Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Chiều 14.4, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã tiến hành phiên họp, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân14/04/2025

img-1824.jpg
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Nghĩa Đức

Dự cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh; Thường trực Ủy ban Kinh tế và Ngân sách; đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, UBND thành phố…

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra nhiều quy định đột phá so với các cơ chế, chính sách hiện hành, nhằm thu hút đầu tư, phát triển thị trường tài chính, thu hút tài năng, người lao động.

Trong đó, một số chính sách hoàn toàn mới về ngân hàng, tín dụng như phát hành và lưu thông tiền ảo, tiền số… sẽ tạo những công cụ linh hoạt thúc đẩy các giao dịch tài chính.

tt-bo-tc.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Nghĩa Đức

Nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, tại phiên họp, các đại biểu khẳng định, việc xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế sẽ góp phần kết nối Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút đầu tư tài chính nước ngoài, tạo nguồn lực đầu tư mới, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các đại biểu cũng góp ý về mô hình một trung tâm tài chính đặt tại hai thành phố; phạm vi quy định và nguyên tắc áp dụng pháp luật; nguyên tắc thành lập, hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế; các cơ quan quản lý, tổ chức trực thuộc Trung tâm tài chính quốc tế, Cơ quan giám sát Trung ương về Trung tâm tài chính quốc tế… Đồng thời, cho ý kiến về chính sách ngoại hối, ngân hàng, chính sách thuế áp dụng tại Trung tâm tài chính quốc tế, chính sách lao động, đặc biệt là chính sách khung thử nghiệm pháp lý cho Fintech và đổi mới sáng tạo.

mai.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi lưu ý, việc thành lập và triển khai hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là vấn đề mới, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế của nước ta. Đặc biệt, cần phân tích rõ những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách đột phá dự kiến áp dụng cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Các chính sách cần được xây dựng trên tinh thần mở tối đa, quản lý có chừng mực để có thể khai thác hiệu quả lợi ích của quốc gia đi sau trong xây dựng và phát triển mô hình trung tâm tài chính này.

z6504882093569-0cd47c6e5d0fc9d823d57537fb8c5653.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Thị Lưu Mai phát biểu kết luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Thị Lưu Mai cho biết, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế là chủ trương đúng đắn, có đầy đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, phù hợp với tiến trình phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Để đạt được sự đồng thuận cao nhất và đảm bảo tính thuyết phục, Bộ Tài chính cần tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện Tờ trình. Việc cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng là yếu tố then chốt để tạo sự đồng thuận và ủng hộ đối với Đề án.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng nhấn mạnh, các quy định tại dự thảo Nghị quyết phải bảo đảm tính hợp hiến, thể chế hóa đúng đắn chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị; chính sách cần thực sự mang tính đột phá, vượt trội để tạo thế cạnh tranh quốc tế; có quy định về cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa các địa phương để mang lại hiệu quả tổng thể; với các chính sách, cơ chế có tính chất vượt trội so với quy định pháp luật hiện hành, cần thiết phải xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền…

toan-canh-6900.jpg
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Nghĩa Đức

Để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, dự thảo Nghị quyết chỉ nên quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc; những vấn đề đã rõ và mang tính ổn định cao; giao Chính phủ, địa phương quy định hướng dẫn những nội dung cụ thể, bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong quản lý, điều hành.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/cho-y-kien-du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-viet-nam-post410214.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm