Ảnh minh họa
Ai cũng biết đọc sách là “chìa khóa vạn năng” để mỗi chúng ta làm hành trang vững chắc, bồi đắp tầm hiểu biết vươn ra tới biển cả tri thức. Thế nhưng, dường như chúng ta đang thờ ơ với sách hoặc nếu có thì miễn cưỡng. Theo thống kê, trung bình mỗi người dân Việt Nam đọc 4 cuốn sách/năm (kể cả sách giáo khoa).
Những người “sờ” đến sách nhiều chủ yếu là học sinh, sinh viên, giáo viên, các cán bộ, họ tìm sách với mục đích phục vụ học tập, chuyên môn của mình. Một số ít đam mê thật sự bỏ tiền mua sách sưu tầm, tìm tòi và phát triển kiến thức, kỹ năng. Một số lại tìm đến sách để giải trí như đọc truyện tranh, sách văn học nổi tiếng. Một số khác lại chạy theo phong trào, thấy người ta đọc cũng mua đọc theo nhưng lại nhanh chóng chán, vứt sách vào góc tủ.
Hiện nay, văn hóa đọc ở mỗi người, đặc biệt là giới trẻ bị ảnh hưởng bởi sự đa dạng các loại hình đa phương tiện, mạng xã hội. Theo đó, văn hóa đọc và thói quen đọc sách dần bị mất đi. Thay vì đọc một quyển sách, nhiều người chọn lướt mạng xã hội để xem các chương trình giải trí. Một số khác thì lại ảnh hưởng bởi cuộc sống, ít có thời gian dành cho việc đọc sách.
Để phát triển văn hóa đọc, mỗi người cần tạo cho mình thói quen đọc và tìm kiếm những điều thú vị qua việc đọc. Hình thành thói quen đọc sách bắt đầu từ từng gia đình, cha mẹ làm gương cho các con; nhà trường, thầy cô tuyên truyền, giới thiệu sách, tầm quan trọng của sách tới học sinh, khơi dậy niềm đam mê đọc sách.
Đọc sách là một quá trình để ta suy ngẫm, tư duy với từng con chữ mà tác giả đã truyền tải. Thông qua việc đọc, con người ta sẽ tích lũy được vốn hiểu biết, cách cư xử, văn hóa, lịch sử và nhiều vấn đề khác. Mỗi cá nhân hãy tạo cho mình thói quen đọc sách, học hỏi những điều hay từ sách. Qua đó, góp phần duy trì và lan tỏa văn hóa đọc./.
Tăng Hoàng Phi
Nguồn: https://baolongan.vn/ngam-ve-van-hoa-doc-a193488.html
Bình luận (0)