Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyển đổi số - "cây đũa thần" của giáo dục vùng cao Yên Bái

(PLVN) - Thiếu giáo viên ở những môn học đặc thù, ở những huyện vùng cao khó khăn là bài toán nan giải đối với ngành giáo dục Yên Bái. Sau liên hoàn giải pháp, chuyển đổi số đang trở thành “cây đũa thần” hóa giải tình trạng thiếu giáo viên cục bộ cho Yên Bái.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam22/05/2025

Hạ tầng dành cho giáo dục được tỉnh miền núi Yên Bái đặc biệt quan tâm. Ảnh: Đức Tuyển.

Hạ tầng dành cho giáo dục được tỉnh miền núi Yên Bái đặc biệt quan tâm. Ảnh: Đức Tuyển.

Cái khó “ló” sáng kiến

Tỉnh miền núi Yên Bái gồm 9 huyện thành thị với hơn nửa là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với đặc thù địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, văn hóa đa dạng khiến công tác giáo dục đào tạo gặp không ít khó khăn. Trong đó, tình trạng thiếu giáo viên là bài toán nan giải đối với Yên Bái, đặc biệt là khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thống kê của ngành giáo dục Yên Bái cho thấy, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Yên Bái có trên 12.300 cán bộ quản lý, giáo viên. Tỷ lệ giáo viên thực tế so với định mức năm học 2023 – 2024 mới đạt 84,2%. So với yêu cầu, Yên Bái thiếu hụt tới hơn 2.000 giáo viên.

Điều đáng nói, số lượng giáo viên thiếu hụt so với yêu cầu lại chỉ xảy ra ở một số môn học đặc thù và ở các địa phương vùng sâu vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các huyện như Trạm Tấu hay Mù Cang Chải luôn ở trong trạng thái thiếu trầm trọng giáo viên môn ngoại ngữ.

Thiếu giáo viên Tiếng anh tại vùng cao là bài toán nan giải đối với Yên Bái. Ảnh: CTV.

Thiếu giáo viên Tiếng anh tại vùng cao là bài toán nan giải đối với Yên Bái. Ảnh: CTV.

Để giải bài toán này, tỉnh Yên Bái đã đã đưa ra nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ để thu hút, tuyển dụng và giữ chân giáo viên. Thế nhưng câu chuyện tuyển dụng giáo viên cho vùng cao vẫn là nỗi thao thức thường nhật với ngành giáo dục Yên Bái. Năm 2021 ghi nhận số lượng giáo viên đăng ký chỉ hơn 50% chỉ tiêu tuyển dụng, tỉnh Yên Bái đã đưa ra chính sách tặng ngay 100 triệu đồng cho giáo viên về dạy học nhưng số lượng tuyển mới không đáng kể.

Tiếp tục giải bài toán thiếu giáo viên vùng cao, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh, từ năm 2022 tỉnh Yên Bái đã tiến hành “biệt phái” hàng chục giáo viên từ vùng xuôi lên vùng ngược. Dù là giải pháp tình thế nhưng trong vài năm trở lại đây công tác giáo dục ở các huyện vùng cao đã thay đổi đáng kể do được bổ sung những nhân tố mới và tích cực. Học sinh vùng cao nhờ đó cũng được tiếp cận với những kiến thức bổ ích và cách truyền dạy phong phú.

Trong khi đó, đối với việc thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương, các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện đã cân đối, chủ động điều chuyển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Một giáo viên có thể dạy ở nhiều trường học trong một huyện với các bộ môn tương ứng đã trở thành câu chuyện thường ngày ở Mù Cang Chải. Các thầy cô theo đó vất vả hơn trong việc di chuyển nhưng học sinh các trường sẽ không bị “bỏ bữa” trong học tập.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng khảo sát thực tế cơ sở dạy học tại Yên Bái. Ảnh: CTV.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng khảo sát thực tế cơ sở dạy học tại Yên Bái. Ảnh: CTV.

Bên cạnh các chính sách thu hút giáo viên hay linh động điều chuyển, Yên Bái còn tích cực đặt hàng đào tạo giáo viên cho những bộ môn còn thiếu. Việc Yên Bái liên kết, phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo cử nhân sư phạm Anh ngữ theo hình thức cử tuyển ngay tại địa phương là bước đi căn cơ và dài hơi.

Trong đó, những sinh viên sư phạm là người vùng cao, mong muốn trở về quê hương công tác sẽ được ưu tiên tuyển dụng và hỗ trợ học tập. Những nhân tố này sở hữu lợi thế về ngôn ngữ, văn hóa bản địa, và sẽ dễ dàng hòa nhập cũng như gắn bó với công việc giảng dạy lâu dài. Đồng thời, những sinh viên đã tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng chưa đủ điều kiện bằng cấp sẽ được tuyển dụng, nâng cao trình độ, đến khi đạt chuẩn, họ sẽ trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ sự nghiệp giáo dục tại chính quê hương mình.

“Cây đũa thần” trực tuyến

Trong những ngày đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, Yên Bái vướng không ít khó khăn khi lượng giáo viên đã thiếu về số lượng lại chưa kịp đáp ứng tiêu chuẩn về bằng cấp. Thực tế này là nguy cơ đẩy Yên Bái tụt lùi về phía sau trong công cuộc chuẩn hóa nền giáo dục quốc gia. Giữa những khó khăn, đại dịch COVID-19 xảy đến như chất thêm gánh nặng cho thầy và trò vùng cao Yên Bái.

Trong bối cảnh đó, để đáp ứng nhu cầu dạy và học Yên Bái đã mạnh tay “chi lớn” nhằm xây dựng những phòng học trực tuyến. Hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được hoàn thiện, câu chuyện chuyển đổi số bắt đầu từ đây. Học sinh vùng cao nhanh chóng tiếp cận với máy tính, điện thoại thông minh để thỏa sức “vẫy vùng” trong thế giới số.

Từ Hải Phòng các cô giáo trao truyền kiến thức cho học sinh vùng cao Yên Bái thông qua lớp học trực tuyến. Ảnh: CTV.

Từ Hải Phòng các cô giáo trao truyền kiến thức cho học sinh vùng cao Yên Bái thông qua lớp học trực tuyến. Ảnh: CTV.

Hình ảnh học sinh người Mông ở Mù Cang Chải ôm điện thoại học Tiếng Anh với giáo viên từ Hà Nội dần trở nên quen thuộc. Từ những lớp học “cực chẳng đã” trong đại dịch, không ít học sinh vùng cao vừa học được Tiếng Anh vừa thành thạo về Tin học. Đến nay, nhiều bạn ở Mù Cang Chải đã tự tin giao tiếp Tiếng Anh với người nước ngoài và dần bước chân vào phục vụ trong lĩnh vực du lịch.

Viết tiếp những thành tích “vô tình” đó, ngành giáo dục Yên Bái đã chính thức xây dựng các chương trình dạy Tiếng Anh trực tuyến cho học sinh vùng cao. Từ đó, Yên Bái chủ động nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô chất lượng cao khắp các địa phương như Nam Định, Hà Nội và Hải Phòng trong việc bố trí giáo viên dạy trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học và THCS. Dù thầy ở Hải Phòng, trò ở Yên Bái nhưng những lợp học trực tuyến vẫn diễn ra và kiến thức đã được trao truyền thông qua công nghệ số.

Để đánh giá mô hình hợp tác, hôm 28/2, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái và Thành phố Hải Phòng đã trực tiếp dự giờ tiết học hỗ trợ dạy tiếng Anh miễn phí của giáo viên Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Hồng Bàng – Hải Phòng) cho học sinh Trường tiểu học Chế Tạo(Mù Cang Chải - Yên Bái). Người đứng lớp là cô giáo Phạm Thị Xuân, giáo viên Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy học kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin khiến không khí lớp học của học sinh lớp 4A1, Trường tiểu học Chế Tạo trở nên hấp dẫn, sôi động. Học sinh ở Yên Bái hào hứng phát biểu, trả lời câu hỏi, qua đó vừa vừa giúp giáo viên kiểm tra kiến thức học sinh đã được học, vừa khích lệ các em hào hứng tiếp thu kiến thức mới.

Sau tiết học, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo 2 địa phương đã có cuộc trao đổi trực tuyến về tiết dạy và định hướng về tiếp tục triển khai công tác liên kết, hỗ trợ dạy tiếng Anh miễn phí cho các lớp học vùng cao của tỉnh Yên Bái. Theo đó, tiết học được đánh giá thành công với giáo viên tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt; học sinh tương tác tự nhiên, hào hứng. Trên cơ sở đó, Hải Phòng tiếp tục tiếp tục phối hợp với Yên Bái nhằm tăng cường trao đổi xây dựng kế hoạch, thời gian biểu để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, dạy, đánh giá, nhận xét học sinh theo đúng quy định nhằm đảm bảo nội dung, kế hoạch giáo dục theo yêu cầu của chương trình mới.

Cô giáo Hải Phòng bất ngờ tới Yên Bái dạy trực tiếp cho học sinh vùng cao. Ảnh: Đức Tuyển.

Cô giáo Hải Phòng bất ngờ tới Yên Bái dạy trực tiếp cho học sinh vùng cao. Ảnh: Đức Tuyển.

Được biết, công tác triển khai liên kết hỗ trợ dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh vùng cao của ngành giáo dục Hải Phòng triển khai được hơn 2 năm. Hiện một số trường của các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền của Hải Phòng đã tích cực tham gia hỗ trợ dạy tiếng Anh miễn phí cho 15 trường vùng cao của tỉnh Yên Bái. Chỉ tính riêng từ đầu năm học 2024 - 2025 đến nay, Hải Phòng đã thực hiện hỗ trợ dạy cho 63 lớp với 1.522 học sinh, thực hiện dạy trực tuyến 1.867 tiết học thuộc cấp Tiểu học; 24 lớp với 822 học sinh với 720 tiết học thuộc cấp Trung học cơ sở.

Khi đặt chân trực tiếp tới Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Chế Tạo, cô Phạm Thị Xuân - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Hồng Bàng - Hải Phòng), chia sẻ đây không phải là lần đầu tiên cô và các trò gặp nhau, bởi lớp 4A1 đã được cô Xuân đảm nhận dạy môn Tiếng Anh trực tuyến theo chương trình hợp tác hỗ trợ dạy học trực tuyến môn Tiếng Anh giữa Sở Giáo dục Yên Bái và Hải Phòng. Cô Xuân bất ngờ khi chứng kiến sự khó khăn vất vả thiếu thốn của các em học sinh vùng cao Yên Bái. Dạy trực tiếp cho các em học sinh lớp 4A1, cô Xuân cũng thực hiện như tiết học bình thường vẫn dạy các con trực tuyến, lúc đầu vẫn còn bỡ ngỡ, rụt rè nhưng sau thì các con đã bắt nhịp và tương tác với cô tốt hơn.

Ông Luyện Hữu Chung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, đánh giá các lớp học trực tuyến đã áp dụng công nghệ thông tin, hiện thực hóa tiến trình chuyển đổi số, lại tranh thủ được sự ủng hộ của các địa phương, nhất là nguồn giáo viên chất lượng cao giúp học sinh và cả đội ngũ giáo viên tại Yên Bái phát triển nhanh hơn. Giữa đòi hỏi chuẩn hóa chương trình giáo dục và thực tế khó khăn, Yên Bái đã chuyển mình nhờ dòng chảy chuyển đổi số. Từ đó, chuyển đổi số không phải là câu chuyện cổ tích nhưng trở thành “cây đũa thần” giúp Yên Bái hóa giải bài toán thiếu giáo viên vùng cao.

Nguồn: https://baophapluat.vn/chuyen-doi-so-cay-dua-than-cua-giao-duc-vung-cao-yen-bai-post549358.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm