Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cảnh báo sớm bảo vệ hàng xuất khẩu

Hàng xuất khẩu VN đang đối mặt với những áp lực mới về phòng vệ thương mại khi các mặt hàng bị điều tra rất đa dạng, từ những sản phẩm truyền thống đến sản phẩm ít hoặc chưa từng bị điều tra, cộng thêm ngày càng nhiều các quốc gia đang phát triển và thị trường mới như Ai Cập, Brazil... những nơi trước đây ít khi điều tra phòng vệ thương mại với VN

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp18/07/2025

Chú thích ảnh
Chế biến cá tra xuất khẩu ở nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (tỉnh An Giang). Ảnh: Vũ Sinh/ TTXVN

Vì vậy, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện chuỗi cung ứng,Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cảnh báo sớm vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng hóa xuất khẩuđểthích ứng với luật chơi toàn cầu.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, chính sách bảo hộ thương mại được các nước đang áp dụng ngày càng đa dạng và phức tạp. Nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nhất là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã không ngừng dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan tới sản phẩm nhập khẩu, nhiều thị trường khác cũng đã gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy: Trong 5 tháng đầu năm 2025, hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đã đối mặt với 9 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới được khởi xướng từ 8 thị trường khác nhau; trong đó, 7 vụ là điều tra chống bán phá giá và 2 vụ là điều tra tự vệ. Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại cũng đang xử lý 33 vụ việc khác phát sinh từ năm 2024 và nhiều vụ rà soát thuế phòng vệ thương mại. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu đã bị nộp hồ sơ đề nghị điều tra nhưng chưa được chính thức khởi xướng.

Các mặt hàng bị điều tra rất đa dạng, từ những sản phẩm truyền thống như thép, xi măng, sợi đến sản phẩm ít hoặc chưa từng bị điều tra như giấy gợn sóng, vỏ viên nhộng cứng, sơ mi rơ móc... Đáng lưu ý, ngày càng nhiều các quốc gia đang phát triển và thị trường mới như Nam Phi, Ai Cập, Brazil.. những nơi trước đây ít khi điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, xu hướng điều tra không chỉ tăng về số lượng mà còn yêu cầu ngày càng phức tạp hơn. Nhiều quốc gia như Canada đã đưa vấn đề kinh tế thị trường vào các cuộc điều tra hay Mexico và Brazil cũng bắt đầu áp dụng phương pháp sử dụng giá trị thay thế từ nước thứ ba để tính biên độ chống bán phá giá. Điều này khiến mức thuế áp dụng cho hàng hóa của Việt Nam thường cao hơn thực tế và không phản ánh đúng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Hiệp hội và doanh nghiệp đã luôn Cục Phòng vệ thương mại hỗ trợ tích cực trong quá trình tham gia vụ kiện chống bán phá và chống trợ cấp qua đó góp sức cho doanh nghiệp thuỷ sản nâng cao năng lực cạnh tranh nhất định trong xuất khẩu và duy trì thị phần.

Để tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam khuyến nghị Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục tăng cường cảnh báo sớm về nguy cơ bị điều tra nhằm giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt vượt qua vụ kiện và đạt được kết quả khả quan.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay: Năm 2025 xuất nhập khẩu phải đối mặt với nhiều sức ép và không chỉ biến động khó lường mà còn có những bất thường. Vì thế, nhiều vấn đề phải phấn đấu với chỉ số cụ thể, nhất là xuất nhập khẩu đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng đột phá. Do đó, cần thúc đẩy tăng cường cảnh báo sớm theo hướng phân tầng về mặt thông tin, nếu không chủ động sẽ không đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Cùng đó, tránh dự báo mà không cùng tiêu chí với doanh nghiệp, hiệp hội dẫn đến không đồng bộ trong triển khai.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và ngành hàng chủ động ứng phó trước nguy cơ bị điều tra từ phía nước ngoài, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, hệ thống cảnh báo sớm đã được thiết lập và vận hành để theo dõi, thu thập, phân tích dữ liệu liên quan đến mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Hiện tại, hệ thống này tập trung vào việc phân tích thông tin từ nhiều nguồn khác nhau gồm cả dữ liệu xuất khẩu và thông tin từ hơn 60 thương vụ Việt Nam tại thị trường quốc tế lớn. Qua đó, giúp nhận diện sớm dấu hiệu xung đột thương mại hoặc nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ.

 

Đặc biệt, hệ thống đang theo dõi sát sao hàng trăm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Canada, Ấn Độ, Australia và một số quốc gia Đông Nam Á. Qua quá trình phân tích, gần 300 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao đã được xác định và đưa vào danh sách cảnh báo.

Theo ông Chu Thắng Trung, để hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao khả năng cảnh báo sớm, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tăng cường tổ chức chương trình đào tạo, hội thảo chuyên sâu phù hợp với từng ngành hàng, địa phương đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả. Hơn nữa, tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống cảnh báo sớm thông qua việc thu thập, phân tích dữ liệu xuất khẩu và thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại từ thị trường quốc tế. Danh sách mặt hàng có nguy cơ bị điều tra sẽ được cập nhật thường xuyên để doanh nghiệp chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất và xuất khẩu.

Mặt khác, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để cung cấp thông tin chi tiết về quy định, nguyên tắc và quy trình điều tra phòng vệ thương mại. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị tài liệu, bằng chứng cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi trong vụ việc điều tra. Ngoài ra, theo dõi sát sao hoạt động điều tra của cơ quan phòng vệ thương mại nước ngoài để đảm bảo tuân thủ đúng cam kết quốc tế và quy định pháp luật. Cục Phòng vệ thương mại sẽ chủ động trao đổi, can thiệp khi phát hiện bất kỳ điểm bất hợp lý nào gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, Cục sẽ đẩy mạnh truyền thông thông qua bản tin điện tử, ấn phẩm chuyên đề và bài viết trên phương tiện truyền thông. Đồng thời, tổ chức khóa tập huấn về quy định xuất xứ hàng hóa, phòng chống gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ quy định quốc tế.

“Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách và triển khai biện pháp hỗ trợ nhằm bảo vệ quyền lợi của ngành sản xuất trong nước. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh áp lực từ biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng”, ông Chu Thắng Trung nêu rõ.

 

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/canh-bao-som-bao-ve-hang-xuat-khau/20250718100459566


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm