Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư - SelectUSA 2025 tại Hoa Kỳ từ ngày 11-14/5. (Ảnh: ĐBND) |
Xin Đại sứ đánh giá về những trụ cột nổi bật trong hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua và những lĩnh vực hợp tác mới trong xu hướng phát triển mới?
Có rất nhiều trụ cột hợp tác trong quan hệ hai nước, bởi vì, mối quan hệ song phương đã phát triển rộng khắp các lĩnh vực trong suốt 30 năm qua. Nhưng rõ ràng, trụ cột nổi bật chính là hợp tác kinh tế. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện nay có nhiều khoản đầu tư lớn từ doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngược lại, ngày càng chứng kiến các nhà đầu tư Việt Nam mở rộng hoạt động sang thị trường Hoa Kỳ.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ với báo chí nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ song phương ngày 8/7. (Ảnh: Nhật Hồng) |
Tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư SelectUSA, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ Việt Nam – đây là đoàn doanh nghiệp Việt Nam đông đảo nhất từ trước tới nay. Tôi đã cùng Thứ trưởng Bộ Tài chính dẫn đầu đoàn tham dự Hội nghị. Điều này phản ánh rất rõ sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam mong muốn đầu tư vào Hoa Kỳ. Đây chỉ là một ví dụ về mối quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng, mạnh mẽ giữa hai nước hiện nay.
Một trụ cột quan trọng khác là hợp tác giáo dục. Việt Nam là quốc gia có số lượng du học sinh lớn thứ 6 tại Hoa Kỳ, với khoảng 30.000 sinh viên đang theo học. Nếu tính cả những chương trình ngắn hạn, như trại hè, trao đổi học kỳ hoặc chương trình lưu trú tại gia đình bản xứ, tổng số người Việt Nam từng tiếp xúc với hệ thống giáo dục Hoa Kỳ lên tới 300.000 – một con số thực sự ấn tượng.
Chúng tôi cũng đang nỗ lực thúc đẩy nhiều hơn nữa sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đến Việt Nam. Tháng 4 vừa qua, một đoàn gồm 21 trường đại học Hoa Kỳ đã đến thăm Việt Nam. Đến nay, 20 trường trong số đó đang tích cực thảo luận hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.
Hợp tác trong lĩnh vực y tế cũng đã trở thành một trụ cột quan trọng. Ban đầu, chúng tôi hợp tác với Việt Nam thông qua chương trình PEPFAR điều trị HIV/AIDS từ năm 2005, sau đó mở rộng sang lao phổi và gần đây là Covid-19. Trong thời điểm đại dịch bùng phát, khi Hoa Kỳ đang khan hiếm trang thiết bị y tế, Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang và đồ bảo hộ. Sau đó, khi Việt Nam cần giúp đỡ, Hoa Kỳ đã hỗ trợ 44 triệu liều vaccine Pfizer. May mắn là đại dịch đã qua, nhưng những nỗ lực trong hợp tác y tế, giám sát dịch bệnh vẫn sẽ là yếu tố then chốt trong việc ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Giờ đây, Hoa Kỳ và Việt Nam là những đối tác vững bền trong lĩnh vực y tế.
Tôi có thể kể rất nhiều ví dụ nữa, nhưng từng ấy cũng đã cho thấy chiều sâu và sự đa dạng trong quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi mong muốn tiếp tục là đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao, từ đầu tư, thương mại, hợp tác nghiên cứu, sản xuất đến chuyển giao công nghệ. Những tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ như Intel, Nvidia, Marvell, Synopsys... đều đang hoạt động tích cực tại Việt Nam khi các bạn xây dựng hệ sinh thái công nghệ cao của riêng mình.
CEO Nvidia Jensen Huang ký tên trên tấm bảng tại Trung tâm vi mạch bán dẫn mới thành lập tại Việt Nam nhân dịp thăm Việt Nam tháng 12/2023. (Ảnh: VNE) |
Việt Nam và Hoa Kỳ đang hợp tác ra sao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và làm thế nào để Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ trong tương lai, thưa Đại sứ?
