Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chiếu sáng thông minh, thân thiện môi trường

Sau 14 năm thực hiện Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 11/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025, sự phát triển vượt bậc của hệ thống đô thị trong nước, của khoa học-công nghệ hiện đại đã đặt ra yêu cầu cần phải kiểm soát việc ứng dụng, lắp đặt và sử dụng ánh sáng nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, môi trường cho con người và mỹ quan đô thị...

Báo Nhân dânBáo Nhân dân31/03/2025

Hiện nay, các đô thị ở nước ta chủ yếu sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng lắp đặt cố định, có kiểm soát. Theo thống kê của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), đến cuối năm 2024, hệ thống chiếu sáng đô thị từ cấp III trở lên ở nước ta đạt gần 100% đối với các đường phố chính; khoảng 95% đối với đường ngõ, xóm.

Tuy nhiên, tại thời điểm công nghệ đèn LED chưa phát triển, nhiều địa phương đã sử dụng và vẫn duy trì sử dụng các loại đèn chiếu sáng như huỳnh quang compact, cao áp sodium, halide metal... cho mục đích chiếu sáng đô thị cũng như các mục đích khác.

Nhiều công trình nhà cao tầng, trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ, nhà máy, xưởng sản xuất, các loại biển, bảng quảng cáo sử dụng đèn chiếu sáng… và các công trình thuộc sở hữu cá nhân vẫn sử dụng hệ thống chiếu sáng công nghệ cũ. So với đèn LED, những loại đèn chiếu sáng nêu trên có mức độ tiêu thụ điện năng lớn, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người, độ phát thải lớn hơn nhiều so với đèn LED.

Tiến sĩ Lê Hải Hưng, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên Ban Khoa học công nghệ Hội Chiếu sáng Việt Nam, cho rằng: Kỹ thuật chiếu sáng là khoa học đa ngành, gồm nhiều lĩnh vực như điện, điện tử, vật lý, kỹ thuật trắc quang… Để đáp ứng yêu cầu hiện nay, người làm trong lĩnh vực chiếu sáng cần phải được trang bị thêm kỹ thuật điều khiển, trí tuệ nhân tạo và am hiểu yếu tố môi trường trong hoạt động chiếu sáng… Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, ánh sáng có ảnh hưởng quan trọng tới sức khỏe thị giác và kích thích tế bào ung thư phát triển, nếu con người hoạt động thời gian dài trong môi trường ánh sáng không an toàn. Những nghiên cứu về thị giác đã giải thích cơ chế tác động của ánh sáng do kích thích các tế bào cảm quang trong võng mạc là tế bào hình nón (cone) cho hoạt động nhìn ban ngày và hình que (rod) vào ban đêm. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp chiếu sáng phù hợp mà không làm ảnh hưởng tới thị giác. Ngoài ra, tác động khác của ánh sáng đến sức khỏe là vùng phổ ánh sáng bước sóng ngắn, năng lượng cao gây nám da, lão hóa da và kích thích tế bào gây ung thư da.

Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ 4.0, công cuộc kiến tạo đô thị thông minh và sử dụng năng lượng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện môi trường, hướng tới Net Zero, cho thấy hoạt động chiếu sáng và kiểm soát chiếu sáng đô thị cần phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Những nghiên cứu về an toàn chiếu sáng cho thấy việc tích hợp công nghệ Internet of Thing (IoT) vào hệ thống chiếu sáng giúp cho việc kiểm soát ánh sáng hiệu quả, tiết kiệm đáng kể năng lượng và giảm tác hại đối với sức khỏe, môi trường.

Tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Minh, Chuyên gia Tư vấn trưởng về chuyển đổi số của công ty, công ty đã nghiên cứu và phát triển “Giải pháp chiếu sáng IoT”, bao gồm công nghệ điều khiển và giám sát toàn bộ hệ thống từ xa; điều khiển toàn bộ hoặc cục bộ hệ thống, thay đổi cường độ ánh sáng; quản lý hệ thống theo thời gian thực trên bản đồ GIS; tự động báo lỗi… Đặc biệt, giải pháp này có thể hoạt động độc lập ngay cả khi mất kết nối với trung tâm điều khiển.

Một số mô hình do đơn vị này triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bến Tre cho thấy tiết kiệm được 70-80% chi phí quản lý, vận hành, chi phí điện năng. Trong khi đó, mức phát thải về môi trường được giảm thiểu và hiệu quả về mặt quản lý, xã hội được ghi nhận tích cực.

Chiếu sáng đô thị là một trong những yếu tố quan trọng hình thành đô thị thông minh, hiện đại, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021, đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Vì vậy, hướng đến môi trường đô thị thông minh, hiện đại, thân thiện, hoạt động chiếu sáng đô thị thời gian tới cần góp phần phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ, thông minh, giảm thiểu và từng bước đưa về mức phát thải ròng bằng 0.

Theo các chuyên gia về lĩnh vực chiếu sáng đô thị, cần đồng bộ thực hiện các giải pháp về ứng dụng và triển khai công nghệ chiếu sáng nhằm tiết kiệm năng lượng, mang lại hiệu quả cao và thân thiện môi trường.

Cần áp dụng giải pháp quản lý thông minh, tự động hóa; nghiên cứu ứng dụng giải pháp năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, có cơ chế khuyến khích xã hội hóa các thành phần kinh tế tham gia phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị; có quy định về hạn mức phát thải và tăng cường kiểm soát các hoạt động chiếu sáng gây ô nhiễm, không bảo đảm mỹ quan đô thị và gây hại cho sức khỏe con người. Nhà nước cần có chính sách về quản lý trong đầu tư, phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị hiệu quả; đồng thời có quy định, cơ chế, chính sách xã hội hóa đối với hoạt động đầu tư, xây dựng, cải tạo, vận hành hệ thống chiếu sáng.

Nguồn: https://nhandan.vn/chieu-sang-thong-minh-than-thien-moi-truong-post868902.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm