Các lực lượng vũ trang giải phóng tiến vào Ngọ Môn (Huế) sáng 26-3-1975. Ảnh: TTXVN
Trị Thiên - Huế là vùng đất dài và hẹp từ sông Bến Hải đến đèo Hải Vân, phía tây là vùng rừng núi cao, phía đông là biển. quốc lộ 1 là đường giao thông huyết mạch đi về phía nam, qua đèo Hải Vân hiểm trở, dễ bị chia cắt. Với vị trí tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Trị - Thiên trở thành một chiến trường có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, quân sự đối với cả ta và địch.
Từ sau cuộc tiến công chiến lược năm 1972, địch điều thêm 2 sư đoàn thuộc lực lượng dự bị chiến lược (Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến và Sư đoàn Dù) bố trí ở Trị - Thiên và Đà Nẵng, xây dựng Quân khu 1 thành một trong những trung tâm Quân sự mạnh nhất ở miền Nam Việt Nam. Đến đầu tháng 3.1975, trên địa bàn Trị Thiên - Huế, lực lượng địch có khoảng 56 nghìn quân (chủ lực 28.500), gồm Sư đoàn Bộ binh 1 (4 trung đoàn), Sư đoàn Thủy quân lục chiến (3 lữ đoàn 147, 258 và 369), Lữ đoàn Dù 2, Liên đoàn Biệt động quân 15, 2 liên đoàn và 21 đại đội bảo an, 319 trung đội dân vệ; 10 tiểu đoàn pháo binh với 194 pháo từ 105 đến 175mm; 3 thiết đoàn thiết giáp (260 xe tăng, xe thiết giáp)…
Trong quyết tâm tác chiến chiến lược năm 1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh nhận định: Trị Thiên và Khu 5 là hướng chiến lược quan trọng: "Chiến trường Trị Thiên - Huế là chiến trường có nhiều thuận lợi hơn các chiến trường khác vì gần Trung ương, có điều kiện chuẩn bị, bổ sung cơ sở vật chất kịp thời. Nếu ta tiến công mạnh, làm chủ chiến trường Trị Thiên - Huế, phá vỡ hệ thống phòng ngự ở Quân khu 1, giam chân lực lượng cơ động chiến lược của địch, sẽ tạo nên sự chuyển biến mới về so sánh lực lượng và thế chiến lược xuống phía Nam, giải phóng các tỉnh Nam Bộ”.
Sau khi nhận định đánh giá về tình hình, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cụ thể cho chiến trường Trị Thiên - Huế trong năm 1975 là: “Đánh bại về cơ bản bình định của địch, tạo ra ở Trị Thiên - Huế một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để chuẩn bị cho giành thắng lợi trong năm 1976, giải phóng hoàn toàn Trị Thiên - Huế”.
Quán triệt nhiệm vụ cấp trên, đầu năm 1975, nhằm phối hợp với Tây Nguyên và Khu 5, Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 đã mở chiến dịch tiến công địch trên địa bàn Quảng Trị và Thừa Thiên nhằm: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh phá về cơ bản kế hoạch bình định của chúng ở Trị - Thiên, tích cực tạo thời cơ và sẵn sàng chớp thời cơ tiến lên giành thắng lợi lớn.
****
Ngày 5-3-1975, phối hợp với chiến trường chính Tây Nguyên, Quân khu Trị - Thiên bắt đầu nổ súng tiến công địch. Sau thắng lợi lớn của Quân giải phóng ở Tây Nguyên và sự điều động lực lượng chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu đã làm cho địch ở Trị Thiên - Huế hoang mang. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy Sài Gòn vội vã triệu tập các tướng lĩnh bàn cách bố trí lại lực lượng. Tuy nhiên, sự điều chỉnh lực lượng của địch chỉ là sự “chắp vá” để đối phó thụ động với Quân giải phóng. Trước diễn biến mau lẹ của chiến trường, ngày 17-3-1975, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Trị - Thiên họp hạ quyết tâm kiên quyết sử dụng toàn bộ lực lượng, chủ động, táo bạo, bất ngờ tiến công trên hai hướng: Hướng Đông từ thôn Thanh Hội theo trục Đường 68; hướng Tây từ Tích Tường, Như Lệ theo Đường 1 tiến vào phía Nam.
Xe thiết giáp cùng nhiều khí tài chiến đấu của địch vứt lại bừa bãi ở Huế trong lúc tháo chạy. Ảnh: TTXVN
Với sức tiến công táo bạo, khẩn trương, các mũi tiến công đồng loạt diễn ra từ đêm 18 đến chiều tối 19-3-1975, tỉnh Quảng Trị được giải phóng, tuyến phòng thủ địa đầu phía Bắc của địch đứng trước nguy cơ tan vỡ hoàn toàn. Phối hợp với Quảng Trị, ở khu vực phía Bắc tỉnh Thừa Thiên, bộ đội chủ lực cùng bộ đội địa phương, dân quân, du kích phát động quần chúng nổi dậy tiến công, tiêu hao, tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ.
Ngay chiều 19-3-1975, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên họp và nhận định thời cơ lớn đã đến, nhanh chóng chuẩn bị phương án, kế hoạch giải phóng Thừa Thiên - Huế. Bộ Tư lệnh Quân khu lệnh cho Tỉnh đội Quảng Trị không được dừng lại, thừa thắng xông lên, trực tiếp sử dụng lực lượng vũ trang phát triển xuống phía Nam, bám địch mà đánh và nhấn mạnh: “Dừng lại là một tội lỗi không thể tha thứ được”. Ngày 20-3-1975, Bộ Tổng Tư lệnh điện biểu dương tinh thần chiến đấu của Quân khu Trị - Thiên và chỉ thị tiếp tục tiến công, không dừng lại ở Mỹ Chánh... tiêu diệt địch ở Huế, bịt chặt cửa biển Thuận An, không cho địch rút chạy theo hướng biển.
Thời điểm đó, mặc dù quân địch hoang mang đến tột độ, nhưng lực lượng vẫn còn đông và có ý định cố thủ ở Huế đến cùng. Chấp hành chỉ đạo của trên, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Trị - Thiên họp, quyết định: “Tranh thủ thời cơ, dốc toàn lực giải phóng Thừa Thiên - Huế...”. Ngày 20-3-1975, mọi công tác chuẩn bị tiến công giải phóng Thừa Thiên - Huế cơ bản đã hoàn thành. 5 giờ 40 phút ngày 21-3-1975, đợt tiến công giải phóng Thừa Thiên - Huế chính thức bắt đầu. Sau 4 ngày tiến công mạnh mẽ, quyết liệt, các mũi tiến công của Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 đã hợp điểm đầy đủ trong TP. Huế. Trưa 25-3-1975, toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền ở Trị Thiên - Huế bị tan rã.
Từ là hướng phối hợp với Chiến dịch Tây Nguyên, khi thời cơ đến, Quân khu Trị -T hiên đã tổ chức tiến công mạnh mẽ, quyết liệt, táo bạo, đẩy địch vào thế hoang mang, bị động, lúng túng, làm tan rã cả một tuyến phòng thủ chiến lược của địch.
***
Sau hơn 20 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 5 đến ngày 26-3-1975), cuộc tiến công và nổi dậy trên địa bàn Trị Thiên - Huế đã giành thắng lợi. Các lực lượng Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên đã tiêu diệt và làm ta rã toàn bộ quân địch ở Trị Thiên - Huế. Ta thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh gồm 140 xe tăng thiết giáp, 800 xe tải, 1 vạn tấn đạn.
Chỉ trong một thời gian ngắn, quân dân Trị Thiên - Huế cùng Quân đoàn 2 đã đập tan một hệ thống quân sự trọng yếu, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn một bộ phận bộ máy quân sự to lớn gồm nhiều đơn vị sừng sỏ, có một phần lực lượng tổng dự bị chiến lược, cùng các loại vũ khí trang bị hiện đại của địch. Hệ thống ngụy quyền, bộ máy kìm kẹp lâu năm và tàn bạo của chúng đã xây dựng trong 20 năm bị quét sạch, hàng vạn nhân viên ngụy quyền các cấp bị tan rã…
Thắng lợi của Chiến dịch đã giải phóng hoàn toàn Trị Thiên - Huế và làm sụp đổ một bộ phận trọng yếu trong toàn bộ hệ thống phòng thủ chiến lược của địch ở phía Bắc.
H.Anh (tổng hợp)
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/chien-dich-tri-thien-hue-don-tien-cong-quan-trong-trong-cuoc-tong-tien-cong-va-noi-day-mua-xuan-n-14042025-a145163.html
Bình luận (0)