Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cửa sáng sở hữu ngân hàng ngoại

Trong suốt 8 năm qua, Việt Nam không cấp phép thành lập thêm ngân hàng nào có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, giấy phép hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài hiện được xem là cơ hội vàng, có giá trị đặc biệt đối với các nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm cơ hội gia nhập hoặc mở rộng hiện diện tại thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông12/04/2025

Giá trị không ngừng tăng

Cánh cửa để thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam ngày càng trở nên khép lại. Tờ giấy phép gần nhất mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài là vào năm 2017 (cho Ngân hàng United Overseas Bank - UOB). Việc thành lập chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng không hề đơn giản. Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài gần nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp là vào năm 2021 (cho Kasikorn Bank).

Mặc dù một số ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam đã đề xuất việc được cấp phép để thành lập chi nhánh hoặc chuyển đổi thành pháp nhân địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có thêm giấy phép nào được cấp.

Theo ông Ngô Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Phân tích VPBank, khả năng cấp phép đầy đủ cho ngân hàng nước ngoài trong tương lai gần sẽ rất khó xảy ra. Hiện nay, Việt Nam có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động. Thực tế, không chỉ các ngân hàng 100% vốn nước ngoài mà ngay cả các ngân hàng nội địa trong suốt 17 năm qua cũng không có thêm giấy phép mới nào. Ngân hàng thương mại cổ phần nội địa cuối cùng được cấp phép là vào năm 2018 (BAOVIET Bank).

Tuy nhiên, ông Long cho rằng sự xuất hiện của các ngân hàng số thế hệ mới, tái định vị thương hiệu từ các ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc (bao gồm MBV, Vikki Bank, VCBNeo), đang tạo ra hành lang pháp lý mới cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, tỷ lệ vốn ngoại tại một ngân hàng nội địa được giới hạn ở mức 30%. Tuy nhiên, các ngân hàng số thế hệ mới không bị giới hạn sở hữu vốn ngoại, vì được thành lập dưới hình thức công ty TNHH một thành viên. Điều này tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 100% vốn các ngân hàng số thế hệ mới mà không cần thay đổi luật.

Như vậy, việc chuyển giao bắt buộc của 4 ngân hàng yếu kém và sự thay đổi hình thức hoạt động sang mô hình ngân hàng số đã tạo ra cơ hội hiếm có cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng.

“Chúng tôi cho rằng có một ‘cam kết ngầm’ rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng số thuần túy trong tương lai gần, nhằm bảo vệ giá trị của các ngân hàng số thế hệ mới này,” chuyên gia phân tích VPBank nhận định.

Theo các chuyên gia pháp lý, một ngân hàng TNHH một thành viên chỉ có một chủ sở hữu duy nhất và có thể bán 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài mà không bị ràng buộc bởi giới hạn sở hữu 30%.

Cửa sáng sở hữu ngân hàng ngoại
Các ngân hàng số thế hệ mới như MBV, Vikki Bank, VCBNeo... đang tạo ra hành lang pháp lý mới cho khối ngoại gia nhập ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Thị trường ngân hàng Việt còn nhiều dư địa

Thị trường ngân hàng Việt Nam đã trải qua nhiều “làn sóng” đầu tư của các ngân hàng nước ngoài. Làn sóng đầu tiên xuất hiện trước năm 2012, khi quy định về các khoản đầu tư thiểu số của Basel chưa được áp dụng chặt chẽ và số lượng tổ chức tài chính sẵn sàng cân nhắc các khoản đầu tư chiến lược nhiều hơn. Trong giai đoạn này, các ngân hàng tại Việt Nam chủ yếu được lựa chọn dựa trên tiềm năng tăng trưởng, nhờ vậy mà nhiều ngân hàng nhỏ vẫn có thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Làn sóng thứ hai bắt đầu từ năm 2012, với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Những nhà đầu tư này chủ yếu tập trung vào các ngân hàng lớn tại Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn mà Vietcombank, VietinBank và BIDV thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược mới.

Hiện nay, mặc dù vẫn có sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư ngoại đối với thị trường ngân hàng Việt Nam, nhưng họ vẫn lo ngại về quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn ngoại tối đa là 30%. Ông Đỗ Minh, Giám đốc quốc gia của Quỹ đầu tư Warburg Pincus, chia sẻ rằng các nhà đầu tư ngoại mong muốn Việt Nam điều chỉnh nâng mức trần sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng. Theo ông, mức trần sở hữu 30% tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ (74%) hay Indonesia (99%).

“Nếu tỷ lệ sở hữu này được nâng lên 50%, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ có một bước ngoặt lớn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài,” ông Minh nhận định.

Dữ liệu từ VDSC cho thấy, tính đến ngày 13/3/2025, có 13 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt quá 15%, trong đó một số ngân hàng đã gần hết hoặc hoàn toàn kín room ngoại. Điều này cho thấy, cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia vào hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay khá hạn chế.

Tuy nhiên, hoạt động M&A trong ngành ngân hàng dự báo sẽ ngày càng sôi động, tạo cơ hội lớn hơn cho các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là khi các ngân hàng số trải qua quá trình chuyển giao bắt buộc. Bên cạnh đó, cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại sẽ mở rộng khi một số ngân hàng nội được nới room sở hữu ngoại theo Nghị định 69/2025/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Nguồn: https://baodaknong.vn/cua-sang-so-huu-ngan-hang-ngoai-249155.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm