Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cuộc gọi tháng Tư

BPO - Tháng Tư về, lòng tôi lại chùng xuống trong những buổi chiều lặng gió. Trên chiếc ghế gỗ cũ trước hiên nhà, ba tôi - một người lính năm xưa - vẫn ngồi đó, trầm mặc, ánh mắt hướng về xa xăm như đang dõi theo điều gì vừa quen vừa lạ. Tôi biết, đó là lúc ba đang sống lại những tháng ngày của tuổi trẻ, những ký ức không thể nào quên của một thời lịch sử.

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước16/04/2025

Ba tôi sinh năm 1954, vào thời điểm đất nước còn chia cắt. Hai mươi mốt tuổi, ba tham gia lực lượng vũ trang. Trong chiến dịch mùa xuân 1975, ba là một trong những người lính có mặt tại trận đánh ác liệt ở Xuân Lộc (Đồng Nai) - nơi được xem là “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn. Ba kể, khi đó đơn vị ba hành quân xuyên đêm, băng qua những cánh rừng cao su, vượt suối đá, mang theo đạn dược và lương khô, từng bước tiếp cận chiến trường. “Tiếng pháo gầm suốt ngày đêm, đất rung như sắp vỡ ra. Có những ngày mưa lớn, áo quần ướt lạnh, chân ngập bùn đất, nhưng không ai than vãn. Tụi ba chỉ có một mục tiêu: mở đường tiến vào Sài Gòn, giành lại hòa bình”. Ba nói, ánh mắt sáng lên dù giọng trầm hẳn lại.

Tháng Tư nắng vàng như rót mật. Tôi vừa bước ra khỏi cơ quan gọi điện về cho ba khi Sài Gòn đang rộn ràng chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ba bắt máy, giọng trầm đều qua sóng điện thoại: “Mấy chú đồng đội cũ gọi rủ ba vào lại chiến trường xưa đó con. Vào Sài Gòn, đi lại mấy chỗ cũ… nhưng chắc ba không đi được rồi”. Tôi hỏi lại, nửa đùa nửa thật: “Thế ba nhớ đường vào không mà đi? Ba cười, khe khẽ: "Nhớ chứ. Xuân Lộc - Long Khánh - rồi Sài Gòn. Đường đi gập ghềnh, mà lòng người thì rực lửa”. Rồi ba lặng đi một lúc: “Nhưng giờ sức khỏe ba yếu rồi. Đi xa không nổi nữa. Thôi, coi trên tivi cũng được. Năm nay làm lớn lắm hả con?”.

Tôi nghe lòng mình chùng lại. Tôi biết ba vẫn nhớ rõ từng bước hành quân ngày ấy, dù thời gian đã khiến trí nhớ của ba không còn nguyên vẹn. Mỗi tháng Tư về, ba lại mang chiếc radio cũ ra lau bụi, mở một bản nhạc kháng chiến rồi ngồi lặng hàng giờ. Trong mắt ba, tôi thấy một phần ký ức tuổi trẻ vẫn còn nguyên đó, chỉ chờ tháng Tư về để sống dậy. “Lúc đó chỉ mong hòa bình, con à. Có người đi rồi không về nữa…”. Ba từng nói thế, khi tay vẫn mân mê chén trà đã nguội. 

Tôi lớn lên trong hòa bình, không biết đến tiếng bom rơi hay cảnh chia ly. Nhưng mỗi câu chuyện của ba là một lát cắt lịch sử sống động, giúp tôi hiểu rõ hơn giá trị của tự do và sự đánh đổi thầm lặng phía sau những bản tin chiến thắng. Những người như ba không ồn ào kể công, không nhận mình là “người hùng” chỉ lặng lẽ sống tử tế và giữ gìn ký ức.

Tôi nói với ba trong cuộc gọi hôm ấy: “Nếu ba không vào được, con sẽ thay ba đi. Con sẽ về lại Xuân Lộc đến Sài Gòn, đi đến những nơi ba từng đứng, chụp hình, quay clip lại cho ba xem. Ba kể lại cho con nghe, con sẽ mang cả ký ức ấy theo cùng”. Ba khẽ “ừ”, giọng nhẹ như gió chiều: “Rứa là ba vui rồi”.

Tháng Tư không chỉ là thời điểm chuyển mùa, mà còn là mùa của ký ức, nơi có hình bóng người cha ngồi trầm tư trước hiên nhà, nơi những người lính năm xưa giờ chỉ còn có thể “hành quân” bằng ký ức. Và với tôi, ba không chỉ là người cha, mà còn là cầu nối giúp tôi hiểu, trân trọng và gìn giữ những giá trị thiêng liêng của dân tộc. Một cuộc gọi tháng Tư. Một chuyến đi chưa bắt đầu. Nhưng tôi tin, trong tim mình ba vẫn luôn đồng hành, như những người lính năm xưa dẫu không còn hành quân, vẫn gìn giữ ký ức và niềm tin.

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email [email protected], Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171617/cuoc-goi-thang-tu


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm