Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chăn nuôi cá lồng: Tận dụng tiềm năng, phát huy hiệu quả - Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Lạng Sơn

Việt NamViệt Nam07/04/2025


- Trong những năm qua, tận dụng lợi thế diện tích mặt nước sông, hồ sẵn có, nhiều hộ dân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã phát triển mô hình chăn nuôi cá lồng, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân trên địa bàn.

Ảnh lớn:  Mô hình chăn nuôi cá lồng tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan  Ảnh nhỏ:  Mô hình nuôi cá lồng tại xã Hùng Việt, huyện Tràng Định
Ảnh lớn: Mô hình chăn nuôi cá lồng tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan Ảnh nhỏ: Mô hình nuôi cá lồng tại xã Hùng Việt, huyện Tràng Định

Nhận thấy điều kiện sẵn có, nhiều tổ chức, hộ gia đình đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi cá lồng và đem lại hiệu quả rõ nét.

Chủ động từ người nuôi

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.300 ha mặt nước. Trong đó có nhiều sông, suối chảy qua địa bàn các huyện, thành phố và 173 hồ chứa, gần 1.500 phai, đập dâng các loại. Trước những tiềm năng, lợi thế như vậy, một số HTX, hộ gia đình ở nhiều địa bàn đã tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định.

Nhận thấy điều kiện thuận lợi về mặt nước khi có dòng sông chảy qua địa bàn, từ nhiều năm trước, một số hộ dân trên địa bàn thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan đã tận dụng để phát triển mô hình nuôi cá lồng. Ông Triệu Văn Vượng, Giám đốc HTX Chăn nuôi cá lồng Tân Minh, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn thị trấn Văn Quan có từ lâu, tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao. Đến năm 2014, HTX Chăn nuôi cá lồng Tân Minh được thành lập với 19 thành viên là các hộ nuôi cá lồng. Tham gia HTX, các hộ thành viên có thêm điều kiện để học tập kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ... qua đó hiệu quả kinh tế không ngừng được nâng lên. Đến nay HTX duy trì nuôi 41 lồng cá trắm cỏ, rô phi, tăng 17 lồng so với năm 2014; thu nhập bình quân mỗi lồng cá bình quân đạt 15 triệu đồng/năm, tăng 20% so với năm 2014.

Tương tự như HTX Chăn nuôi cá lồng Tân Minh, tận dụng lợi thế mặt nước, HTX Dịch vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cũng tập trung phát triển mô hình chăn nuôi cá lồng. Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập năm 2010. Thời điểm đầu đi vào hoạt động, HTX chủ yếu nuôi cá ao với diện tích dưới 1 ha song hiệu quả kinh tế rất thấp. Đến năm 2013, sau khi tìm tòi, học hỏi, HTX đã triển khai nuôi 10 lồng cá ở hồ Vũ Lăng. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, cộng với những điều kiện thuận lợi ở hồ, mô hình nuôi cá lồng của HTX phát triển nhanh chóng, có thời điểm HTX duy trì 37 lồng cá với đa dạng các loại cá như trắm, rô phí, cá lăng... Hiện nay, lợi nhuận 1 lồng cá của HTX đạt 20-40 triệu đồng/năm.

Cùng với 2 đơn vị kể trên, trong những năm qua, nhiều tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã khai thác hiệu quả lợi thế mặt nước và chủ động phát triển mô hình chăn nuôi cá lồng. Đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 567 lồng cá, tăng gấp hơn 2 lần năm 2016. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của mưa, bão dẫn tới một số lồng bị hư hỏng, nên đến nay toàn tỉnh còn 513 lồng cá, tập trung ở các huyện Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn, Lộc Bình.

Bên cạnh sự chủ động của người dân, các cấp, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ tổ chức, cá nhân mở rộng, nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình chăn nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ từ Nhà nước

Để hỗ trợ người chăn nuôi cá lồng, trong những năm qua, các cấp, ngành liên quan đã tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương. Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Tận dụng những lợi thế về sông, suối, hồ, đập, trong những năm qua, các cấp, ngành liên quan đã triển khai tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản nói chung và mô hình nuôi cá lồng nói riêng. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, người dân về nguồn lực, kỹ thuật chăm sóc, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... để từ đó từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế từ mô hình chăn nuôi cá lồng.

Từ sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, các cơ quan chuyên môn nhanh chóng bắt tay vào triển khai các biện pháp cụ thể. Ông Trần Văn Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để hỗ trợ người dân phát triển mô hình chăn nuôi cá lồng, hằng năm, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nguồn lực cho người nuôi cá lồng để tăng thêm số lồng cũng như nâng cao chất lượng cá. Cụ thể, giai đoạn 2021-2024, từ các nguồn vốn khác nhau, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai hỗ trợ người dân phát triển cá lồng với quy mô 131 lồng cá (trong đó vốn sự nghiệp thủy sản triển khai thực hiện 105 lồng cá; vốn khuyến nông trung ương triển khai hỗ trợ thực hiện 26 lồng cá) với các loại cá đặc sản như cá lăng, cá bỗng, nheo... Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh; các hộ dân thực hiện đối ứng 30% và làm lồng nuôi. Tất cả các hộ dân thực hiện mô hình đều được tập huấn kỹ thuật trước khi triển khai.

Thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ dân có thêm nguồn lực, động lực, kỹ thuật để mở rộng quy mô chăn nuôi cá lồng. Ông Linh Văn Thắm, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan chia sẻ: Tận dụng lợi thế diện tích mặt nước sông, những năm trước, gia đình tôi đã đầu tư nuôi 2 lồng cá với các loại cá trắm, chép... Năm 2023, từ sự hỗ trợ của Nhà nước (Nhà nước hỗ trợ 70% con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh), gia đình tôi đã đầu tư thêm 2 lồng để nuôi cá nheo Mỹ. Đến nay sản lượng cá nheo Mỹ nuôi trong lồng của gia đình khoảng 2 tấn, trọng lượng cá đạt từ 2-4 kg/con và đã đến thời điểm cho thu hoạch. Với giá thị trường dao động khoảng 100 nghìn đồng/kg, dự kiến gia đình thu được 200 triệu đồng.

Cùng với hộ dân kể trên, từ sự chủ động của người dân, HTX và sự hỗ trợ của Nhà nước, việc triển khai mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Qua khảo sát thực tế ở các hộ, HTX nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh, năm 2024, bình quân mỗi lồng cá cho thu nhập 15-40 triệu đồng/năm (tùy diện tích lồng và loại cá nuôi), tăng 10% so với năm 2020. Từ việc phát triển mô hình nuôi cá lồng đã góp phần vào sự phát triển thủy sản chung trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh được 1.905,36 tấn, tăng 2,73%, trong đó sản lượng cá nuôi đạt 1.896,46 tấn, tăng 2,59% so với năm 2023.

Từ việc nuôi cá lồng đã góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nuôi cá lồng vẫn còn những hạn chế, trong khi đó, dư địa để phát triển mô hình nuôi cá lồng vẫn còn rất lớn.

Còn nhiều tiềm năng phát triển

Như đã nêu trên, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.300 ha diện tích mặt nước, trong đó có nhiều vị trí sông, hồ, đập thuận lợi cho việc nuôi cá lồng. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển nuôi cá lồng vẫn còn hạn chế (hiện toàn tỉnh có 513 lồng cá với diện tích khoảng 1,85 ha). Diện tích mặt nước để phục vụ nuôi cá lồng vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn thuận lợi cho nuôi cá lồng như hồ chứa nước Bản Lải, hồ thủy điện Thác Xăng...

Bên cạnh thuận lợi về diện tích mặt nước, việc nuôi trồng thủy sản nói chung, trong đó có nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh cũng không gặp quá nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Sau 15 năm nuôi cá, trong đó có 12 năm nuôi cá lồng, HTX luôn gặp thuận lợi trong khâu tiêu thụ. Qua tìm hiểu thực tế của HTX tại thị trường trong tỉnh, nhu cầu tiêu thụ cá của người dân cũng như các cơ quan, đơn vị, trường học khá lớn. Trong khi đó lượng cá được nuôi trong tỉnh mới đáp ứng được một phần, còn lại là cá nhập từ các địa phương khác.

Trước tiềm năng, lợi thế để phát triển mô hình nuôi cá lồng như vậy, thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp để đồng hành cùng người dân phát triển mô hình chăn nuôi cá lồng. Ông Trần Văn Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tham mưu cho cấp trên ban hành văn bản phân vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; tiếp tục quan tâm hỗ trợ triển khai các mô hình tại những vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi cá lồng, trong đó chú trọng phát triển các loài cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho người chăn nuôi cá lồng...

Cùng với đó, cơ quan chuyên môn khuyến khích các HTX, hộ dân mạnh dạn đầu tư vào nuôi cá lồng, trong đó cần thực hiện thủ tục đăng ký nuôi cá lồng bè, nuôi các loại chủ lực theo đúng quy định; tiếp tục đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nuôi cá lồng... Từ đó tiếp tục tăng số lượng lồng cũng như chất lượng cá lồng trên địa bàn.

Với những kết quả đã đạt được cộng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, tin tưởng rằng thời gian tới, mô hình chăn nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa. Từ đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung trên địa bàn.



Nguồn: https://baolangson.vn/chan-nuoi-ca-long-tan-dung-tiem-nang-phat-huy-hieu-qua-5042734.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'
Biển người đổ về Đền Hùng trước ngày chính lễ
Người dân xúc động đón đoàn tàu chở lực lượng tham gia lễ diễu binh từ miền Bắc vào Nam
Tầm cao trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm