Chứng khoán lao dốc khiến nhà đầu tư lo lắng, mất bình tĩnh - Ảnh: BÔNG MAI
Phản ánh hoảng loạn diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt, sau khi tổng thống Donald Trump công bố Việt Nam bị áp thuế đối ứng lên tới 46%, thuộc top đầu những quốc gia bị Mỹ áp thuế đối ứng cao.
Sốc, không thiết ăn uống khi nhìn chứng khoán giảm kỷ lục
Ngay khi khởi động phiên giao dịch hôm nay 3-4, sắc đỏ lập tức tràn vào sàn chứng khoán. Áp lực bán lan mạnh khiến hàng loạt mã cũng không trụ nổi ở sắc đỏ, nhanh chóng lao xuống giá sàn với màu xanh lơ.
Bước sang phiên chiều, tình hình trở nên căng thẳng hơn, thị trường bị "đổ thêm dầu vào lửa", cổ phiếu tiếp tục bị dồn dập bán ra hơn. VN-Index nhanh chóng rớt hơn 88 điểm (-6,6%) lùi về mốc 1.229 điểm, sau đó tiếp tục giằng co mạnh.
Như vậy, lịch sử thị trường chứng khoán Việt vừa chứng kiến pha giảm kỷ lục trong một phiên giao dịch, chỉ số VN-Index biến động mạnh và giảm sâu hơn cả thời đại dịch COVID-19.
"Chứng khoán mới về bờ cỡ một tháng nay, giờ đột ngột giảm sốc. Hết muốn ăn uống gì luôn", anh Thanh Tiến (nhà đầu tư, TP.HCM) bày tỏ.
Nổi tiếng với danh xưng "hoa hậu chứng khoán", hoa hậu Mai Phương Thúy cũng đăng tải trên trang cá nhân một bức ảnh về phiên giao dịch nổi bật với hai tông màu chủ đạo đỏ lửa - xanh lơ, kèm cảm thán: Trời ơi lâu không ngó bảng điện.
Trong phiên, các cổ phiếu gây áp lực lớn khiến chỉ số VN-Index lao dốc phải kể đến: VCB (Vietcombank), BID (BIDV), CTG (Vietinbank), TCB (Techcombank), VIC (Vingroup), FPT, VHM (Vinhomes), HPG (Hoà Phát), GAS (PetroVietnam Gas), MBB (MBBank)...
Bất chấp giá vàng tăng, cổ phiếu của PNJ (doanh nghiệp duy nhất trong ngành vàng bạc đã niêm yết trên sàn chứng khoán) cũng bị bán tháo, nằm sàn.
Xét theo lĩnh vực kinh doanh, nhóm ngành bị giảm mạnh gồm: viễn thông, vận tải, năng lượng, dịch vụ tài chính, phân phối - bán lẻ hàng lâu bền, phần mềm, hàng tiêu dùng - trang trí, đồ gia dụng - cá nhân, bảo hiểm, tổ chức tín dụng, dịch vụ chuyên biên - thương mại, nguyên vật liệu, thực phẩm - đồ uống, thuốc lá, bất động sản…
Nên tháo chạy hay ở lại thị trường chứng khoán?
Nắm bắt sát sao diễn biến thị trường, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến những pha lao dốc đáng chú ý. Tuy nhiên diễn biến giảm mạnh của phiên hôm nay còn dữ dội hơn cả thời đại dịch COVID-19 và biến động của năm 2022.
Thông qua kinh nghiệm, ông Minh nhìn nhận: "Hoảng loạn, bán tháo kiểu này không có lợi gì, cũng không tốt cho bản thân tài sản mình. Quan trọng nhất là nhà đầu tư phải đánh giá vấn đề, xem vị thế mình đang có, tính toán có thực sự phải "bỏ chạy" hay nên tiếp tục ở lại thị trường."
Về chiến lược, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) cao, cần cân nhắc hạ xuống thấp, để tránh bị kích hoạt bán khống khiến tổn thất trở nên trầm trọng hơn. Nếu vẫn giữ khối tiền mặt cao, có thể xem xét việc mua thăm dò với tỉ trọng thấp, tuỳ vào khẩu vị rủi ro trong đầu tư.
Về khối ngành bị ảnh hưởng từ chính sách áp thuế của Mỹ, ông Minh cho rằng linh kiện điện tử bị xếp vào top đầu. Tuy nhiên, nhóm này lại đa phần rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt thuộc các ngành gỗ, giày dép, hải sản (đặc biệt là tôm)... bị tác động khá tiêu cực từ việc bị áp thuế. Nhiều ngành khác dù không bị gián đòn trực tiếp nhưng cũng liên đới, điển hình trong số đó là ngân hàng.
Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, thời gian tới có thể diễn ra tình trạng công ty chứng khoán margin call (gọi ký quỹ), kích hoạt "bán khống" cổ phiếu của những khách hàng đã chạm ngưỡng nguy hiểm, nhằm giúp công ty chứng khoán hạn chế thất thoát dòng vốn đã cho khách hàng vay.
Diễn biến này cũng sẽ tác động đến thị trường chung. Nhà đầu tư cần bám sát các diễn biến, để kịp thời đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chung-khoan-giam-ky-luc-gioi-dau-tu-xanh-mat-khong-thiet-an-uong-20250403105303175.htm
Bình luận (0)