Họa sĩ Huỳnh Phương Đông
Những ký ức không quên về những năm tháng chiến tranh khốc liệt và niềm vui vỡ òa khi đất nước thống nhất tháng 4-1975 vừa được nhắc nhớ đầy xúc động qua triển lãm tranh của cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông - trưng bày từ nay đến 28-5 tại Nhà trưng bày triển lãm TP.HCM.
Đây là sự kiện thứ hai trong chuỗi gồm bốn triển lãm kéo dài nhiều tháng mang tên Hành trình Huỳnh Phương Đông, diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội.
Buổi khai mạc rất ấm cúng với sự góp mặt của lãnh đạo TP, đại diện các sở ban ngành, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những đồng đội, đồng chí và thế hệ trẻ trân quý di sản của cố họa sĩ.
Cựu chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, NSND Trà Giang cùng các lãnh đạo TP.HCM đến chia vui cùng bà Lê Thị Thu, vợ cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông tại triển lãm
Người lính chờ đợi nhất hòa bình
Năm 1963, họa sĩ Huỳnh Phương Đông từ biệt vợ và hai con nhỏ để lên đường vào Nam chiến đấu, công tác tại phòng hội họa giải phóng B11. Tại chiến trường miền Nam, ông cùng đồng đội đã lặn lội khắp các mặt trận khốc liệt nhất.
Ông gửi gắm tâm tình qua những dòng thư gửi vợ (bà Lê Thị Thu): "Em rất yêu, anh lại ra đi vào con đường ác liệt, nơi quê hương đang chìm trong bể máu.
Biết nói gì với em trong lúc chúng ta cùng chung một tâm trạng hơn là lấy nhiệm vụ của Tổ quốc động viên nhau cùng phấn đấu cho lý tưởng ngày mai của con ta tươi đẹp. Tạm biệt, hẹn gặp lại em và con ở một ngày quê hương tươi sáng".
Chiến sĩ giao liên miền Đông - Tranh: HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG
Giai đoạn sáng tác nhiệt huyết nhất của ông cũng cùng lúc với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra căng thẳng nhất từ 1965 - 1973.
Ông đã có mặt tại điểm nóng của các cuộc hành quân, các trận đánh, chiến dịch quan trọng ở các vùng Long An, Củ Chi, Ấp Bắc, Tây Ninh, Bình Phước...
Năm 1973, gặp lại vợ sau 10 năm xa cách, ông tiếp tục theo đoàn hành quân từ Lộc Ninh tới Bình Phước rồi Phước Long để ghi lại chuỗi tác phẩm chiến đấu ở miền Nam. Đặc biệt là loạt ký họa về ngày 30-4-1975 tại Sài Gòn, ghi lại niềm hân hoan của cả dân tộc trong khoảnh khắc lịch sử trọng đại.
Hình ảnh những trận đánh quyết chiến cuối cùng, ngày hòa bình với cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời, chiếc xe tăng tiến vào dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), các em nhỏ chạy ra tặng quà cô chú bộ đội... đều được Huỳnh Phương Đông ghi lại một cách chân thực và đầy cảm xúc như cách ông viết lịch sử bằng tranh.
Bằng bút vẽ của mình, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã tái hiện lại thực tế chiến đấu khốc liệt, sự hy sinh của những đồng đội đồng chí và khát khao đến ngày hòa bình.
Trung tướng Nguyễn Châu Thanh lặng ngắm những bức tranh ghi lại khoảnh khắc thống nhất đất nước
Những bức ký họa của ông không đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là chứng nhân lịch sử cho sự hy sinh, quả cảm của cả dân tộc.
"Tôi nhập ngũ năm 1968, từng trải qua hầu hết chiến trường miền Nam nên khi đứng trước những bức ký họa của cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông tôi đều rất cảm xúc vì đọc thấy lịch sử của cha anh và cả chính mình trong đó.
Những chân dung cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông khắc họa không đơn giản là kỷ niệm về những người bạn mà còn lột tả cả nội tâm kiên cường nhưng đầy tình cảm của những người lính khao khát hòa bình" - trung tướng Nguyễn Châu Thanh xúc động bày tỏ.
Hai người lính trẻ chăm chú xem bức tranh kích thước lớn vẽ về Đồng Nai nhìn từ trên cao - Ảnh: H.VY
Để lại cho đời sau
Suốt 70 năm sáng tác, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã gắn bó sâu sắc với những sự kiện trọng đại của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và cả những năm tháng hòa bình, đổi mới.
Ông đã mang nghệ thuật ra chiến trường, không chỉ dấn thân tốc ký các trận chiến mà còn cùng đồng đội tổ chức trưng bày tranh dọc các chiến hào, trên các cành cây, giữa tiếng bom rơi đạn xé.
Tranh của ông vừa là người bạn cổ vũ tinh thần chiến sĩ tiền tuyến vừa là sứ giả gửi gắm niềm tin nơi hậu phương cùng vượt qua gian khó, hướng đến ngày thống nhất đất nước.
Cụm chân dung cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông
Dấu ấn sáng tác của ông không chỉ ở khối tác phẩm đồ sộ mà cả hoàn cảnh đặc biệt mà chúng ra đời, đa phần là những bức ký họa ngay giữa chiến trường. Ông đã dành trọn tuổi trẻ để ghi lại những năm tháng thăng trầm của dân tộc bằng bất cứ thứ gì tìm thấy nơi trận địa.
Thời chiến, tranh của Huỳnh Phương Đông khắc họa đời sống chiến đấu và những gương mặt làm nên thời cuộc. Thời bình, nét vẽ của ông là hình hài đất nước với những người hăng say lao động, khao khát dựng xây.
"Nhân dịp quan trọng 50 năm đất nước thống nhất, chúng ta không thể không nhớ đến những đóng góp thầm lặng của cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông.
Ông đã giúp giữ lại chân dung đồng đội, những ký ức từ 30 năm chiến tranh đến ngày hòa bình, để lại một di sản quan trọng cho đời sau" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.
Chân dung tự họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông
Chuỗi triển lãm "Hành trình Huỳnh Phương Đông" do các bảo tàng, gia đình họa sĩ và SANN - The House of Art phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông và 50 năm thống nhất đất nước.
Từ kho gia tài hơn 3.000 tác phẩm của Huỳnh Phương Đông, hơn 700 tác phẩm đã được chọn lọc để trưng bày tại bốn địa điểm, tạo nên chuỗi triển lãm quy mô lớn nhất về cố họa sĩ từ trước đến nay.
Hơn 2.500 tác phẩm của ông cũng sẽ được giới thiệu qua bộ sách Hành trình Huỳnh Phương Đông (dự kiến 10 cuốn) ra mắt dịp 30-4.
Những bức họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông
Những bức họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông
Những bức họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông
Những bức họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông
HUỲNH VY
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-ky-uc-ngay-thong-nhat-tu-tranh-cua-hoa-si-huynh-phuong-dong-20250402095821566.htm
Bình luận (0)