(QBĐT) - Trong sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đặt phòng du lịch trực tuyến là hình thức khá phổ biến bởi sự tiện lợi, hiệu quả. Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, thu hút sự lựa chọn của nhiều khách hàng, thời gian qua đã xảy ra tình trạng lừa đảo với cách thức tinh vi khiến nhiều người mắc bẫy.
Chuẩn bị cho kỳ nghỉ cuối tuần, chị Nguyễn Thị H. ở phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) chọn điểm đến là TP. Đà Nẵng. Như nhiều chuyến đi khác, chị tìm các khách sạn trên mạng và nhắn tin để đặt phòng.Sau khi tìm được khách sạn ưng ý trên đường Võ Nguyên Giáp, chị H. gửi thông tin đặt phòng qua tin nhắn fanpage. Mấy phút sau, chị nhận được điện thoại từ số máy 0583489999 tự xưng là nhân viên của khách sạn trao đổi thông tin đặt phòng và yêu cầu chuyển khoản đặt cọc tiền phòng.
Vì đã nhiều lần đặt phòng trực tuyến nên chị H. không nghi ngờ gì mà chuyển số tiền hơn 2 triệu đồng vào số tài khoản 6116228686, Ngân hàng VPBank theo hướng dẫn. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản xong, nhân viên thông báo là việc đặt phòng trên hệ thống chưa thành công và đề nghị chị chuyển khoản tiếp lần thứ hai theo đúng cú pháp đặt phòng, kế toán sẽ hoàn lại số tiền chuyển khoản sai cú pháp trước đó.
Mặc dù không hài lòng về việc nhân viên cố tình không trao đổi về nội dung thông tin chuyển khoản, gây phiền phức cho khách hàng nhưng sau khi bị thúc giục để giữ phòng, chị H. vẫn tặc lưỡi chuyển khoản tiếp lần thứ hai với số tiền hơn 2 triệu đồng.
|
Đáng chú ý, sau khi hoàn thành cả hai lần chuyển khoản với tổng số tiền hơn 4 triệu đồng, chị H. vẫn không được khách sạn xác nhận đặt phòng thành công. Lúc này, chị yêu cầu hủy phòng và hoàn tiền thì nhân viên xin lỗi và hướng dẫn chị bấm vào đường link hướng dẫn mở tài khoản doanh nghiệp để được hoàn tiền. Đến lúc này, chị H. hiểu là mình đã bị mắc bẫy lừa đảo và số tiền hơn 4 triệu đồng “không cánh mà bay”. Nếu tiếp tục làm theo “hướng dẫn”, hậu quả còn nặng nề hơn. Ngay sau đó, chị H. cũng bị fanpage và “nhân viên” khách sạn chặn liên lạc.
Tiếp tục tìm website của khách sạn, chị H. gọi để kiểm tra thông tin và trao đổi về việc này thì nhận được câu trả lời là tình trạng các đối tượng lập fanpage giả mạo khách sạn để lừa đảo khách hàng đã từng xảy ra. Một số khách hàng đã phản ánh nhưng khách sạn chỉ có thể khuyến cáo du khách cẩn trọng hơn trong khi đặt phòng trực tuyến, tránh bị lừa đảo.
Thời gian qua, tình trạng các đối tượng giả mạo website, fanpage của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có uy tín hoặc tạo tài khoản mạng xã hội để đăng tin khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn nhằm lừa đảo khách đặt phòng, yêu cầu chuyển khoản “tiền cọc” và sau đó chiếm đoạt tiền diễn ra tại một số địa phương, nhất là trong giai đoạn cao điểm mùa du lịch.
Các đối tượng lập nhiều fanpage để gây khó khăn trong việc tìm kiếm tài khoản thật, tiếp đó là chạy quảng cáo thu hút lượt theo dõi cao nhằm tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh và cảnh báo người dân lưu ý kiểm tra kỹ lưỡng, xác thực thông tin trước khi đặt phòng để tránh thiệt hại, song với thủ đoạn tinh vi, nhiều người vẫn bị “sập bẫy”.
|
Để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh bị “sập bẫy” kẻ lừa đảo, nhiều người lựa chọn đặt phòng qua các app uy tín, tuy nhiên nếu hủy phòng qua app sẽ mất nhiều thời gian hơn nên nhiều khách hàng vẫn đặt trực tiếp với các khách sạn. “Một số “bí quyết” của du khách khi đặt phòng là tham gia các trang cộng đồng về du lịch của địa phương để tham vấn, tìm hiểu; kiểm tra, đối chiếu và xác thực thông tin nhiều nguồn uy tín. Nếu có thể hãy chuyển khoản vào tài khoản doanh nghiệp sẽ an toàn hơn, nhất là khi doanh nghiệp được định danh điện tử”, anh Bùi Xuân Thoan, một người làm du lịch tại TP. Đồng Hới, quản trị của nhóm Review Quảng Bình chia sẻ.
Một điều dễ nhận thấy là do số tiền bị mất không lớn nên nhiều người tặc lưỡi bỏ qua, không trình báo cơ quan Công an. Để tránh bị thiệt hại và góp phần ngăn chặn tình trạng lừa đảo, cùng với việc tìm hiểu thông tin, lựa chọn các kênh uy tín để đặt phòng, cảnh giác với các “chiêu” đặt phòng giá rẻ, ưu đãi quá lớn…, khi bị “sập bẫy” kẻ lừa đảo, người dân cần chủ động khai báo với cơ quan Công an.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trang web, ứng dụng đặt phòng trực tuyến; yêu cầu các công ty du lịch và khách sạn cung cấp thông tin rõ ràng về giấy phép kinh doanh, dịch vụ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cảnh giác. Các khách sạn, cơ sở du lịch cần chủ động đăng tải thông tin chính thống trên các nền tảng mạng xã hội, fanpage chính thức của cơ sở, doanh nghiệp mình để du khách biết và liên hệ, đồng thời kịp thời thông báo các hành vi vi phạm của các đối tượng giả mạo với cơ quan chức năng thay vì chỉ tiếp nhận thông tin khách hàng bị lừa đảo phản hồi và… để đó.
Ngọc Mai
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202504/canh-bao-lua-dao-khi-dat-phong-du-lich-truc-tuyen-2225316/
Bình luận (0)