Đây không chỉ là một định hướng chiến lược lâu dài, mà còn là sự cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đại học Đà Nẵng xác định rõ nhiệm vụ kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu hàn lâm, công bố quốc tế với chuyển giao tri thức, ứng dụng thực tiễn và đổi mới sáng tạo – tất cả nhằm hướng tới một nền giáo dục đại học gắn bó mật thiết với đời sống và phát triển bền vững của đất nước.
Lan tỏa mô hình xử lý rác thải nhựa tại cộng đồng
Một trong những ví dụ điển hình cho tinh thần đó là sáng kiến Trạm phục hồi tài nguyên (Material Recovery Facilities - MRF) do nhóm giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng triển khai. Sáng kiến này đã xuất sắc giành giải thưởng cao nhất trong Chương trình Đổi mới sáng tạo mảng Nhựa (PIP) – một chương trình do Chương trình ơi Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tài trợ.

Theo PGS.TS Kiều Thị Kính – giảng viên Khoa Giáo dục Mầm non - Tiểu học, thành viên của nhóm nghiên cứu – mô hình MRF là một giải pháp hoàn toàn khả thi, có tính ứng dụng cao và có thể nhân rộng đến nhiều trường học, khu dân cư và chung cư đô thị. Mô hình này không chỉ góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa mà còn thúc đẩy lối sống xanh, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phân loại và tái chế rác ngay tại nguồn. Quan trọng hơn, đây cũng là một mắt xích trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà Việt Nam đang hướng đến.
Với khoản tài trợ trị giá 30.000 USD từ Chương trình PIP, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng có thêm nguồn lực để mở rộng việc triển khai mô hình MRF ra nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là trong các cộng đồng dân cư và trường học – nơi cần thiết để lan tỏa thói quen sống bền vững từ sớm.
Khơi nguồn sáng tạo sinh viên từ ý tưởng đến sản phẩm thực tế
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Kết nối mạng lưới khởi nghiệp và thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ của Đại học Đà Nẵng”, tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng, nhiều sản phẩm nghiên cứu, giải pháp sáng tạo của sinh viên đã được giới thiệu và nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp.

Tiêu biểu là Dự án “NextPark”, một sản phẩm công nghệ do nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Trường Đại học Kinh tế cùng phối hợp thực hiện. Dự án đã ứng dụng các thuật toán hiện đại và cơ cấu điều khiển tự động để xây dựng hệ thống bãi đỗ xe thông minh, tích hợp các chức năng từ nhận diện biển số, kiểm tra vị trí còn trống đến vận hành cơ cấu nâng - hạ phương tiện và quản lý phòng cháy chữa cháy thông qua các công nghệ như RFID và QR code.

Sinh viên Hà Anh Vũ – thành viên nhóm dự án – chia sẻ rằng NextPark được phát triển thành hai gói sản phẩm chính: Smart Parking Pro (giải pháp đỗ xe hoàn toàn tự động) và Smart Parking Lite (giải pháp nâng cấp các bãi đỗ xe truyền thống). Giải pháp này không chỉ giúp tối ưu hóa không gian đô thị, rút ngắn thời gian dừng xe mà còn tăng cường tiện ích sử dụng, thích ứng linh hoạt với nhiều điều kiện hạ tầng tại các thành phố đông dân.
Các sản phẩm sáng tạo như NextPark được nuôi dưỡng và hỗ trợ mạnh mẽ thông qua hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Đại học Đà Nẵng. Sinh viên được tiếp cận với các sân chơi học thuật, cuộc thi chuyên đề, đồng thời nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ các giảng viên, chuyên gia để hoàn thiện sản phẩm về mặt kỹ thuật, kinh tế cũng như thương mại hóa thành công.
Gắn tri thức với địa phương, phát triển kinh tế gắn với văn hóa bản địa
Không chỉ tập trung vào nghiên cứu và khởi nghiệp, các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng còn tích cực kết nối với địa phương để hiện thực hóa mục tiêu đưa tri thức và công nghệ vào phục vụ cộng đồng. Mới đây, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng đã phối hợp cùng các cơ sở sản xuất tại Hòa Vang (TP Đà Nẵng) triển khai Bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm này được áp dụng thử nghiệm tại nhiều đơn vị như Hợp tác xã Nông sản sạch Đô 37, Công ty TNHH Viana, Cơ sở Gạo Hòa Tiến…, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao hình ảnh thương hiệu và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.
Ông Phan Văn Tôn – đại diện lãnh đạo địa phương – khẳng định, sự hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế và huyện Hòa Vang (cũ) trong giai đoạn 2023–2025 đã góp phần khai thác tốt tiềm năng địa phương, thúc đẩy phát triển nông thôn mới, đồng thời gắn kết phát triển kinh tế với bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.
PGS.TS Lê Văn Huy – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội nhằm lan tỏa tri thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và khẳng định vai trò của đại học trong công cuộc phát triển bền vững.”
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/dai-hoc-da-nang-phat-huy-suc-tre-doi-moi-sang-tao-vi-cong-dong-i775111/
Bình luận (0)