Giảm bớt thủ tục hành chính đất đai
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai khi cơ cấu tổ chức chính quyền theo mô hình hai cấp (tỉnh và xã/phường).
Theo đó, dự thảo quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền: HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã, cùng cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp xã sẽ đảm nhận một số thẩm quyền trước đây thuộc cấp huyện...
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp tạo rất nhiều thay đổi từ thẩm quyền quản lý đất đai đến trình tự thủ tục giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai.
![]() |
GS. Đặng Hùng Võ. |
Theo ông Võ, khi bỏ cấp huyện, thẩm quyền quản lý đất đai sẽ được phân cấp trực tiếp cho cấp xã. Trước đây, có hai cấp quản lý trực tiếp là tỉnh và huyện, còn cấp xã chỉ làm nhiệm vụ chịu trách nhiệm xem xét những cái làm đúng và những cái làm sai đối với luật pháp. Như vậy, cấp xã ở sát dân, làm nhiệm vụ “thổi còi” và nếu trong thẩm quyền thì giải quyết, không thuộc thẩm quyền thì báo cáo lên cấp có thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, với chính quyền 2 cấp, cấp xã có nhiều thay đổi hơn trong trình tự, thủ tục hành chính liên quan.
"Khi bỏ cấp huyện, cấp xã sẽ đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong quản lý đất đai, thay vì chỉ giám sát như trước. Vì thế, cần tăng cường năng lực, trách nhiệm của cán bộ cấp xã để đáp ứng yêu cầu mới", ông Võ nói.
Ông Võ cho rằng, việc phân cấp mới này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận và thực hiện các thủ tục đất đai. Lợi ích rõ nhất là việc thực hiện thủ tục hành chính được giảm bớt.
Về phía người dân, ông Võ lấy ví dụ trường hợp người xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn để làm nhà nhưng mãi không thực hiện được bởi các cấp quản lý nói chưa đúng quy hoạch, phải xin ý kiến của cấp này, cấp kia...
"Với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài đã từng có ý kiến khẳng định không cần hỗ trợ về tiền sử dụng đất, tiền thuế, chỉ mong muốn thủ tục hành chính làm sao đơn giản nhất để không bị lỗi nhịp trong kế hoạch tài chính. Khi đồng tiền gắn liền với việc kinh doanh thì chậm một giây cũng mất bao nhiêu tiền rồi chứ không nói là chuẩn bị cả đống tiền, nhưng vì thủ tục hành chính mà bị kẹt lại”, ông Võ nói.
Đặc biệt, theo ông Võ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra dự thảo nghị định là cần thiết, tuy nhiên đó chỉ là phương án trước mắt, sau đó cần sửa đổi luật (Luật Đất đai 2024 - PV) để quy định rõ thẩm quyền mới của các cấp, đồng thời rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Làm sao để tránh quá tải, lạm quyền?
TS. Trần Xuân Lượng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam - cho rằng, việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp - tinh gọn cấp huyện, phân quyền mạnh hơn cho cấp xã là một bước cải cách thể chế sâu rộng, phù hợp với chủ trương của Trung ương về đổi mới bộ máy hành chính.
Trong lĩnh vực đất đai, tác động này càng rõ rệt bởi đất đai là đối tượng quản lý nhà nước đặc biệt, có tính cố định, gắn liền với địa phương và cộng đồng dân cư. Vì vậy, việc giao cho chính quyền địa phương, cụ thể là cấp xã thực hiện một số thẩm quyền quản lý đất đai là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, bản chất vấn đề không chỉ nằm ở chuyện “có phân quyền” hay không, mà là làm sao để phân quyền có kiểm soát.
![]() |
TS. Trần Xuân Lượng. |
TS. Trần Xuân Lượng cũng cho rằng, trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính, việc chuyển một số thẩm quyền quản lý đất đai từ cấp huyện về cấp xã sẽ khả thi nếu đi kèm với điều kiện về con người, công nghệ và tài chính.
Khi các xã, thị trấn được sáp nhập, quy mô tăng lên, năng lực hành chính cũng có tiềm năng mở rộng; giao quyền xử lý một số thủ tục đất đai như xác nhận hiện trạng, cấp giấy tờ trích lục, hỗ trợ đăng ký biến động là hoàn toàn hợp lý.
“Nhưng kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, phân quyền mà không có năng lực đi kèm thì dễ dẫn đến quá tải, lạm quyền hoặc thậm chí tiêu cực. Do đó, ngoài việc phân quyền, phải đi kèm với các công cụ hỗ trợ như số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình và đào tạo chuyên môn sâu cho cán bộ cấp xã”, TS. Trần Xuân Lượng nói.
Cũng theo TS. Trần Xuân Lượng, việc phân quyền cho cấp xã giúp người dân, doanh nghiệp không phải lên huyện, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn khi cấp xã có đủ thẩm quyền, hồ sơ sẽ được xử lý tại chỗ, rút ngắn thời gian chờ đợi; tạo sự minh bạch và trách nhiệm hơn bởi khi giao quyền về xã, người dân sẽ biết rõ cán bộ nào phụ trách hồ sơ của mình, điều này giúp tăng tính minh bạch và giảm tình trạng "đá bóng" trách nhiệm. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, phải gắn liền với nền tảng số hóa và công khai dữ liệu...
Nguồn: https://tienphong.vn/cap-xa-lam-thu-tuc-dat-dai-cuoc-dai-phau-can-thiet-nhung-post1736973.tpo
Bình luận (0)