Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyển đổi nghề nghiệp sau tinh giản: Thách thức mở ra cơ hội

NDO - Việt Nam đang thực hiện tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước. Điều này đặt ra thách thức lớn về chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động khu vực công. Bên cạnh việc tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ lao động khu vực công chuyển đổi nghề nghiệp thì quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi hơn khi chính người lao động thay đổi tư duy, sẵn sàng đón nhận thử thách và linh hoạt trong lựa chọn nghề nghiệp.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân02/04/2025

Thách thức lớn nhất đến từ tâm lý thích nghi

Tinh giản biên chế là một trong những chiến lược quan trọng nhằm cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về mặt tổ chức, chính sách này cũng đặt ra không ít thách thức.

Theo PGS, TS Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một trong những thách thức đầu tiên phải kể đến trong quá trình sắp xếp lại bộ máy hành chính là chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan sau sáp nhập. Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự cũng là một bài toán nan giải. Tinh giản biên chế đồng nghĩa với việc nhiều cán bộ sẽ dôi dư, vấn đề đặt ra là họ sẽ đi đâu, làm gì? PGS,TS Lê Thị Thanh Hà đặt vấn đề và cho rằng, thách thức không chỉ nằm ở cơ cấu tổ chức mà còn ở tâm lý và tư tưởng của đội ngũ cán bộ.

Chuyển đổi nghề nghiệp sau tinh giản: Thách thức mở ra cơ hội ảnh 1

PGS,TS Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

“Quá trình đổi mới cách đây 40 năm từng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, và hiện nay, sau một thời gian dài gắn bó với hệ thống hiện tại, việc thay đổi một lần nữa trở thành rào cản lớn. Trong tất cả những khó khăn, thay đổi tư duy, văn hóa làm việc và tâm lý thích nghi có lẽ là thách thức lớn nhất” - PGS,TS Lê Thị Thanh Hà chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động ở khu vực công sau tinh giản biên chế” do Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào tháng 3 vừa qua, với chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp.

PGS,TS Nguyễn Thị Minh Nhàn, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại Trường đại học Thương mại cho rằng: Một trong những thách thức hiện nay là sự chênh lệch giữa cung và cầu lao động, đặc biệt đối với lực lượng rời khỏi khu vực công sau tinh giản biên chế.

Chuyển đổi nghề nghiệp sau tinh giản: Thách thức mở ra cơ hội ảnh 2

PGS,TS Nguyễn Thị Minh Nhàn, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại Trường đại học Thương mại

“Những lao động này có thế mạnh về kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp hiệu quả nhưng lại gặp khó khăn trong ngoại ngữ, thích ứng với thay đổi, linh hoạt và công nghệ. Đồng thời, kinh nghiệm làm việc lâu năm của họ lại không phải là ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp hiện nay” - PGS,TS Nguyễn Thị Minh Nhàn chỉ ra.

Để thích ứng, người lao động cần thay đổi tư duy, chủ động học hỏi, nâng cao kỹ năng và xây dựng lộ trình nghề nghiệp phù hợp, trong đó có thể cân nhắc khởi nghiệp. Về phía nhà nước và doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, tư vấn nghề nghiệp và khai thác tiềm năng từ lực lượng này để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động.

Chuyển đổi nghề không phải mất mát, mà là cơ hội

Dù chuyển đổi nghề nghiệp sau tinh giản biên chế là một thách thức lớn, nhưng nếu có sự chuẩn bị tốt, đây cũng có thể là một cơ hội để người lao động khu vực công làm mới bản thân, tìm kiếm hướng đi phù hợp hơn. Thực tế đã chứng minh, nhiều người sau khi rời khu vực công đã thành công trong lĩnh vực mới, từ quản lý doanh nghiệp, giảng dạy, tư vấn đến khởi nghiệp.

PGS,TS Đỗ Hương Lan, Viện trưởng Viện Chính sách và quản lý, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh: “Chuyển đổi nghề không phải là mất mát, mà là cơ hội cho người lao động”.

Chuyển đổi nghề nghiệp sau tinh giản: Thách thức mở ra cơ hội ảnh 3

PGS,TS Đỗ Hương Lan, Viện trưởng Viện Chính sách và quản lý, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Ông Đặng Đình Phúc, chuyên viên chính phụ trách Chuyển đổi số Vụ Tổ chức - Biên chế Bộ Nội Vụ chia sẻ: “Tôi không lo lắng khi bước vào khu vực tư nhân, vì ở đó quy trình làm việc, tiêu chuẩn và mô tả công việc (job description) đều rõ ràng. Nếu đáp ứng đủ điều kiện, tôi có thể trúng tuyển và làm việc đúng theo yêu cầu.

Nhìn lại những nguyên nhân chính dẫn đến tinh giản biên chế, có thể thấy chúng tập trung vào năm lý do chính: (1) Vấn đề sức khỏe; (2) Không đạt chuẩn về bằng cấp, chứng chỉ; (3) Không đáp ứng được yêu cầu công việc – được đánh giá qua kết quả làm việc nhiều năm; (4) Vi phạm kỷ luật; (5) Những lý do khác mang tính cơ cấu.

Về lý, nếu một cán bộ, công chức bị tinh giản do không đáp ứng được yêu cầu trong khu vực công, thì khi bước sang khu vực tư, họ cũng sẽ gặp khó khăn tương tự. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhìn nhận tích cực và khai thác những mặt mạnh. Một điểm đáng chú ý là nhiều cán bộ công chức có kỹ năng mềm tốt và khả năng xử lý các tình huống linh hoạt, cũng là một lợi thế trong khu vực tư nhân.

Hệ thống công chức hiện nay là sự lai ghép giữa hệ thống chức nghiệp (career system) và hệ thống vị trí việc làm (job system). Ngày trước, công chức được tuyển theo hệ thống chức nghiệp, dựa trên bằng cấp và thâm niên. Nhưng với sự phát triển của xã hội, mô hình vị trí việc làm ngày càng phổ biến, khiến việc tinh giản biên chế trở thành xu thế tất yếu. Nhiều quốc gia khác đã thực hiện việc này từ rất lâu.

Vậy giải pháp cho những người rời khu vực công là gì? Có hai con đường chính: Hoặc đi làm thuê trong khu vực tư, hoặc khởi nghiệp. Cần xác định nhiều yếu tố: kiến thức, kinh nghiệm, kế hoạch tài chính,… khi bắt đầu hướng đi mới.

Trong bối cảnh hiện tại, vai trò của các tổ chức như trường đại học, học viện,... rất quan trọng trong việc hỗ trợ nghiên cứu, đánh giá và triển khai các chương trình đào tạo giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết của từng cá nhân mà còn là vấn đề chiến lược của quốc gia.

Bên cạnh đó, thị trường lao động Việt Nam đang có nhiều chuyển biến lớn với tiềm năng tạo ra nhiều cơ hội mới phát triển một thị trường lao động linh hoạt.

Cần một hệ sinh thái hỗ trợ dài hạn

Theo ThS Kiều Công Thược, Chủ tịch VNFUND, Việt Nam đang triển khai các chính sách hỗ trợ cụ thể cho người lao động, bao gồm khoản hỗ trợ tài chính sau khi tinh giản. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Khi có tiền hỗ trợ, người lao động sẽ làm gì tiếp theo? Chính lúc này, các trường đại học cần thực hiện vai trò của mình trong việc định hướng và thiết kế các chương trình đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp dành cho những lao động bị ảnh hưởng.

Việc hỗ trợ lao động khu vực công chuyển đổi nghề không chỉ dừng lại ở các chương trình đào tạo ngắn hạn mà cần một chiến lược tổng thể và bền vững. Hệ sinh thái hỗ trợ cần có sự tham gia của nhiều bên, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức giáo dục đến các doanh nghiệp và chính người lao động.

Đầu tiên, cần có chính sách đào tạo lại, bồi dưỡng kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Các chương trình này không chỉ giúp người lao động có thêm kiến thức chuyên môn mà còn trang bị kỹ năng mềm, giúp họ nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới. Những ngành nghề có tiềm năng phát triển như: Công nghệ thông tin, marketing, quản trị doanh nghiệp hay khởi nghiệp,… cần được chú trọng đào tạo.

Bên cạnh đào tạo, việc tạo ra các cơ hội kết nối giữa lao động khu vực công và các doanh nghiệp tư nhân cũng rất quan trọng. Các hội thảo, sự kiện tuyển dụng, chương trình cố vấn nghề nghiệp có thể giúp người lao động tiếp cận thị trường lao động dễ dàng hơn.

PGS,TS Bùi Thị Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và dịch vụ tâm lý xã hội cho rằng: “Trong bối cảnh tái cơ cấu doanh nghiệp và thay đổi thị trường lao động, nhiều người rơi vào khủng hoảng tâm lý do mất vị trí ổn định. Phúc lợi tâm lý cần được chú trọng hơn trong doanh nghiệp Việt Nam và khu vực nhà nước”.

Chuyển đổi nghề nghiệp sau tinh giản: Thách thức mở ra cơ hội ảnh 4

PGS,TS Bùi Thị Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và dịch vụ tâm lý xã hội

PGS,TS Đỗ Hương Lan chia sẻ về hệ sinh thái ROAD2NEXT hỗ trợ người lao động khu vực công trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Chương trình cung cấp đào tạo, nâng cao kỹ năng mới phù hợp với thị trường lao động, đồng thời kết nối cơ hội việc làm và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp bền vững.

Hệ sinh thái này tập trung vào những lao động có vị trí trung và thấp, ít vốn xã hội và kỹ năng đặc thù với các hoạt động chính: Đào tạo chuyên sâu, tư vấn 1-1 (coaching, mentoring) với những người đã chuyển đổi nghề thành công. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ khởi nghiệp thông qua hướng dẫn lập dự án, kết nối với nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Các chuyên gia đều cho rằng không thể bỏ qua vai trò của chính người lao động. Thay vì bị động chờ cơ hội, mỗi cá nhân cần chủ động thích nghi, học hỏi và trau dồi kỹ năng mới. Việc thay đổi tư duy, sẵn sàng đón nhận thử thách và linh hoạt trong lựa chọn nghề nghiệp sẽ giúp quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi hơn.

Nguồn: https://nhandan.vn/chuyen-doi-nghe-nghiep-sau-tinh-gian-thach-thuc-mo-ra-co-hoi-post869512.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm