Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường thăm nhà máy dệt may thuộc Tập đoàn Azim Group tại thành phố Chattogram, Bangladesh, tháng 2/2025. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh) |
Quá trình chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững được xem là mục tiêu sống còn, xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới. Tiến trình này đang diễn ra ở Bangladesh như thế nào, thưa Đại sứ?
Để ứng phó cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các nước trên thế giới, tuy ở mức độ khác nhau, đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh một cách toàn diện. Là một quốc gia ven biển ở khu vực Nam Á, có mật độ dân số trong nhóm đông nhất trên thế giới (hơn 170 triệu người, diện tích chỉ bằng 1/2 Việt Nam), Bangladesh nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững thực sự là mục tiêu sống còn, xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của Bangladesh.
Nhận thức sâu sắc tính cấp bách của vấn đề, ngay từ sớm, ngoài Hiến pháp (1972), Đạo luật bảo tồn môi trường năm 1995 (sửa đổi năm 2010), chính phủ Bangladesh đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch, chiến lược… làm cơ sở cho quá trình chuyển đổi xanh như: Chính sách năng lượng tái tạo Bangladesh (2008), Chiến lược và Kế hoạch hành động trước biến đổi khí hậu (2009), Kế hoạch quốc gia về quản lý thiên tai giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch triển vọng 2041, Kế hoạch thịnh vượng khí hậu Mujib (2021-2030), Kế hoạch Delta 2100…
Bên cạnh đó, Bangladesh thành lập nhiều cơ quan, tổ chức từ cấp quốc gia đến địa phương để triển khai hệ thống thể chế liên quan như: Hội đồng Môi trường quốc gia do Thủ tướng đứng đầu, Cơ quan Phát triển năng lượng bền vững và tái tạo (SREDA), Quỹ Ủy thác biến đổi khí hậu Bangladesh (BCCTF)… Cho tới nay, việc triển khai hệ thống thể chế liên quan nhìn chung đã đạt được kết quả bước đầu, đặc biệt trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như:
Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhằm đạt được các mục tiêu toàn cầu được đặt ra thông qua thỏa thuận Paris và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, Ngân hàng trung ương Bangladesh đã khởi động Sáng kiến Ngân hàng xanh (Green Banking) vào năm 2011 để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động tài chính có trách nhiệm với môi trường; ban hành hướng dẫn về đánh giá rủi ro môi trường của các đề xuất vay và về việc xanh hóa các quy trình và hoạt động nội bộ trong các ngân hàng.
Dựa theo hướng dẫn của Ngân hàng trung ương Bangladesh, hầu hết các ngân hàng trong nước đều đã thực hiện nhiều biện pháp cải thiện các chỉ số quản lý môi trường. Một sáng kiến nổi bật khác của chính phủ Bangladesh nhằm thúc đẩy tài chính xanh, tài chính bền vững là việc thành lập Quỹ Chuyển đổi xanh (Green Tranformation Fund) vào năm 2016 do Ngân hàng trung ương Bangladesh trực tiếp quản lý.
Quỹ Chuyển đổi xanh ban đầu được thành lập với 200 triệu USD để tái cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong 3 lĩnh vực gồm dệt may, da và dày hướng đến xuất khẩu, sau đó đã được mở rộng để bao gồm tất cả ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu, tạo điều kiện cho tăng trưởng xuất khẩu bền vững khi quốc gia chuyển sang nền kinh tế xanh hơn.
Theo báo cáo của Ngân hàng trung ương Bangladesh, tổng số tiền giải ngân từ Quỹ Chuyển đổi xanh là 140,94 triệu USD cho 47 dự án và 71,21 triệu Euro cho 30 dự án vào năm 2022-2023. Ngân hàng trung ương Bangladesh hiện triển khai Chương trình Tài chính bền vững, trong đó dành tối thiểu 20% khoản vay dài hạn làm tài chính bền vững. Chương trình này cũng cung cấp bảng xếp hạng bền vững cho các ngân hàng và công bố 10 ngân hàng hoạt động tốt nhất hàng năm.
Trong ngân sách quốc gia cho năm tài khóa 2022-2023, một ưu đãi đã được đưa ra cho các nhà máy xanh dưới hình thức giảm thuế 2 điểm phần trăm. Mức thuế 10% được đề xuất cho các ngành công nghiệp xanh hướng đến xuất khẩu, trong khi mức thuế đối với các ngành công nghiệp không xanh hướng đến xuất khẩu là 12%. Trước đây, chỉ các nhà máy xanh trong lĩnh vực may mặc (RMG) mới được hưởng ưu đãi này.
Trong lĩnh vực kiểm soát và quản lý thiên tai, chính phủ Bangladesh đã triển khai: (i) hoàn thành 726 km bờ sông bảo vệ, 2123 km đào và nạo vét sông, 1266 km kè, đào/đào lại 181 km kênh thủy lợi và 499 km kênh thoát nước; (ii) 72 nhà máy điện mặt trời cung cấp tổng cộng 4626 MW điện được lắp đặt, đưa vào hoạt động; (iii) 82 công trình hạ tầng kiểm soát nước được xây dựng; (iv) 6921 hecta đất tự nhiên được đưa vào trồng rừng… Hiện nay, trước tình hình kinh tế khó khăn, chính phủ Bangladesh đang tích cực kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ từ các nước đối tác và tổ chức quốc tế trên thế giới để tiếp tục nghiên cứu, triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại nước này.
Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường tìm hiểu mô hình sản xuất dệt may tại nhà máy thuộc Tập đoàn Azim Group. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh) |
Bangladesh sớm “xanh hóa” ngành dệt may (từ năm 2009) và hiện thiết lập hơn 200 nhà máy đạt tiêu chuẩn LEED, đáp ứng yêu cầu tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Là quốc gia xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu dệt may, song Việt Nam có tới 80% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, gặp rào cản tài chính khi tìm đường “xanh hóa”. Theo Đại sứ, đâu là bài học kinh nghiệm từ Bangladesh mà Việt Nam có thể học hỏi trên lộ trình phát triển bền vững lĩnh vực này?
Cho đến nay, Bangladesh tự hào có khoảng 224 nhà máy may mặc xanh LEED (Lãnh đạo về thiết kế năng lượng và môi trường) được Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC) chứng nhận. Trên toàn cầu, ngành thời trang được coi là ngành gây ô nhiễm nhất.
Để giảm thiểu tác động lớn tới môi trường của lĩnh vực này, ngành may mặc của Bangladesh đã giải quyết những bất cập trên thông qua một số sáng kiến như: cam kết giảm 30% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 theo Hiến chương Ngành thời trang hành động vì khí hậu của UNFCCC (Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu) năm 1992; tham gia Dự án SWITCH2CE (Chuyển sang chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn) của Liên minh châu Âu nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế tuần hoàn và Quan hệ đối tác vì dệt may sạch hơn (PaCT) của Tập đoàn tài chính quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên…
Nhiều nhà máy dệt may tại Bangladesh hiện đều đẩy mạnh đầu tư vào ứng dụng, nâng cấp các “công nghệ xanh” hiện đại nhất trong bảo tồn năng lượng và nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm không khí, quản lý chất thải và nước thải. Qua đó, môi trường làm việc của người lao động được bảo đảm an toàn, các khoản chi phí dành cho năng lượng được cắt giảm đáng kể, giá trị thương hiệu được nâng cao và thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của người tiêu dùng đối với các sản phẩm được sản xuất từ công nghệ xanh, thân thiện với môi trường.
Dựa trên những kết quả tích cực từ quá trình “xanh hóa” ngành dệt may tại Bangladesh, Việt Nam có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
(i) Tận dụng hiệu quả các cơ chế hỗ trợ tài chính của chính phủ như Ngân hàng xanh, Quỹ Chuyển đổi xanh…Dệt may là ngành kinh tế chủ lực (sử dụng khoảng 4,5 triệu lao động và đóng góp hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Bangladesh), nên luôn được ưu tiên hàng đầu trong chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của chính phủ Bangladesh. Ngoài các chính sách hỗ trợ duy trì, phát triển các nhà máy dệt may để giải quyết vấn đề thất nghiệp luôn ở mức cao, chính phủ Bangladesh, thông qua hệ thống ngân hàng và các quỹ tài chính trong nước, hỗ trợ các nhà máy may mặc về vốn, giảm thuế… để các nhà máy có thể chuyển đổi công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về bảo vệ môi trường.
(ii) Đa số doanh nghiệp ngành dệt may Bangladesh luôn chủ động thích ứng, tuân thủ các quy định quốc tế và yêu cầu ngày càng cao của các đối tác, khách hàng nước ngoài về tiêu chuẩn xanh trong quy trình sản xuất; có tinh thần chủ động học hỏi kinh nghiệm “xanh hóa” từ các nước, đồng thời chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tiếp thu, ứng dụng các kĩ thuật, công nghệ mới trên thế giới vào quy trình sản xuất tại các nhà máy trong nước, qua đó bảo đảm sản phẩm có chất lượng tốt và thân thiện với môi trường.
(iii) Chú trọng việc tập hợp, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp dệt may vững mạnh, có tính tương hỗ lẫn nhau, đóng vai trò quan trọng trong quá trình nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những chính sách mới, mô hình chuyển đổi xanh có tính khả thi cao khi áp dụng để chính phủ xem xét, thực hiện các biện pháp hỗ trợ phù hợp dành cho doanh nghiệp dệt may trong nước. Việt Nam cũng có thể học hỏi mô hình các tổ chức doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dệt may của Bangladesh như Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may Bangladesh (BGMEA), Hiệp hội các doanh nghiệp dệt kim Bangladesh (BTMA)… đóng vai trò “think tank”, chủ động học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu và đề xuất, tham mưu cho chính phủ những chính sách liên quan.
Ngoài lĩnh vực dệt may, nông sản là dư địa hợp tác tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh. (Nguồn: VnEconomy) |
Đại sứ có thể cho biết những lĩnh vực nào mà Việt Nam và Bangladesh có thể “bắt tay” cùng thắng trên lộ trình tăng trưởng xanh?
Trên cơ sở quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong hơn 50 năm qua cũng như những lợi thế đặc thù của mỗi nước, Việt Nam và Bangladesh hoàn toàn có thể tăng cường hợp tác cùng có lợi (win-win) trong quá trình chuyển đổi xanh. Một số lĩnh vực nhiều tiềm năng mà hai bên có thể “bắt tay” như:
(i) Lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nông, thủy hải sản: là nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Việt Nam có thể tăng cường chia sẻ bài học kinh nghiệm của mình, hỗ trợ Bangladesh về kỹ thuật, công nghệ xanh đang được ứng dụng thành công tại Việt Nam.
(ii) Lĩnh vực dệt may: để tiếp tục phát huy thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu dệt may của mỗi nước, ngành dệt may Việt Nam và Bangladesh có thể tương hỗ, bổ trợ cho nhau thông qua các tiếp xúc, kết nối giữa các cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp dệt may hai nước, từ đó tăng cường chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của nhau về chuyển đổi xanh, tham khảo mô hình “xanh hóa” được áp dụng thành công tại các cơ sở sản xuất dệt may, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và phát triển bền vững ở mỗi nước trong thời gian tới. Thực tế, thời gian qua một số doanh nghiệp may mặc hai nước đã hợp tác rất hiệu quả trong lĩnh vực này.
Có thể nói, dù vẫn đang là một trong những quốc gia kém phát triển, còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng những nỗ lực của Bangladesh trong quá trình chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững, nhất là trong ngành dệt may đã thu được những kết quả bước đầu rất đáng khâm phục. Đây là những kinh nghiệm quý để các cơ quan liên quan, doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, áp dụng vào thực tế môi trường sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.
Diễn đàn cấp cao Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF). Đến nay, Diễn đàn P4G có 12 quốc gia thành viên gồm: Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Bangladesh, Indonesia và Nam Phi cùng sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. P4G được coi là diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội để cùng đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs). Hỗ trợ của P4G cho các nước đối tác chủ yếu thông qua hình thức đối tác công – tư, cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/chuyen-doi-xanh-menh-lenh-cap-bach-cho-ca-viet-nam-va-bangladesh-309818.html
Bình luận (0)