Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ya Toan Ênuôl cho hay, ngành hàng cà phê trong nước nói chung, của tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chỉ có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh.
Chính vì vậy, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kiến thức về sản xuất và tái canh cà phê như: kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật tạo hình cho cây cà phê, thu hái, bảo quản…
Từ đó, góp phần giúp cà phê của nông dân sản xuất đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.
Tổ hợp tác Nông nghiệp hữu cơ xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) liên kết để xây dựng vùng cà phê hữu cơ. |
Như ông Y Phố Niê (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) có 1 ha đất trồng cà phê xen sầu riêng. Tuy có diện tích cây trồng để phát triển kinh tế nhưng ông chỉ coi đó là nguồn thu phụ nên không đầu tư chăm sóc mà chủ yếu đi làm thuê khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Dù rất chăm chỉ nhưng kinh tế gia đình vẫn vô cùng khó khăn. May mắn, năm 2019, ông cùng nhiều hộ dân địa phương được tham gia một hợp tác xã trên địa bàn huyện nên chuyên tâm phát triển nông nghiệp.
Ông Y Phố được hỗ trợ kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn về trồng và chăm sóc cây cà phê, được vay mượn vật tư nông nghiệp khi cần để sử dụng vào đúng từng thời điểm phát triển của cây cà phê. Nhờ làm đúng theo quy trình sản xuất cà phê hữu cơ nên khi bán, ông còn được cộng thêm từ 5 – 20 triệu đồng/tấn so với trồng, chăm sóc truyền thống. Năm 2024 vừa qua, ông thu được hơn 600 triệu đồng tiền lãi từ vườn cây của gia đình, nhờ vậy kinh tế ngày càng phát triển đi lên.
Để cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Đắk Lắk nói riêng vươn tầm thế giới, việc tổ chức sản xuất đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, bảo đảm môi trường sinh thái, sản xuất bền vững… đòi hỏi sự đầu tư lớn vào khoa học kỹ thuật và công nghệ, sản xuất có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc.
Để đáp ứng được những điều đó, nông hộ phải cùng liên kết lại, sản xuất theo quy trình, tăng thế mạnh cho nông sản. Một trong những cơ sở hội thực hiện tốt công tác liên kết đó là Hội Nông dân huyện Krông Ana.
Nhiều năm qua, Hội Nông dân huyện Krông Ana đã thành lập nhiều tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã nhằm tập trung nông hộ cùng phát triển. Nổi bật như Tổ hợp tác Nông nghiệp hữu cơ xã Bình Hòa, được thành lập năm 2022, với 13 thành viên sản xuất cà phê. Ngoài liên kết tạo ra nguồn nguyên liệu cà phê an toàn và chất lượng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các thành viên liên kết còn cùng quảng bá sản phẩm, bán sản phẩm trực tiếp cho các đơn vị rang xay nhằm thu lợi nhuận cao nhất.
Cũng nhờ phát triển cà phê theo hướng hữu cơ, hiện nay một số thành viên trong tổ hợp tác còn có thêm một khoản thu nhập khá từ việc bán các phụ phẩm khác từ cà phê như trà hoa cà phê, trà vỏ cà phê…
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Ana Y Thắng Bdap cho hay, ngoài tuyên truyền, thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp thì Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các ngành chức năng thực hiện liên kết vùng, đăng ký chứng nhận OCOP, VietGAP… cho các loại nông sản chủ lực, trong đó có cà phê để nâng cao giá trị sản phẩm.
Nông dân tập trung phát triển cà phê bền vững. |
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ya Toan Ênuôl, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ thành lập và phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã đối với các nông hộ làm cà phê; tổ chức đa dạng, thiết thực các hoạt động nhằm thu hút nông dân làm cà phê tham gia. Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, công nghệ, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất… để góp phần phát triển cà phê bền vững.
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202503/cung-nong-dan-phat-trien-ca-phe-ben-vung-d180865/
Bình luận (0)