Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mặt trận Quảng Nam kiến nghị nhiều nội dung thúc đẩy xóa nhà tạm

Việt NamViệt Nam02/04/2025


dsc05614.jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra thực tế một hộ dân xã Trà Cang (Nam Trà My) được hỗ trợ xây dựng nhà ở, vào tháng 3/2025. Ảnh: TÂM ĐAN

Những vấn đề quan tâm

Quyết tâm cùng cả tỉnh hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, trong tháng 3/2025, Mặt trận tỉnh thành lập 2 đoàn giám sát đi kiểm tra, làm việc với các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My và các huyện đồng bằng Duy Xuyên, Phú Ninh về công tác xóa nhà tạm.

Theo kết quả giám sát, qua 2 năm triển khai thực hiện, huyện Nam Trà My đã hoàn thành 1.040/1.733 nhà (đạt 60,01%), huyện Bắc Trà My hoàn thành 963/1.443 nhà (đạt 66,7%), huyện Duy Xuyên hoàn thành 119/151nhà (đạt 79%), huyện Phú Ninh hoàn thành 175/198 nhà (đạt 88,3%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương vẫn còn những vấn đề quan tâm, cần đánh giá khách quan để có giải pháp khắc phục.

Công tác rà soát, kiểm tra, báo cáo, xét duyệt danh sách, tổng hợp số liệu thường biến động gây khó khăn trong việc dự tính nguồn lực thực hiện hoặc bỏ sót đối tượng. Kết quả giải ngân, triển khai thực hiện ở địa phương còn chậm dẫn đến nguồn kinh phí còn tồn đọng nhiều ở cấp huyện.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh thăm hỏi gia đình ông Hồ Văn Quý (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) về xây dựng nhà ở:

Đáng chú ý, việc triển khai xây dựng nhà ở khu vực miền núi gặp khó khăn do điều kiện địa hình, thời tiết, chi phí nhân công, vật liệu cao, hộ dân chưa có đủ điều kiện để đối ứng kinh phí. Liên quan đến nội dung này, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Mặt trận tỉnh, Bí thư Huyện ủy Nam Trà My - Lê Thanh Hưng cho biết, hiện nay bà con không thể tận dụng gỗ trong rừng đưa về làm nhà như lúc trước, trong khi nhiều hộ không đồng ý phương án sử dụng vật liệu bằng kim loại làm khung nhà.

Bên cạnh đó, một số nhà ở nằm trong khu vực quy hoạch thực hiện dự án không được phép xây dựng hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng chưa có chủ trương để khảo sát, triển khai thực hiện. Số nhà được hỗ trợ sửa chữa theo Quyết định số 22 (ngày 26/4/2013) của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã xuống cấp nhưng không được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh.

Đoàn giám sát của Mặt trận tỉnh làm việc với xã Trà Cang (Nam Trà My) về công tác xóa nhà tạm. Ảnh: TÂM ĐAN
Đoàn giám sát của Mặt trận tỉnh làm việc với xã Trà Cang (Nam Trà My) về công tác xóa nhà tạm. Ảnh: TÂM ĐAN

Các địa phương được giám sát đã giải ngân hơn 50% nguồn kinh phí cấp nhưng vẫn chưa hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán nguồn ngân sách, nguồn vận động theo quy định.

Không để bị động, gián đoạn

Qua giám sát, Mặt trận tỉnh đã kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến Chính phủ, Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh và các địa phương.

Mặt trận tỉnh đề nghị Chính phủ sớm cấp đủ nguồn kinh phí đối ứng từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 21 để đảm bảo kinh phí cho đối tượng thụ hưởng tiến hành xây dựng và sửa chữa nhà theo quy định.

Về nội dung này, tại hội nghị sơ kết Chỉ thị số 25 của Tỉnh ủy vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đã giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh sử dụng tạm nguồn dự phòng, nguồn cải cách tiền lương… để phân bổ cho các địa phương trong khi chờ vốn trung ương. Theo đó, trước ngày 10/4/2025 phải đảm bảo nguồn vốn cho các địa phương thực hiện.

dsc06099.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Thanh Phương làm việc với Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Phú Ninh. Ảnh: TÂM ĐAN

Đối với Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh, Mặt trận tỉnh đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thu hút thêm nguồn lực từ xã hội; tổ chức các hoạt động dân vận trong hỗ trợ nhân lực xóa nhà tạm; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xóa nhà tạm.

Mặt trận tỉnh cho biết, số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần thực hiện còn nhiều với hơn 6.000 hộ (trong đó hơn 1.500 hộ gia đình chính sách, người có công). Do đó, Ban chỉ đạo tỉnh cần chỉ đạo cấp ủy cấp huyện, cấp xã quyết liệt, tập trung hơn cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Cấp xã phải chủ động triển khai ngay từ bây giờ đối với các hộ trên địa bàn đã được phê duyệt danh sách; không để bị động sau khi không còn tổ chức cấp huyện đúng theo tinh thần kết luận tại hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 25, ngày 31/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Một ngôi nhà tại thị trấn Phú Thịnh (Phú Ninh) đang được tiến hành tháo dỡ để sửa chữa theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: TÂM ĐAN
Một ngôi nhà tại thị trấn Phú Thịnh (Phú Ninh) đang được tiến hành tháo dỡ để sửa chữa theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: TÂM ĐAN

Trong khi đó, UBND tỉnh cần sớm ban hành quy định về cho vay từ nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; sớm hướng dẫn đối với hộ nằm trong diện quy hoạch chưa thể xây dựng nhà. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính rà soát số nhà, nhu cầu kinh phí thực tế cần cấp phát, tránh trùng lặp, thừa hoặc thiếu nguồn như hiện nay…

Nội dung này phải thực hiện dứt điểm trước 30/4/2025, đồng thời đảm bảo số lượng điều chỉnh bổ sung không vượt quá tổng số nhà xây mới, sửa chữa đã được phê duyệt trên từng địa bàn cấp huyện.

Đối với những trường hợp qua nhiều đợt vận động không thống nhất làm mới, sửa chữa với lý do hoàn cảnh hoặc do vướng đất đai chưa thực hiện được, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo loại khỏi danh sách được phê duyệt và cho phép địa phương tiếp tục rà soát bổ sung các trường hợp khác đủ điều kiện (nếu có)

(Báo cáo giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam nêu)

Mặt trận tình đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác dân vận, bố trí lực lượng xung kích, giúp dân triển khai xóa nhà tạm. Trong ảnh, Tỉnh đoàn Quảng Nam khởi công xóa nhà tạm cho hộ gia đình Zơrâm Pi (thị trấn Prao, huyện Đông Giang). Ảnh: THU VUI
Tỉnh đoàn Quảng Nam khởi công xóa nhà tạm cho hộ gia đình Zơrâm Pi (thị trấn Prao, huyện Đông Giang). Ảnh: THU VUI

Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp huyện cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đóng góp nguồn kinh phí ủng hộ năm 2023 và năm 2024. Đặc biệt, tăng cường giải ngân nguồn kinh phí ngân sách trung ương, tỉnh và nguồn Ban vận động tỉnh đã phân bổ; xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai xóa xong nhà tạm cho các đối tượng đã được phê duyệt hoàn thành cuối tháng 10/2025.

Khẩn trương hoàn trả ngân sách còn thừa
Đối với nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh cấp trước thời điểm quý III/2024 còn thừa và nguồn Ban vận động tỉnh cấp nay đã hết đối tượng hỗ trợ theo quy định, Mặt trận tỉnh đề nghị các địa phương cần khẩn trương làm thủ tục trả lại ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, nguồn vận động xã hội hóa theo quy định. Trường hợp cần bổ sung thì có văn bản đề nghị để được bố trí lại.



Nguồn: https://baoquangnam.vn/mat-tran-quang-nam-kien-nghi-nhieu-noi-dung-thuc-day-xoa-nha-tam-3151957.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm