Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chế tài đủ mạnh để làm sạch không gian mạng

Bên cạnh những lợi ích to lớn, mạng xã hội đang đối mặt với một vấn đề rất nhức nhối - đó là sự xuất hiện tràn lan của những nội dung phản cảm. Những nội dung này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, cảm xúc người xem mà còn làm lệch lạc nhận thức thẩm mỹ, đặc biệt là với giới trẻ...

Báo Lào CaiBáo Lào Cai14/04/2025


“Hiện tượng" Khá Bảnh và một thời của giới trẻ.

“Hiện tượng" Khá Bảnh và một thời của giới trẻ.

Nội dung phản cảm tràn lan

Nhiều nền tảng mạng xã hội hiện nay tràn ngập các video, thông tin giật gân, nội dung nhạy cảm nhằm câu view. Những hình thức phổ biến của nội dung này thường là tiêu đề giật gân, gây sốc, kích thích trí tò mò.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, mạng xã hội không phải đời thực, song sự tương tác đôi chiều trên không gian đó lại thực, đặc biệt hậu quả mà nó để lại là rất lớn và dai dẳng. Những video, clip có nội dung xấu độc, câu like, câu view bất chấp không chỉ tác động trực tiếp đến hành vi lối sống của con người, mà nguy hiểm hơn, nó thu hẹp những nhận thức tích cực, nhân văn của con người về cuộc sống.

“Những buổi livestream kèm phát ngôn công kích, thô tục không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, mà nó còn ngấm sâu vào nếp nghĩ của người trẻ, dần hình thành nên đời sống tâm lý thích phô trương, cổ vũ lối sống buông thả, thiếu trách nhiệm, rời xa niềm tin tốt đẹp vào giá trị nhân bản. Đây chính là sự nguy hiểm của thế giới mạng, cần cảnh báo và có biện pháp đề phòng từ xa kịp thời”, ông Giang nói.

Điển hình như vụ việc ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) và những người liên quan trong vụ đấu tố tình ái đã gây ồn ào trên mạng xã hội những ngày qua. Kết quả, ồn ào khép lại, ViruSs thu về một khoản tiền lớn từ livestream.

Hay như mới đây, những người có tên, biệt danh là Hồ Văn Khoa, Sơn Sói và Thánh Lầy… gây xôn xao trên mạng xã hội khi liên tục khẩu chiến, thách thức nhau gặp mặt giải quyết. Cuộc tranh cãi này không chỉ thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng mà còn khiến giới trẻ bị cuốn vào với những ảnh hưởng tiêu cực.


Bên cạnh đó, còn có những video nhảm nhí, trêu chọc người khác bằng những câu từ phản cảm quay ở những nơi công cộng đang trở thành một vấn đề nổi cộm trên mạng xã hội. Những video kiểu này cũng vẫn lợi dụng sự tò mò của người tham gia, hoặc cố tình gây sự chú ý bằng những hành động gây sốc.

PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan - Giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, những clip và các buổi phát trực tiếp có nội dung nhảm nhí và bạo lực có tác động rất lớn đến sự hình thành đạo đức và văn hoá trong nhiều người trẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan, những nội dung lệch lạc đó tác động đến nhận thức và tư duy của nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên. Với những nội dung thiếu lành mạnh, cổ xúy cho những hình tượng “mạng” làm cho nhiều người và thanh thiếu niên bị tác động về nhận thức. Khi nhận thức bị lệch lạc và thần tượng những điều xấu thì nhóm này sẽ có xu hướng có suy nghĩ bắt chước học theo. Điều này rất nguy hiểm đối với nhóm trẻ em khi các em đang ở độ tuổi hình thành giá trị đạo đức để học cách phân biệt cái đúng và cái sai.

“Ngoài ra, những nội dung này cũng sẽ làm ảnh hưởng đến hành vi và ứng xử của một số người, trong đó có trẻ em và thanh thiếu niên. Những tác động mang tính sâu xa hơn đó là những ảnh hưởng đến các giá trị, chuẩn mực đạo đức và văn hoá truyền thống. Mặc dù tất yếu con người cần phải thích ứng với thế giới hiện đại, với công nghệ và các hình thức truyền thông khác nhau, tuy nhiên không thể để các hình thức “lạm dụng” công nghệ để phá huỷ giá trị, đạo đức và văn hoá”, bà Lan nhấn mạnh.

Ồn ào tình ái của ViruSs thu hút cộng đồng mạng.

Ồn ào tình ái của ViruSs thu hút cộng đồng mạng.

Còn nhiều lỗ hổng

Với việc nhiều nội dung nhảm nhí, bạo lực… vẫn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng, hiện chúng ta vẫn chưa có bộ công cụ để kiểm soát, phòng ngừa từ xa các nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Những thông tin xấu độc chỉ được phát hiện, xử phạt khi có đơn tố giác, trình báo của công dân hoặc được phát hiện bởi báo chí. Chính lỗ hổng này đã tạo ra những KOLs (người sáng tạo nội dung) có sức ảnh hưởng xã hội không phải bằng sáng tạo nghệ thuật hay từ các hoạt động tích cực, lan tỏa những giá trị nhân văn, mà chủ yếu là bằng các chiêu trò, với nhiều phát ngôn ngông cuồng nhằm tạo trend, lôi kéo người hâm mộ để xác lập "đế chế quyền lực ảo".


“Cùng với đó, chế tài xử phạt đối với các nội dung xấu độc cũng như với các KOL có vi phạm chưa đủ mạnh để tạo nên một "mạng lưới phòng thủ an toàn" cho người dùng mạng xã hội”, ông Giang nhấn mạnh.

Về vấn đề này, luật sư Đỗ Thành Hưng - Công ty Luật TNHH LTH cho rằng, việc ngày càng xuất hiện nhiều video, clip, đặc biệt là những buổi phát trực tiếp với nội dung nhảm nhí, bạo lực trên các nền tảng mạng xã hội không chỉ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến thuần phong mỹ tục mà còn có tác động rất tiêu cực tới giới trẻ.

Theo luật sư Đỗ Thành Hưng, pháp luật hiện nay đã có quy định về chế tài xử phạt trong trường hợp cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, đó mới chỉ là xử phạt vi phạm hành chính, ngoài ra luật cũng chưa quy định cụ thể khái niệm “thuần phong mỹ tục” nên rất khó để xác định hành vi có vi phạm hay không. Hơn nữa, đa số những hành vi này xuất hiện trên không gian mạng vì vậy việc xác định đối tượng vi phạm cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong xác định danh tính.

Không để cái xấu bào mòn giá trị thật

Giải pháp cho vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan, cần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, thông qua việc đẩy mạnh truyền thông với những nội dung lành mạnh, phù hợp với từng lứa tuổi, được thể hiện bằng nhiều hình thức phong phú và hấp dẫn. Đồng thời, cần giúp công chúng nhận diện và tránh xa các nội dung có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là đối với trẻ em.

Cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện khâu sàng lọc kỹ lưỡng trước khi cho phép các sản phẩm này được phát hành, đồng thời áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với tác giả và đơn vị phát tán nội dung sai lệch. Người đưa thông tin sai lệch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan - từ gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội đến các cơ quan chức năng - nhằm đồng hành từ nhận thức đến hành động trong việc bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, trước các luồng thông tin không lành mạnh. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm chủ công nghệ và sử dụng nó một cách hiệu quả, phục vụ cuộc sống hàng ngày.


Còn theo luật sư Đỗ Thành Hưng, để việc xử phạt có được tính ngăn ngừa, không tái phạm, đã đến lúc Bộ VHTTDL cần sớm đưa ra những giải thích, mô tả chi tiết cho khái niệm “thuần phong mỹ tục”. Đây là việc rất cần thiết, bởi hiện có khá nhiều văn bản xử phạt vi phạm hành chính có quy định hành vi bị xử phạt với tình tiết “vi phạm thuần phong mỹ tục”, trong khi điều này chưa được giải thích một cách cụ thể, dễ dẫn đến trong một số trường hợp, việc áp dụng pháp luật một cách cảm tính, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời lại không xử lý được triệt để những hành vi vi phạm.

Cần ban hành bộ quy tắc ứng xử

Chế tài đủ mạnh để làm sạch không gian mạng ảnh 3

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng, ngoài luật an ninh mạng, chúng ta cần ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng xã hội một cách triệt để, trong đó "phong sát" là biện pháp rất đáng lưu tâm, thực hiện. Khi phát hiện bất cứ KOL nào có hành vi lệch chuẩn trong phát ngôn, sản xuất các nội dung xấu độc hoặc lợi dụng chiêu trò để livestream bán hàng, cơ quan chức năng cần cấm hoạt động ngay những cá nhân đó trên mọi nền tảng mạng xã hội. Song song với biện pháp "phong sát" thì cần nâng cao mức xử phạt hành chính, từng bước nghiên cứu, bổ sung các điều kiện để khởi tố hình sự đối với hành vi sản xuất, phát tán thông tin xấu độc gây thiệt hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.


Theo daidoanket.vn


Nguồn: https://baolaocai.vn/che-tai-du-manh-de-lam-sach-khong-gian-mang-post400171.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm