Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương có cảnh báo duy trì trực PCCR 24/24 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Tình hình này không chỉ đòi hỏi các địa phương tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCR) mà còn đặt ra thách thức lớn trong việc bảo vệ tài nguyên rừng trước nguy cơ cháy rừng.
Theo thông báo từ Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, 37 khu vực được cảnh báo cấp V tập trung tại 8 tỉnh, thành phố ở Nam Bộ và Tây Nguyên, bao gồm: Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Cà Mau. Trong đó:
Tây Nguyên: Tỉnh Gia Lai có 2 khu vực ở huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa nằm trong danh sách cảnh báo đỏ.
Nam Bộ: Tây Ninh ghi nhận tình hình nghiêm trọng nhất với 8 địa phương, bao gồm các huyện Tân Biên, Gò Dầu, Tân Châu, Trảng Bàng, Bến Cầu, Dương Minh Châu, thị xã Hòa Thành và TP Tây Ninh. Đồng Nai có 5 khu vực gồm huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, TP Biên Hòa và Long Khánh. Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 địa phương là thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức và Đất Đỏ. Kiên Giang có tới 7 khu vực gồm huyện An Biên, An Minh, TP Rạch Giá, U Minh Thượng, Kiên Hải, Kiên Lương và Hòn Đất.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng ghi nhận 3 khu vực là thị xã Ngã Năm, huyện Châu Thành và Long Phú, còn Cà Mau có 5 huyện gồm Trần Văn Thời, U Minh, Ngọc Hiển, Năm Căn và Thới Bình.
Bình Phước có 4 khu vực được cảnh báo cấp V là huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Đồng Phú và thị xã Phước Long.
Ngoài ra, dữ liệu cập nhật từ Hệ thống Quản lý cháy rừng, mất rừng cho thấy 40 khu vực khác tại Nam Bộ và Tây Nguyên đang ở mức cảnh báo cấp IV - cấp rất nguy hiểm. Những khu vực này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cháy nếu không được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất lợi hiện nay.
Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm nhận định, nguy cơ cháy rừng gia tăng mạnh do tác động của thời tiết cực đoan, nhiệt độ cao, độ ẩm thực bì giảm sâu (nhiều nơi dưới 10%), gió mạnh cục bộ và ảnh hưởng kéo dài của hiện tượng El Nino.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 4, nhiệt độ tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế và khu vực Đông Nam Bộ đã vượt 35 độ C, thậm chí một số nơi tại Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế ghi nhận nhiệt độ trên 37 độ C.
Thống kê từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận 129 vụ cháy rừng, gây thiệt hại khoảng 150 ha rừng các loại, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tại Quảng Ninh, sau cơn bão số 3, tỉnh này đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng nghiêm trọng do khoảng 6 triệu tấn cây keo, thông và bạch đàn bị đổ ngã, phủ kín bề mặt rừng, tạo thành vật liệu dễ cháy. Tỉnh đã ghi nhận khoảng 30 điểm cháy từ đầu năm.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đề nghị các địa phương duy trì trực PCCR 24/24, huy động đầy đủ lực lượng, phương tiện tại chỗ, đồng thời tạm dừng các hoạt động có nguy cơ cao như đốt thực bì, đốt đồng trong điều kiện nắng nóng. Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cũng yêu cầu lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng, triển khai phương án PCCR kịp thời khi có cháy xảy ra, đảm bảo dập tắt ngay từ đầu để tránh cháy lớn.
Việt Nam đã áp dụng hệ thống cảnh báo cháy rừng theo 5 cấp độ, dựa trên các yếu tố như thời tiết, độ ẩm, lượng mưa, nhiệt độ, gió, độ ẩm thực bì và tình trạng vật liệu dễ cháy trong rừng:
Cấp IV (rất nguy hiểm): Thời tiết cực kỳ khô hạn, vật liệu cháy dày đặc, chỉ cần một nguồn nhiệt nhỏ cũng có thể gây cháy lớn. Các địa phương cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy và kiểm soát chặt chẽ hoạt động sử dụng lửa gần rừng.
Cấp V (cực kỳ nguy hiểm - cảnh báo đỏ): Đây là cấp cảnh báo cao nhất, khả năng xảy ra cháy rừng rất lớn và đám cháy nếu bùng phát sẽ lan nhanh, khó kiểm soát. Các địa phương phải duy trì trực ban 24/24, cấm tuyệt đối mọi hoạt động tạo lửa trong và ven rừng, đồng thời chuẩn bị phương án chữa cháy khẩn cấp.
Đỗ Hương
Nguồn: https://baochinhphu.vn/canh-bao-do-ve-chay-rung-tai-37-khu-vuc-nam-bo-va-tay-nguyen-102250428182653865.htm
Bình luận (0)