
Nhu cầu tuyển dụng lớn
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm và Điều dưỡng người có công Hải Phòng, từ đầu năm đến ngày 15/6, có 430 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia các sàn giao dịch việc làm do trung tâm này tổ chức, với nhu cầu tuyển dụng hơn 101.000 lao động, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, số lượng lao động không yêu cầu trình độ khoảng 90.000 người. Một số ngành, nghề đang cần số lượng lao động lớn như: may mặc, cơ khí, chế tạo, điện, điện tử, logistics... Điều này cho thấy, thị trường tuyển dụng lao động tại Hải Phòng khá sôi động, không chỉ về số lượng tuyển dụng tăng cao, mà vị trí việc làm cũng đa dạng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Tư vấn, Giới thiệu việc làm và Đào tạo nghề (Trung tâm Dịch vụ việc làm và Điều dưỡng người có công Hải Phòng), trung tâm chủ động gửi thư ngỏ, liên kết, tổ chức giao dịch việc làm trực tuyến, phát live trực tiếp các phiên phỏng vấn giữa doanh nghiệp và người lao động. Qua đó, giới thiệu việc làm đối với gần 60.000 lao động, chiếm khoảng 60% nhu cầu tuyển dụng.
Số lượng doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Hải Phòng ngày càng tăng cao, trong khi nguồn nhân lực tại chỗ không đủ để đáp ứng, việc hợp nhất với Hải Dương sẽ mở ra cơ hội việc làm cho người lao động, mức lương, thu nhập tốt hơn. Qua đó cũng hạn chế được việc “chảy máu” nguồn lao động sang các tỉnh, thành phố khác.

Khu vực phía Tây Hải Phòng có nguồn lao động dồi dào với gần 1 triệu người. Những năm qua, khu vực này đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Việc hợp nhất đã tạo điều kiện, cơ hội lớn để lao động sinh sống ở khu vực phía Tây Hải Phòng tiếp cận thị trường lao động đầy tiềm năng ở phía Đông với nhiều tập đoàn lớn đầu tư như: LG, Pegatron, USI, Bridgestone, Vinfast... Hiện nay, có không ít doanh nghiệp đang điều chỉnh chiến lược tuyển dụng, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hải Phòng mới để chủ động thích nghi với thị trường lao động hợp nhất.
Với hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, khoảng cách địa lý giữa các cực phát triển công nghiệp - dịch vụ ở phía Tây và phía Đông Hải Phòng đã được rút ngắn đáng kể. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi nguồn lao động giữa 2 địa phương.
Mặt khác, khi nhu cầu tuyển dụng tăng cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những chính sách tốt để thu hút và giữ chân người lao động. Sự chạy đua về chế độ đãi ngộ giữa các doanh nghiệp sẽ giúp người lao động tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, bảo đảm công tác an sinh xã hội địa phương.
Anh Nguyễn Minh Phương (26 tuổi), ở xã Vĩnh Lại hiện đang làm tại Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh VinFast (khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải). Do ở xa nên anh và 40 đồng nghiệp ở khu vực phía Tây Hải Phòng được công ty hỗ trợ xe đưa đón hằng ngày. Anh Phương cho biết, VinFast có môi trường làm việc tốt, chế độ phúc lợi cao nên có nhiều công nhân ở khu vực Tây Hải Phòng đến làm việc. Mỗi ca làm việc sẽ kéo dài từ 8 - 12 tiếng. Do Hải Phòng là vùng 1 nên mức lương của công ty khá cao, dao động từ 11 - 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công nhân còn được nhận các chế độ phụ cấp, thưởng dịp lễ, Tết...
Kịp thời thích nghi
Việc hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động, đòi hỏi người lao động phải chủ động thích nghi. Ông Nguyễn Tuyên Huấn, Giám đốc Công ty CP Cung ứng vào Đào tạo nhân lực Việt Nam đánh giá, Hải Dương và Hải Phòng cũ đều có nguồn lao động dồi dào nhưng số lượng lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm phần lớn. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chung vẫn chưa đồng bộ, khiến việc kết nối cung - cầu bị lệch nhịp. Việc hình thành các trung tâm công nghiệp liên vùng sau khi sáp nhập đòi hỏi đội ngũ quản trị nhân sự phải chuyên nghiệp, có khả năng làm việc đa đạng. Tuy nhiên từ trước đến nay, đây vẫn luôn là điểm yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp vừa, nhỏ cần có chiến lược ưu đãi phù hợp để bảo đảm lợi thế trong cạnh tranh tuyển dụng.

Hiện nguồn lao động của TP Hải Phòng mới đang bước qua thời điểm vàng. Nếu không có giải pháp kịp thời thì quá trình già hoá dân số sẽ tác động tiêu cực đến thị trường lao động trong tương lai. Trước mắt, trong khi chính quyền mới ổn định bộ máy thì người lao động phải chủ động nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các tập đoàn lớn. Những lao động không kịp thích nghi, thiếu kỹ năng mềm, ngoại ngữ hay chậm cập nhật công nghệ dễ bị đào thải hoặc rơi vào tình trạng làm việc dưới chuẩn.
Hiện nay, quá trình sáp nhập tỉnh dẫn đến việc tái cơ cấu các cơ quan hành chính, giảm số lượng đơn vị trung gian và tinh giản biên chế. Điều này đồng nghĩa với việc có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, người lao động từ khu vực công chuyển sang tìm việc ở khu vực tư.
Ông Phạm Trung Phong, Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp Cộng Hoà (phường Trần Hưng Đạo) cho rằng, những lao động bước ra khỏi khu vực công là nguồn lao động đầy tiềm năng của khu vực tinh tế tư nhân. Bởi họ được đào tạo bài bản, thạo việc và nắm rất chắc các chính sách pháp luật liên quan. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn lao động này không hề dễ dàng nếu doanh nghiệp không có những chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp.
Việc hợp nhất Hải Dương và Hải Phòng mở ra cơ hội lớn để hình thành một thị trường lao động quy mô, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp - dịch vụ. Tuy nhiên, cùng với đó là thách thức về cạnh tranh việc làm, chất lượng nguồn nhân lực và sự dịch chuyển lao động nội vùng. Để tận dụng tốt cơ hội, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong hoạch định và quản lý nguồn lao động hiệu quả, với chiến lược mang tính lâu dài, bền vững hơn.
Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/co-hoi-viec-lam-sau-khi-hop-nhat-hai-duong-va-hai-phong-ra-sao-415774.html
Bình luận (0)