
Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) dự định sử dụng AI trong soạn thảo luật mới và xem xét, sửa đổi luật hiện hành. Theo các chuyên gia AI, đây là điều chưa từng có ở bất kỳ quốc gia nào. Các nước trên thế giới đang dùng AI để thúc đẩy hiệu quả cao hơn trong khu vực công.
Truyền thông UAE dẫn lời Phó Tổng thống Sheikh Mohammad bin Rashid Al Maktoum cho biết “hệ thống pháp luật mới, với sự hỗ trợ từ AI, sẽ thay đổi cách chúng ta làm luật, giúp tiến trình nhanh hơn và chính xác hơn”.
Tuần trước, các bộ trưởng UAE nhất trí thành lập một đơn vị nội các mới – Văn phòng Trí tuệ pháp lý – nhằm giám sát nỗ lực lập pháp bằng AI.
Rony Medaglia, giáo sư tại Trường Kinh doanh Copenhagen, mô tả kế hoạch dùng AI trong lập pháp của UAE là "rất táo bạo".
Quốc gia vùng Vịnh đang đặt cược lớn vào AI. Nước này lên kế hoạch tạo ra cơ sở dữ liệu khổng lồ bao gồm các luật liên bang và địa phương, cùng với dữ liệu khu vực công như phán quyết của tòa án, dịch vụ công để theo dõi ảnh hưởng của pháp luật đến người dân và nền kinh tế.
Theo Phó Tổng thống Sheikh Mohammad, AI sẽ “thường xuyên gợi ý cập nhật quy định”. Chính phủ kỳ vọng AI sẽ tăng 70% tốc độ soạn thảo luật.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu lưu ý nỗ lực sẽ đối mặt với nhiều thách thức, từ thiên kiến tạo ra trong quá trình đào tạo dữ liệu đến cách diễn giải luật của AI.
Nhà nghiên cứu Vincent Straub của Đại học Oxford cảnh báo, tuy các mô hình AI rất ấn tượng, chúng vẫn gặp vấn đề về độ tin cậy và bền vững. “Chúng ta không thể tin tưởng chúng”, ông nói.
Một trong những kế hoạch của UAE là dùng AI để dự đoán những thay đổi pháp lý cần thiết. Ngoài ra, AI có thể tiết kiệm ngân sách vì các chính phủ thường trả tiền cho các hãng luật để đánh giá lại quy định.
Không rõ chính phủ UAE sẽ dùng hệ thống AI nào để hỗ trợ soạn thảo luật. Các chuyên gia cho rằng có thể kết hợp nhiều mô hình với nhau. Song, tạo ra những lằn ranh và giám sát từ con người đóng vai trò quan trọng.
AI có thể đề xuất một thứ gì đó vô cùng kỳ quái, hợp lý với máy móc nhưng vô nghĩa trong cuộc sống con người, Marina De Vos, nhà khoa học máy tính Đại học Bath nhận xét.
(Theo FT)

Nguồn: https://vietnamnet.vn/quoc-gia-dau-tien-muon-dung-ai-soan-luat-2394131.html
Bình luận (0)