du lịch, dịch vụ
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đề nghị UBND tỉnh rà soát quy hoạch, đề xuất phương án thực hiện việc mở rộng vùng chè Tân Cương với quy mô từ 20 ha trở lên, kết hợp quy hoạch khu đô thị, không gian văn hóa trà cộng đồng tập trung gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, lấy chè làm trung tâm, làm động lực cho sự phát triển.
Diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh, nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ đã được áp dụng như: Sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè.
Xứ đệ nhất danh trà có trên 7.000 ha ứng dụng công nghệ (lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, bán tự động), chiếm 31,5% diện tích chè toàn tỉnh; 5.920 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (trong đó: Chứng nhận VietGAP 5.788 ha, hữu cơ và GAP khác đạt 132 ha), chiếm 26,6% diện tích chè toàn tỉnh. 62 mã vùng trồng được gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Vùng chè Tân Cương ngày càng chú trọng tới khách hàng trẻ. Ảnh: Quang Linh.
Tỉnh Thái Nguyên đang nghiên cứu xây dựng và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Thái Nguyên” cho sản phẩm chè trên cơ sở nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên. Ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong kinh doanh; xây dựng và triển khai hiệu quả các website thương mại điện tử để thúc đẩy quảng bá, mở rộng, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm trà và các sản phẩm từ chè Thái Nguyên.
Thái Nguyên sẽ đa dạng hoá các sản phẩm từ chè để đảm bảo cơ cấu giống chè có năng suất, chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2030 đạt 85-90% tổng diện tích, giống chè trung du đạt 10-15%.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/thai-nguyen-dat-muc-tieu-nang-doanh-thu-tu-che-dat-1-ty-usd-d745546.html
Bình luận (0)