Người dân mang đến chợ phiên nhiều sản vật của núi rừng. |
Phần lớn đồng bào xuống chợ trên nhũng con đường mòn ngoằn ngoèo giữa rừng, chiếc xe máy lọc xọc không vội vã, không sốt ruột, cứ thế lăn bánh qua những bản làng còn đang mơ ngủ.
Gần tới chợ, chúng tôi đã nghe văng vẳng tiếng nói cười khúc khích của các cô gái Mông, Dao… váy áo rực rỡ. Cái cách họ kéo nhau đi chợ giống như đi hội - có chờ mong, có rộn ràng và có cả niềm vui trong ánh mắt.
Không cần đến những cửa hàng trang hoàng lộng lẫy, không cần bảng hiệu phô trương, ở đây, mỗi tấm bạt đơn sơ, mỗi bao tải gối đầu trên đá là một “gian hàng”. Và cũng chính nơi ấy, văn hóa hiện lên sống động qua từng sắc váy, từng nếp khăn, từng cái nhìn e ấp hay cái bắt tay siết chặt.
Ở chợ, người ta bán từ con gà, bó củi, đọt măng rừng, hồn nhiên trao nhau nụ cười và kề cà những câu chuyện đời. Có người đi chợ chẳng mua gì, chỉ để gặp người quen, nói dăm ba câu chuyện, uống với nhau chén rượu ngô. Cũng có người gùi hàng đi từ 3 giờ sáng, bán xong chỉ kịp mua cân muối, mớ cá khô... rồi lại lội suối, trèo đèo về nhà.
Chợ phiên cuốn hút bởi rực rỡ váy của các cô gái Mông, Dao được thêu thùa tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Ấn tượng là chiếc váy xòe nhiều nếp gấp của phụ nữ Mông cứ rung rinh theo nhịp bước chân. Phụ nữ Mông thường mặc trang phục truyền thống rực rỡ, họ tự tin như đó là thứ “vũ khí” đẹp nhất để thu hút ánh mắt của những người xung quanh.
Bên gian hàng rau rừng, các bà, các chị nâng niu từng bó măng non, ống cơm lam, rổ trứng gà... Tất cả mộc mạc, thật thà như đều mang theo hơi thở của núi.
Xa xa phía cuối chợ, mấy ông bà người Tày ngồi bên gốc cây quây quần, trước mặt là đĩa bánh ngô, chuối luộc, vài chén rượu. Họ trò chuyện, cười nói ríu rít.
Ở góc khác, vài người phụ nữ hớn hở trò chuyện, hỏi han nhau về chồng con, mùa vụ... Đó là văn hóa sống động, truyền đời và bền bỉ.
Sự mộc mạc, giản dị của người bán - mua ở chợ phiên. |
Phiên chợ vùng cao không chỉ là nơi buôn bán hàng hóa mà còn là bản giao hưởng của ngôn ngữ, của sắc tộc, của âm thanh văn hóa. Tiếng Mông cao vút như lướt qua đỉnh đồi; tiếng Dao nhẫn nại, mềm mại như dòng suối; tiếng Tày ấm áp, thân thương như bếp lửa chiều.
Người ta chào nhau, hỏi thăm nhau bằng tiếng mẹ đẻ, và ai cũng hiểu bằng ánh mắt, bằng nụ cười và sự mến khách chân thành.
Dừng chân bên một sạp hàng được bày bán đơn sơ dưới nền đất, chị bán hàn nở nụ cười hiền hậu, mời chúng tôi mua hàng bằng tiếng phổ thông lơ lớ. Giọng chị mộc mạc mà khiến lòng tôi ấm lên như vừa nhấp chén rượu ngô.
Gặp anh Giàng A Páo, người Mông ở bản Lũng Luông, mang theo một con gà trống và mấy bó măng khô. Bán được hơn 2 trăm nghìn, anh Páo chia sẻ đang phân vân giữa việc mua thịt lợn hay mua bộ quần áo mới cho con. Sau cùng, anh chọn mua bộ quần áo mới. “Trẻ sẽ vui lắm ớ... Có ít tiền mà vợ dặn mua nhiều thứ quá, chả biết có đủ mua không!” - Anh Páo cười hiền chia sẻ.
Đến chợ là dịp các bà, các chị được cùng nhau tâm tình, trò chuyện. |
Người đi chợ không phải lúc nào cũng đủ đầy, nhưng họ vẫn phải đến chợ, vẫn mang theo nụ cười, sự giản dị rất riêng. Ngoài những trao đổi hàng hóa, chợ còn là nơi trao gửi câu chuyện, tin tức, bài học… Phụ nữ ngồi quây quần cạnh chợ, chia sẻ nhau bí quyết thêu thùa, chăm sóc con, bí quyết làm nhiều loại bánh; thanh niên trao đổi nhau những bản nhạc, điệu khèn mới tập; người già trao truyền những câu chuyện xưa, những cách giữ gìn phong tục đạo lý vùng cao…
Chợ phiên là nơi giao thoa giữa các dân tộc, tạo nên sự phong phú cho bức tranh đời sống nơi đây. Chúng tôi trở thành một phần của phiên chợ, của dòng người, của niềm vui nho nhỏ và sự ấm áp thầm lặng. Thấy mình đang sống chậm lại, cảm được từng nhịp thở của đất trời, và nhận ra rằng, giữa cuộc sống ồn ào, nơi đây có những nét chấm phá đầy cuốn hút.
Mặt trời lên đến đỉnh núi, tiếng người vơi dần. Những gùi hàng đã nhẹ đi, tiếng chân lẫn vào nhau trên đường mòn trở về. Người đi bộ, người dắt xe, người lặng lẽ, người cười nói. Họ chào nhau, hẹn nhau phiên sau gặp lại. Bà Triệu Thị Mến người Dao ở Vũ Chấn bảo: “Phiên chợ vui thế, già trẻ ai chả muốn đi. Không mua gì thì gặp nhau chuyện trò cho đỡ nhớ…”.
Chúng tôi rời chợ, bóng nắng nghiêng nghiêng đổ dài trên con đường nhỏ. Một ngày trôi qua, không ồn ào, không gấp gáp, chỉ có niềm vui len lỏi trong từng ánh mắt, nụ cười. Nơi ấy, mỗi sắc váy, mỗi tiếng khèn, mỗi câu chào hỏi… đều là một nốt nhạc trong bản hòa ca bất tận giữa trời đất và con người.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/cho-phien-ban-hoa-ca-cua-vung-cao-7630ffe/
Bình luận (0)