Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, đầu mối xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ, đang khai thác 24 tuyến vận tải biển trực tiếp. Trong ảnh: Một góc cụm cảng CM-TV nhìn từ cảng CMIT. |
CM-TV giữ vai trò chủ lực trong xuất khẩu sang Mỹ
Ngày 10/4, Mỹ thông báo tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày với 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam và chỉ áp mức thuế 10% trong thời gian chờ đàm phán. Thông tin này tạm xem là “phao cứu sinh” của DN xuất hàng sang Mỹ và DN cảng biển.
Ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cho biết, cả nước có hai cảng nước sâu có tuyến tàu vận chuyển trực tiếp hàng tới Mỹ là Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) và Lạch Huyện. Mỗi tuần, 31 chuyến tàu từ hai cảng này đi thẳng đến các cảng Mỹ. Trong đó, CM-TV giữ vai trò chủ lực, xử lý gần như toàn bộ hàng xuất khẩu sang Mỹ. CM-TV hiện có 5 bến cảng khai thác 24 tuyến vận tải trực tiếp sang Mỹ, với hạ tầng hiện đại, luồng tàu sâu và vị trí chiến lược.
Khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đi Mỹ qua CM-TV chiếm khoảng 50 đến 55% tổng sản lượng container thông qua toàn khu vực. Thống kê năm 2024 cho thấy, lượng hàng container xuất đi Mỹ qua CM-TV đạt xấp xỉ 4 triệu TEU. Riêng 3 tháng đầu năm 2025, sản lượng đạt khoảng 1 triệu TEU, tiếp tục khẳng định vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài năng lực vận hành, CM-TV còn được các hãng tàu quốc tế đánh giá cao nhờ thời gian trung chuyển rút ngắn, tiết kiệm chi phí logistics và hạn chế phụ thuộc vào cảng trung gian. Với lợi thế này, nhiều DN xuất khẩu lớn trong các lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày đã lựa chọn CM-TV là cửa ngõ chính để tiếp cận thị trường Mỹ thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Do đó, nếu chính sách áp thuế cao của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được thực thi, sản lượng hàng đi Mỹ có thể sụt giảm, gây áp lực lên hoạt động khai thác cảng và chuỗi cung ứng.
Cảng SSIT hoạt động xuyên đêm, bảo đảm thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu. |
Tận dụng thời gian
Ông Phan Hoàng Vũ, Tổng giám đốc cảng SSIT, cho biết sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển giữa Việt Nam và Mỹ đứng thứ hai tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Trong bối cảnh Mỹ áp thuế nhập khẩu lên tới 145% với nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, Việt Nam phần nào đó có lợi thế duy trì chuỗi cung ứng hiệu quả cho thị trường Mỹ nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh và hệ thống công nghiệp phụ trợ ngày càng hoàn thiện.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng cần kiểm soát nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ là những yếu tố then chốt giúp giữ đà tăng trưởng bền vững.
“Theo thống kê, trong quý I/2025, sản lượng hàng container qua CM-TV đã tăng hơn 30%. Đây là tín hiệu khả quan, nhưng các DN vẫn thận trọng với đơn hàng mới do chưa rõ kết quả đàm phán thuế giữa Việt Nam và Mỹ sau thời hạn tạm hoãn 90 ngày,” ông Vũ cho biết.
Về phía nhà nước, Bộ Công Thương phối hợp với Cục Hải quan rút ngắn thời gian thông quan, mở rộng cổng dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho DN nộp hồ sơ xuất khẩu. Cục Hàng hải và Đường thủy cũng phối hợp với các DN khai thác tại CM-TV xây dựng kịch bản điều hành linh hoạt, theo dõi sát tình hình container để điều tiết hiệu quả, giảm nguy cơ tồn đọng.
Để tận dụng tối đa khoảng thời gian 90 ngày, các DN cảng biển tại CM-TV cũng đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp tăng tốc độ thông quan hàng hóa. Trong đó, trọng tâm là tổ chức lại quy trình khai thác cảng theo hướng tinh gọn và liên thông. Cụ thể, cảng phối hợp chặt chẽ với các hãng tàu để điều phối lịch tàu hợp lý, giảm tình trạng chồng chéo và ùn ứ tại bến. Đồng thời, tăng cường trao đổi dữ liệu với DN xuất nhập khẩu để chuẩn bị sẵn hồ sơ, chứng từ trước khi hàng cập cảng, qua đó rút ngắn thời gian kiểm tra, giám sát.
Các cảng cũng chủ động làm việc với cơ quan hải quan, kiểm dịch, cảng vụ đẩy nhanh quy trình kiểm tra và cấp phép, áp dụng công nghệ số trong quản lý cảng để tự động hóa nhiều khâu từ đăng ký đến bốc dỡ. Đồng thời, chủ động theo dõi sát diễn biến đàm phán chính sách thuế giữa Việt Nam và Mỹ để có kịch bản ứng phó kịp thời. Đại diện cảng Gemalink cho biết, tỷ lệ hàng hóa đi Mỹ tại Gemalink hiện dưới 20%, giúp cảng duy trì mức độ rủi ro thấp. Tuy nhiên, để tăng sức đề kháng thị trường, Gemalink đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới kết nối. Chỉ riêng trong tháng 4/2025, cảng đã tiếp nhận thêm 4 tuyến dịch vụ mới đến châu Âu, Canada và Brazil chiến lược giúp đa dạng hóa luồng hàng, hạn chế phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Những nỗ lực này thể hiện vai trò chủ động, linh hoạt của Gemadept trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN
Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202504/cang-bien-day-nhanh-toc-do-thong-quan-hang-hoa-truoc-don-thue-1039496/
Bình luận (0)