Áp lực từ việc bị so sánh với "con nhà người ta"
Ngày 25-28/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 chính thức diễn ra. Bước vào giai đoạn "chạy nước rút", học sinh lớp 12 đang tranh thủ từng giờ từng phút để chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng của cuộc đời.
Chia sẻ với phóng viên, TS. Lưu Hoàng Tùng, giảng viên bộ môn tâm lý, Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết, học sinh ngày nay có xu hướng chịu áp lực thi cử nhiều hơn, sâu sắc hơn và thậm chí kéo dài hơn so với các thế hệ trước.

Theo TS. Lưu Hoàng Tùng, học sinh ngày nay dễ bị áp lực hơn bởi sự thay đổi trong kỳ vọng xã hội và cạnh tranh đầu vào. Điểm chuẩn nhiều trường tăng vượt khả năng dự đoán, kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong xét tuyển đại học.
Áp lực từ việc duy trì điểm số cao, thi thử nhiều lần và luyện thi liên tục khiến các em luôn trong trạng thái căng thẳng kéo dài. Bên cạnh đó, tâm lý chạy theo "trường top", "ngành hot" và bệnh thành tích cũng tạo thêm áp lực không nhỏ.
Chuyên gia này cho rằng, thói quen so sánh với "con nhà người ta", sự kỳ vọng quá cao, thậm chí can thiệp sâu vào lựa chọn nghề nghiệp của học sinh từ các bậc phụ huynh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra áp lực cho con trẻ.
Nhiều học sinh chia sẻ, các em học vì bố mẹ, vì sợ thi trượt chứ bản thân các em không biết mình muốn điều gì.
"Học sinh ngày nay có xu hướng nhạy cảm với đánh giá của người khác, dễ bị lo âu, mất định hướng nếu thiếu hỗ trợ về mặt tinh thần.
Trong môi trường học tập cạnh tranh, mạng xã hội phát triển đã khiến bất kỳ một kết quả thi nào (dù tốt hay kém) cũng dễ trở thành đề tài bàn tán. Vì vậy, vấn đề lo âu, căng thẳng thi cử càng trầm trọng thêm", TS Tùng cho hay.
Cùng chung quan điểm, ThS. Bùi Huyền Thương - chuyên viên tâm lý trị liệu tại Hà Nội - cũng thừa nhận, cường độ học tập cao, chương trình học đổi mới, sự cạnh tranh đồng trang lứa hay các định kiến, truyền thông là những yếu tố chính gây ra áp lực mùa thi ở học sinh.
"Tất cả những điều ấy đều tăng nhanh hơn so với tốc độ trưởng thành tâm sinh lý của các em", ThS. Huyền Thương chia sẻ.

Thạc sĩ Bùi Huyền Thương, chuyên viên tâm lý trị liệu tại Hà Nội. (Ảnh: NVCC).
Dễ rơi vào cảm giác "trống rỗng trong phòng thi"
Theo TS. Hoàng Tùng, áp lực kéo dài khiến nhiều em chán học, mất động lực nội tại. Nếu không đạt được kỳ vọng của người lớn hoặc liên tục gặp thất bại trong thi thử, kiểm tra, một số em bắt đầu hoài nghi năng lực bản thân, mặc cảm, chán nản, đưa ra những lựa chọn bốc đồng cho tương lai.
Áp lực kết hợp với thiếu ngủ, bỏ bữa, hoặc dùng các chất kích thích để tỉnh táo khiến học sinh dễ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa… gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng làm bài.
Điều này khiến các em dần hình thành thói quen tiêu cực, sợ thất bại, rối loạn lo âu, trầm cảm, phát triển những suy nghĩ và niềm tin sai lệch về bản thân, hay thậm chí có các hành vi tự hại để giải tỏa cảm xúc…
Trong khi đó, ThS. Huyền Thương phân tích, khi tình trạng căng thẳng liên tục kéo dài, hệ thần kinh của các sĩ tử sẽ rơi vào trạng thái "Fight or Flight" (chiến hoặc biến) - một phản ứng tự nhiên khiến não bộ luôn cảnh giác cao độ. Lúc này, người học khó có thể tập trung ghi nhớ, đồng thời, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề cũng bị suy giảm.
Nếu thiếu kỹ năng điều tiết và quản lý cảm xúc, những áp lực này có thể đẩy thí sinh đến ngưỡng căng thẳng cực độ, hệ thần kinh kiệt quệ, dẫn đến tình trạng đầu óc "trống rỗng" ngay trong phòng thi.
Học cách lắng nghe cơ thể
Theo ThS. Bùi Huyền Thương, nếu thấy mệt mỏi, hãy cho phép bản thân nghỉ ngơi, ngủ đủ, ăn đúng bữa và thực hiện vận động nhẹ nhàng để hồi phục năng lượng, duy trì tỉnh táo, tập trung và tư duy phân tích.
Các em cần biết cách quản lý thời gian, xây dựng kế hoạch ôn thi hợp lý, hiểu đúng năng lực bản thân và mạnh dạn bày tỏ cảm xúc với mọi người hoặc chuyên gia tâm lý khi cần.
TS. Hoàng Tùng và ThS. Huyền Thương đều đưa ra lời khuyên: Thay vì gạt bỏ, né tránh hay bắt ép bản thân không được phép lo lắng, các em hãy thừa nhận những cảm xúc và học cách đương đầu với chúng.
Khi lo lắng quá mức, hãy dành ít phút hít thở sâu lấy lại bình tĩnh. Ngoài ra, luôn tự khích lệ bản thân cũng là phương pháp tốt để điều hòa và cải thiện cảm xúc.
Các em không nên tập trung so sánh điểm số, khả năng của mình với người khác để đưa ra mục tiêu, kỳ vọng cho bản thân. Mục tiêu phù hợp sẽ giúp học sinh tối ưu hóa quá trình ôn tập và giảm bớt những áp lực không cần thiết.
Bảo Hân
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/chuyen-gia-bat-mi-cach-vuot-qua-ap-luc-ky-thi-tot-nghiep-thpt-20250518111944269.htm
Bình luận (0)