Đồng tác giả Càng hiểu càng thương có lẽ là hai cái tên không còn xa lạ với những ai quan tâm đến mảng sách văn hóa, trị liệu, nhân sinh khi đây là đầu sách thứ hai của họ. Nhưng nếu gọi đây là sách về kỹ năng sống thì sẽ quá thiển cận, bởi thật ra, đây là một cuốn sách viết cho những ai đã từng lặng lẽ sống, từng đi qua tuổi trẻ, tình yêu, từng thương, từng buông bỏ để rồi học cách thiền tập và nhìn đời một cách minh triết ngọt lành.
Càng hiểu càng thương: bước chắc về phía lòng mình
Sách gồm hai phần chính, chia thành hai giọng văn gần như khác biệt. "Chuyện của Huân" là phần đầu tiên như một cuốn nhật ký mở ngược, kể lại quãng đời của một cậu bé lớn lên giữa thiếu thốn nhưng gìn giữ được lòng nhân hậu trong mỗi bước chân đời.
Từng trang viết là từng lát cắt của trí nhớ: một cái giỗ ba không về kịp, một buổi chiều lạc lõng ở TP.HCM mùa dịch, một thời sinh viên đi làm thêm băng bó tay vẫn xin được ở lại vì không dám đánh mất cơ hội... Những câu chuyện ấy, thoạt nhìn rất nhỏ, nhưng lại âm ỉ kéo theo biết bao tầng lớp xúc cảm vì chúng được viết ra bằng tất cả tấm chân thành.
Lưu Đình Long viết về chuyện buông bỏ, về sự bình an, thiền tập, về tha thứ và nỗi cô đơn sau cùng của mỗi kiếp người
ẢNH: HOÀI VIỆT
Lê Minh Huân viết như là người mở lòng, về một tuổi thơ không màu mè
ẢNH: HOÀI VIỆT
Lê Minh Huân viết như một người chưa từng quên quá khứ. Những con chữ của anh có dấu vết của một tuổi thơ không màu mè, về chuyện bán buôn của hai má con suốt quãng 15 năm, về ánh mắt cha lúc chia tay không kịp nói lời nào. Anh không cố đẩy cao kịch tính, cũng chẳng cần rao giảng đạo lý.
Sức mạnh của phần viết này nằm ở chỗ, nó khiến người ta nhớ lại chính mình. Đó là một "mình" đã từng im lặng đứng trong góc nhà sau một cuộc điện thoại dài, từng xếp áo về quê thăm mẹ sau một thời gian dài đằng đẵng đợi chờ, từng thức khuya để viết một tin nhắn chưa gửi đi. Có những thứ chỉ ai từng đi qua rồi mới viết được như thế.
Phần sau của sách chuyển sang chất văn của Long, một cư sĩ. Anh ít kể tiểu tiết hơn, nhưng dày hơn. Lưu Đình Long không dàn trải ký ức. Anh không đi sâu vào quá nhiều tiểu tiết đời mình. Thay vào đó, cách anh viết như mây thong dong, như gió an lành, trong niềm chung có một chút niềm riêng. Điều này dễ khiến người ta tìm thấy mình ở trong đó, để rồi từ "chữ của Long" đến những mảnh ký ức nhỏ nhắn còn mãi nơi tim đầy của độc giả.
Lưu Đình Long viết về chuyện buông bỏ, về sự bình an, thiền tập, về tha thứ và nỗi cô đơn sau cùng của mỗi kiếp người. Những đoạn văn của anh như bậc thềm đá mòn dưới chân, bên cạnh đó cũng thấm đượm một chút gì đó của tinh thần Phật pháp nhẹ nhàng và dễ chịu. "Chữ của Long" cũng có những dòng khiến người đọc buộc phải dừng lại để thở bằng tất cả niệm lành. Chữ nghĩa của anh lặng như nước giếng khơi, ai tĩnh tâm soi vào sẽ thấy bóng mình. Không phô trương tư tưởng, nhưng bên dưới đó lại ẩn tàng cả một mênh mang nội lực. Điều này chứng tỏ tác giả Lưu Đình Long đã sống đủ lâu, chiêm nghiệm đủ nhiều để không còn cần phản ứng mạnh mẽ, ồn ã, vội vàng với mọi thứ xảy đến quanh mình.
Một Lê Minh Huân ấm áp, trực cảm; một Lưu Đình Long điềm tĩnh, trầm sâu, hai giọng văn ấy hòa vào nhau bằng sự đồng cảm. Đó là lý do tuy khác về giọng văn nhưng cuốn sách không bị chia đôi, bởi hai tác giả không đứng ở hai phía. Họ đứng chung một bờ bãi nơi người ta không còn tranh đúng sai mà chỉ hỏi: "Sao mình lại quên thương lâu đến thế?". Bố cục sách không theo logic chương mục mà theo nhịp của ký ức và suy nghiệm. Mỗi phần như một phiến đá đặt xuống, giúp người đọc bước chậm, bước chắc về phía lòng mình.
Bìa tác phẩm Càng hiểu càng thương của Lê Minh Huân và Lưu Đình Long do NXB Dân Trí và Mây Thong Dong ấn hành
ẢNH: HOÀI VIỆT
Điều đáng quý ở Càng hiểu càng thương là sự chân thành không bị ràng buộc bởi hình thức. Tác phẩm ấy không dùng lý lẽ để làm người ta tin mà dùng đời sống để làm người ta nhớ. Và người ta chỉ thương khi bắt đầu nhớ. Thương một người cha lặng lẽ chưa từng nói câu yêu con. Thương một người mẹ kiên cường giấu nước mắt sau dáng lưng gầy. Thương chính mình đã từng mạnh mẽ quá mức cần thiết, hoặc yếu lòng đến mức không ai hay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cang-hieu-cang-thuong-mo-ra-tu-long-nguoi-185250727142844575.htm
Bình luận (0)