Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sức sống mới trên vùng đất khó

Trên những triền đồi xanh ngát ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông), những nếp nhà gỗ của người H’Mông nổi bật giữa màu xanh của nương rẫy, hòa cùng tiếng cười nói rộn rã. Để có được cuộc sống ổn định như hôm nay, cộng đồng người H’Mông ở đây đã bền bỉ xây dựng bản làng, đồng lòng tạo dựng cuộc sống mới.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk30/03/2025

Năm 1995, ông Hùng Xuân Thành (hiện là Bí thư Chi bộ thôn Cư Te, xã Cư Pui) cùng 39 hộ người H’Mông rời huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) tìm vùng đất mới với một tâm niệm: Đến Tây Nguyên để có một cuộc sống không còn đói, nghèo.

Điểm dừng chân đầu tiên là thôn Ea Rớt (xã Cư Pui), nhưng không được phép khai hoang nên các hộ tiếp tục di chuyển qua khỏi dãy núi Ea Lang vào khu vực giáp ranh sông Krông Bông (thuộc buôn Khanh, xã Cư Pui). Được người dân bản địa chỉ dẫn, họ dựng lều tạm bợ, phát nương làm rẫy. Kể từ đó, cùng với cộng đồng dân tộc H'Mông ở hai thôn Ea Rớt, Ea Bar, xã Cư Pui có thêm một nơi ở mới của người H'Mông là thôn Ea Lang.

Đất xây dựng Trường THCS Cư Pui ở thôn Ea Lang (xã Cư Pui) được đồng bào H'Mông đóng góp tiền mua.

Ông Thành bồi hồi nhớ lại: "Cuộc sống những năm đầu vô cùng khó khăn. Chúng tôi bám lấy cây ngô, cây sắn. Cứ đến mùa thu hoạch mang ngô, sắn ra chợ ở xã đổi gạo, đổi thức ăn. Đất trồng sắn bạc màu theo từng mùa vụ, bà con lại bỏ đất vào rừng khai hoang. Nhiều người tưởng chừng phải bỏ cuộc. Điều chúng tôi mong muốn lớn nhất lúc ấy: không đói, không phải bỏ đất mà đi thêm lần nữa".

Dần dần, người H’Mông ở thôn Ea Lang học cách trồng cà phê, trồng điều…, những cây trồng chủ lực của người dân tộc thiểu số tại chỗ. Cùng với sự hỗ trợ của UBND xã Cư Pui, những mảnh đất bạc màu đã từng trồng sắn được cải tạo để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Năm 2006, người H’Mông di cư vào thôn Ea Lang mỗi lúc một đông. Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do được thực hiện với 500 hộ người H’Mông và tách thôn Ea Lang thành 4 thôn (Ea Lang, Ea Uôl, Cư Te, Cư Rang). Dù đã an cư, nhưng người H’Mông chỉ loay hoay với nương rẫy, lo cái ăn, cái mặc, còn chuyện học hành của con em gần như "bỏ quên". Không có trường, không có lớp, những đứa trẻ lớn lên giữa đại ngàn mà không biết chữ.

Thôn Ea Lang (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) hôm nay.

Khi kinh tế tạm ổn, sự nghiệp "trồng người" được người dân quan tâm, tìm cách tháo gỡ khó khăn. Theo đó, mỗi gia đình trong thôn tự nguyện đóng góp 5.000 đồng để mua đất, rồi góp công làm trường, còn nhà nước phân công giáo viên bám bản. “Khi ấy, bà con ai cũng đồng lòng. Mình không có tiền thì góp ngày công, có người còn bán bò để góp quỹ mua đất làm trường học”, ông Thành bộc bạch.

Nhờ sự chung sức, đồng lòng, những lớp học đầu tiên được dựng lên. Từ vài phòng học đơn sơ, đến nay trong 6 thôn Ea Lang, Cư Te, Cư Rang, Ea Uôl, Ea Bar, Ea Rơt đã có hệ thống trường học từ mầm non đến cấp trung học cơ sở khang trang. Không còn cảnh trẻ em theo cha mẹ lên rẫy hay bỏ học giữa chừng. Nhiều em học sinh hoàn thành chương trình phổ thông đã tiếp tục học trung cấp, cao đẳng, đại học.

Cùng với giáo dục, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ bà con vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác để phát triển sản xuất. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây keo, cây dứa, cà phê xen canh cây ăn trái để nâng cao thu nhập. Những con đường bê tông cũng dần thay thế lối mòn, giúp việc đi lại, giao thương thuận lợi hơn.

Không còn những căn nhà gỗ tạm bợ, nhiều gia đình đã xây nhà kiên cố, có điện, nước sạch, internet. Những đứa trẻ lớn lên không còn chỉ biết đến nương rẫy mà còn được học hành, tiếp cận công nghệ. Khác với cha ông, thế hệ trẻ người H’Mông sinh ra tại Cư Pui không còn mang trong mình ký ức di cư; khát vọng của thế hệ trẻ không dừng lại ở “có cái ăn, cái mặc” mà là thoát nghèo bền vững, phát triển bản làng.

Vợ chồng trẻ Chấu Seo Sừ (SN 1995) và Giàng Thị Tồng (SN 1998) tốt nghiệp Trường Trung cấp Đắk Lắk quyết định quay về xã Cư Pui lập nghiệp. Họ mạnh dạn đầu tư gần 2 tỷ đồng (trong đó có 500 triệu đồng vay ngân hàng) mở khu phức hợp dịch vụ ăn uống, thể thao tại thôn Ea Lang. “Hiện nay vợ chồng tôi kinh doanh bắt đầu có lãi, đã trả được 50% số nợ ngân hàng. Chúng tôi còn ấp ủ, nếu đủ tài chính, sẽ mua xe tải mở dịch vụ vận chuyển” anh Sừ chia sẻ.

Người dân thôn Ea Lang hỗ trợ đoàn viên, thanh niên thực hiện công trình "Thắp sáng đường quê" trên tuyến đường liên thôn Ea Lang - Ea Uôl.

Còn gia đình anh Cháng Seo Lồng (SN 1992, ở thôn Cư Te) có hơn 9 ha đất nông nghiệp trồng keo và cà phê. Để thay đổi cách làm nông nghiệp theo phương thức cũ, anh Lồng mua máy cày, máy sấy nông sản, đầu tư hệ thống tưới cho vườn cà phê… Nhờ đó mà hai năm trở lại đây, gia đình anh Lồng trở thành một trong những triệu phú của thôn với thu nhập 100 - 200 triệu đồng/năm.

Dẫu đã bén rễ với vùng đất Tây Nguyên, nhưng trong đời sống tinh thần của người H’Mông, quê hương cũ nơi miền núi phía Bắc vẫn luôn hiện hữu trong những câu chuyện quanh bếp lửa, điệu múa sênh tiền, tiếng khèn rộn ràng mỗi dịp lễ hội, Tết… và ngay cả trong các hoạt động văn hóa, thể thao do chính quyền địa phương tổ chức. Hòa hợp vào cộng đồng 13 dân tộc cùng chung sống ở Cư Pui, người H’Mông đến từ vùng núi Hà Giang đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa nhiều sắc màu nơi đây.

Sau gần ba thập kỷ gắn bó với vùng đất mới, những khó khăn của ngày đầu giờ đã lùi xa, nhưng hành trình của người H’Mông ở Cư Pui vẫn chưa dừng lại. Vẫn còn những ước mơ, hoài bão được ấp ủ. Và như vậy trong lịch sử phát triển của cộng đồng H'Mông ở xã Cư Pui sẽ có thêm câu chuyện về tinh thần vượt khó, về những tấm gương bám đất, bám làng xây dựng cuộc sống mới ấm no, trù phú.

Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202503/suc-song-moi-tren-vung-dat-kho-c54148c/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm