Thành công nhờ sự thấu hiểu
Là người dân tộc Sán Chỉ, sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Ba Chẽ, chị La Thị Thương (SN 1991), cộng tác viên dân số thôn Khe Lò, xã Thanh Sơn, luôn thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của đồng bào DTTS ở nơi đây. Bởi bà con chủ yếu canh tác nông nghiệp, làm nương rẫy, suy nghĩ còn lạc hậu, không có điều kiện quan tâm chăm sóc sức khỏe, sinh nhiều con, dẫn đến đời sống nghèo khó, vất vả.
Với lợi thế là người địa phương, gắn bó với công tác dân số 11 năm, lại tham gia công tác y tế thôn, bản, chị Thương đã đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động mọi người thay đổi nếp nghĩ trong việc sinh con cái.
Chị Thương chia sẻ: Do đồng bào còn giữ quan niệm lạc hậu là sinh nhiều con là nhiều của, có con để làm việc đồng áng, làm nương rẫy, nên họ e ngại, thường tránh né mỗi khi có cộng tác viên dân số đến nhà vận động. Hơn nữa, mọi người đi làm từ sáng sớm đến tối mịt ở rẫy, nên người làm công tác dân số cũng khó tiếp cận. Không ít lần tôi phải vượt đường xa lên tận nương rẫy nơi mọi người làm việc để tuyên truyền. Tôi nghĩ, nếu mình bỏ cuộc thì bà con cứ mãi nghèo đói, trẻ con sẽ không được đến trường. Thế là tôi cứ kiên trì, không sợ khó, gặp ai ở đâu tôi cũng đều vận động đến trạm y tế xã khám sức khỏe, thực hiện các biện pháp tránh thai. Riêng các biện pháp tránh thai là tôi mang đến tận nhà hướng dẫn cặn kẽ cho chị em cách sử dụng.
Nhờ sự tận tâm, nhiệt tình của chị Thương, giờ đây đồng bào DTTS tại thôn Khe Lò, xã Thanh Sơn đã có những suy nghĩ tiến bộ, không sinh quá nhiều con, biết cách sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Trong quá trình hỗ trợ bà con, chị Thương cũng lập danh sách theo dõi từng người sử dụng các biện pháp tránh thai như thế nào. Các gia đình sinh con một bề, hay có tư tưởng phân biệt con trai, con gái, chị thường xuyên đến tuyên truyền để mọi người hiểu, tránh mang thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, chị còn tranh thủ thời gian cuối tuần, đến từng gia đình phổ biến các chính sách mới của Đảng, Nhà nước về chính sách dân số; lịch tiêm chủng mở rộng, khám thai định kỳ cho phụ nữ mang thai; cách thức chăm sóc con cái để bảo đảm sức khỏe, dinh dưỡng...
Chị Thương chia sẻ thêm: Nhờ có công nghệ phát triển, giờ đây bà con cũng hiểu biết hơn về DS-KHHGĐ. Nhiều cặp vợ chồng qua các phương tiện truyền thông, thông tin đã có những nhận thức tiến bộ, nên chúng tôi đến tuyên truyền cũng dễ dàng hơn. Họ nhận thức được việc sinh quá nhiều con, sinh dày không tốt cho cả mẹ lẫn trẻ, đặc biệt là việc phát triển kinh tế gia đình sẽ khó khăn hơn, nên tìm đến tôi xin hướng dẫn, xin thuốc tránh thai, hoặc đăng ký khám SKSS để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Ở thôn Bình Sơn (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) có chị Phạm Thị Tám (SN 1969) tham gia làm cộng tác viên dân số từ năm 2000, đến nay đã được 25 năm. Việc sâu sát địa bàn, nắm rõ từng gia đình, thấu hiểu từng hoàn cảnh, đã giúp chị Tám có thêm nhiều kinh nghiệm để bà con ngày càng tin tưởng. Chị Tám cho biết, thời gian đầu chị cũng gặp rất nhiều khó khăn khi chưa có kinh nghiệm, nhất là việc đi lại qua những con đường lầy lội rất vất vả. Nhận thức của người dân về DS-KHHGĐ còn rất hạn chế, nếp nghĩ “sinh con trai để nối dõi tông đường” vẫn còn, nên chị phải tìm đủ cách để tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.
Tranh thủ các buổi trưa hoặc tối, chị Tám đến từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do sinh đông con, hay các cặp vợ chồng sinh con một bề, vừa trò chuyện, vừa kết hợp tư vấn, vận động không sinh nhiều con, không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh để bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dạy con thật tốt. "Mưa dầm thấm lâu", dần dần, các cặp vợ chồng hiểu và thay đổi nhận thức.
Chị Tám cho hay: Để làm tốt công việc, trước hết bản thân mình phải hiểu, nắm rõ công việc mình làm. Ngoài những buổi tham gia tập huấn của huyện, tôi cũng thường xuyên tự nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức về dân số qua báo chí, nhất là mạng Internet. Đi tuyên truyền không phải một sớm một chiều là thành công, nhiều gia đình cũng không đồng thuận ngay. Nhưng đến khi mọi người tin tưởng mình, mỗi khi tuyên truyền đạt hiệu quả, tôi mừng vì công sức của bản thân đã được đền đáp xứng đáng nên thêm yêu công việc mình làm.
Công việc nhiều, phụ cấp dành cho cộng tác viên ít ỏi, nhưng không vì thế mà chị Tám lơ là trong công việc. Trải qua biết bao chuyện vui, buồn của nghề “vác tù và hàng tổng”, đến nay, chị Tám đã nắm như lòng bàn tay tình hình dân số, cũng như gia cảnh từng hộ trên địa bàn phụ trách. Các số liệu về dân số đều được chị cập nhật đầy đủ, chính xác và thường xuyên.
Chị Nỉ Tài Múi (thôn Bình Sơn) chia sẻ: Chị Tám nhiệt tình lắm, cứ đâu cần chị là chị đến ngay. Vợ chồng tôi đã có 2 con trai, cũng từng muốn sinh thêm một cháu gái nữa cho có nếp có tẻ, nhưng chị Tám đến vận động, bảo đời sống kinh tế còn chưa ổn định, cứ nuôi dạy 2 con cho tốt đã, còn chuyện sinh thêm sau này hãy tính. Thế nên giờ tôi cũng chưa có ý định sinh tiếp, đẻ ít con để còn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Với những kinh nghiệm tích lũy trong thời gian dài, chị Tám cho rằng việc tuyên truyền về công tác dân số phải bằng cái tâm, cái tình, thật khéo léo, tế nhị, để không chỉ phụ nữ hiểu, mà nam giới cũng hiểu, cùng có trách nhiệm thực hiện. Công tác tuyên truyền những kiến thức về chăm sóc SKSS-KHHGĐ được thực hiện không chỉ tại các hội nghị, cuộc họp, qua loa phát thanh, mà còn là “gặp đâu tuyên truyền đó”. Điều quan trọng nhất là phải yêu nghề, tâm huyết với nghề thì mới gắn bó lâu dài được.
Hết mình vì cộng đồng
Anh Nguyễn Công Thận, Trưởng Phòng DS-TTGDSK (Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ) cho biết: Cộng tác viên dân số là những người tuyên truyền, vận động người dân từ chỗ chưa hiểu biết đến hiểu biết, rồi có thái độ tích cực trong vấn đề bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình. Có thể thấy cộng tác viên dân số trên địa bàn huyện đã góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi hành vi DS-KHHGĐ của các nhóm đối tượng ở từng địa bàn dân cư. Công việc tuy vất vả, phụ cấp còn hạn chế, nhưng họ vẫn không nản lòng, lùi bước. Nếu không có họ thì những chỉ tiêu về dân số ở địa phương khó mà hoàn thành được.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vào mỗi đợt truyền thông, đội ngũ cộng tác viên phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số, áp dụng các biện pháp KHHGĐ. Muốn việc tuyên truyền đạt hiệu quả, mỗi cộng tác viên đã tốn không ít thời gian và công sức. Nhiều địa bàn có dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn, cộng tác viên dân số khá vất vả khi cất công đến tận nhà gặp đối tượng cần tuyên truyền. Có nhiều trường hợp, cộng tác viên phải đi lại rất nhiều lần để gặp gỡ, giải thích, vận động, thuyết phục đối tượng.
Chị Tạ Thị Tám, cán bộ dân số xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên) cho biết: Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ của đội ngũ cộng tác viên dân số, bản thân tôi cũng khó lòng làm hết được công việc. Những đóng góp thầm lặng của đội ngũ cộng tác viên dân số làm cho cuộc sống người dân đang ngày một tốt hơn, chất lượng sống ngày càng nâng cao. Họ đã gắn bó với công tác dân số bằng sự tận tâm, trách nhiệm với tinh thần tự nguyện góp sức cho cộng đồng.
Theo số liệu của Chi cục Dân số tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 1.400 cộng tác viên dân số. Có vai trò như là những “cánh tay nối dài” của ngành dân số, đội ngũ này thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn về KHHGĐ, dân số và phát triển, cung cấp các phương tiện tránh thai đến từng hộ gia đình, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; thu thập số liệu, lập báo cáo tháng về dân số theo quy định…
Nguồn: https://baoquangninh.vn/canh-tay-noi-dai-cua-nganh-dan-so-3357311.html
Bình luận (0)