Tôi muốn nhắc lại Tuyên bố chung tháng 9/2023 giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, một dấu mốc lịch sử, mang ý nghĩa “nâng cấp kép” trong quan hệ song phương. Trong Tuyên bố chung, hợp tác công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn là một nội dung trọng tâm.
Cả hai bên đều nhận thức rõ tiềm năng của Việt Nam trong việc vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là ở lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Ở cấp độ chính phủ, chúng tôi đang phối hợp để hỗ trợ các trường đại học Hoa Kỳ như Đại học Bang Arizona xây dựng chương trình giảng dạy công nghệ cao – bao gồm ngành bán dẫn – với các cơ sở giáo dục tại Việt Nam. Ngoài ra còn có Đại học Purdue, Đại học Bang Portland (liên kết với Intel) cũng đang triển khai các sáng kiến giáo dục tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đang tích cực tham gia đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các nhà máy bán dẫn hay cơ sở thiết kế vi mạch.
Nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn đã đến thăm Việt Nam, như CEO Apple Tim Cook, CEO Nvidia Jensen Huang. Tập đoàn bán dẫn hàng đầu Qualcomm của chúng tôi gần đây cũng công bố hợp tác với VinAI – một bước phát triển mạnh mẽ trong kết nối giữa cộng đồng AI Việt Nam và Hoa Kỳ. Những chuyển động này phản ánh mong muốn chân thành của Hoa Kỳ trong việc đồng hành cùng Việt Nam trên con đường trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực và thế giới.
Chúng tôi cũng rất ủng hộ quyết định đầy táo bạo và có tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam khi lựa chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thứ hai trong hệ thống giáo dục. Điều đó mở ra nhiều cánh cửa mới trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trong nỗ lực nâng cao năng lực ngôn ngữ.
Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper và Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đi thăm hiện trường hợp tác rà phá bom mìn và tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Hướng Hóa, Quảng Trị, tháng 4/2025. (Ảnh QT) |
Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, Đại sứ đánh giá thế nào về mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ hiện nay?
Trong suốt 30 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời là sự gia tăng của lòng tin và sự thấu hiểu lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi cho rằng cả hai nước hiện nay đều nhận thức rõ rằng chúng ta có nhiều quan tâm và mục tiêu chung.
Đúng là hiện thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng tôi cảm nhận được rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chia sẻ một mong muốn hợp tác để giải quyết những vấn đề đó – từ y tế (như đại dịch Covid-19 mà hai nước đã phối hợp ứng phó hiệu quả), đến nhiều vấn đề khác.
Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc chống tội phạm mạng – một vấn đề toàn cầu, khi những kẻ xấu lợi dụng không gian mạng để gây hại và đánh cắp tài nguyên. Việt Nam và Hoa Kỳ đang phối hợp cả ở cấp chính phủ và khu vực tư nhân để đối phó với những thách thức mới của thế kỷ XXI. Chúng ta cũng hợp tác về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia như buôn người, ma túy...
Tôi từng làm việc tại Việt Nam cách đây 20 năm và điều thay đổi rõ rệt nhất mà tôi cảm nhận được là giờ đây, hai nước có rất nhiều lĩnh vực hợp tác sâu rộng, nơi các mục tiêu chung hội tụ mạnh mẽ. Và tôi tin chắc xu hướng này sẽ còn tiếp tục và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy nhiều cải cách về hành chính nhằm thúc đẩy đầu tư. Theo Đại sứ, điều này tác động như thế nào tới xu hướng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam tới đây?
Tôi cho rằng một số bước đi mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện gần đây sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là cải thiện tốc độ ra quyết định. Một trong những trăn trở của doanh nghiệp liên quan đến việc cấp phép, phê duyệt đôi khi mất quá nhiều thời gian.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính vừa qua của Việt Nam sẽ góp phần tạo ra bộ máy hiệu quả hơn trong công tác quản lý và ra quyết định. Đồng thời, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân và phát triển hạ tầng số cũng là những yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn nữa.
Về phía đầu tư của Việt Nam vào Hoa Kỳ, chúng tôi luôn mong muốn chứng kiến làn sóng đầu tư sôi động hơn. Như tôi đã đề cập, tại Hội nghị SelectUSA vừa qua, Việt Nam có đoàn đại biểu đông đảo nhất từ trước tới nay, trong đó có số lượng nữ doanh nhân và nhà đầu tư đông đảo. Đây là một tín hiệu rất tích cực. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư hai chiều.
Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper kỳ vọng làn sóng đầu tư sôi nổi vào Việt Nam thời gian tới. (Nguồn: TTXVN) |
Liên quan đến quan hệ thương mại, mục tiêu của Hoa Kỳ luôn là đảm bảo một mối quan hệ thương mại lành mạnh và cân bằng, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và thúc đẩy sự thịnh vượng chung. Chính phủ Hoa Kỳ cũng mong muốn đảm bảo, các công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam trên một sân chơi bình đẳng, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty Việt Nam thành công trong hoạt động kinh doanh ở Hoa Kỳ. Chúng tôi tin, điều này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp của hai nước.
Việt Nam đã chủ động và tích cực trong các cuộc thảo luận về thuế quan và quan hệ thương mại. Tổng Bí thư Tô Lâm là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên điện đàm với Tổng thống Donald Trump sau khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng. Đoàn đàm phán Việt Nam đến làm việc với các đối tác Hoa Kỳ đã cho thấy sự chủ động, nhanh nhạy và tích cực của Việt Nam.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump và Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục có cuộc điện đàm. Điều này phản ánh mức độ cam kết rất cao, cũng như sự tôn trọng lẫn nhau trong mối quan hệ giữa hai nước.
Đại sứ có thể chia sẻ thông tin về một số chương trình viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trước một số sự thay đổi trong chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ thời gian qua?
Đúng như thông lệ của mỗi chính quyền mới tại Hoa Kỳ, chúng tôi đã tiến hành rà soát tổng thể các chương trình viện trợ nước ngoài – không chỉ của USAID mà còn của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên bang khác – để đánh giá xem những chương trình này có thúc đẩy sức mạnh, thịnh vượng và an ninh của Hoa Kỳ hay không.
Nhiều chương trình như các bạn đề cập thực sự đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, mặc dù có một khoảng tạm dừng ngắn, các chương trình đã được khởi động trở lại.
Chẳng hạn, các nỗ lực xử lý bom mìn chưa nổ – do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách – đã được nối lại. Việc tìm kiếm, xác định hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích do Bộ Quốc phòng đảm nhiệm; còn việc tìm kiếm, xác định quân nhân Việt Nam mất tích là sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Chương trình tẩy độc dioxin – trước đây do USAID thực hiện – nay đã được chuyển giao cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quản lý, bao gồm cả các chương trình hỗ trợ người khuyết tật do ảnh hưởng từ bom mìn hoặc chất độc da cam. Tất cả những chương trình này đều đang tiếp tục được triển khai.
Tất nhiên, mỗi năm ngân sách sẽ được xem xét và phân bổ theo chu kỳ. Nhưng chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Quốc hội Hoa Kỳ và các bên liên quan khác cho việc duy trì những chương trình này. Vì vậy, tôi kỳ vọng và hy vọng rằng những nỗ lực đầy ý nghĩa ấy sẽ tiếp tục được thực hiện.
Đại sứ đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại chung của Hoa Kỳ?
Hiện nay, Chính phủ Hoa Kỳ đang phát triển chiến lược An ninh Quốc gia mới, cũng như các chiến lược khu vực, trong đó có chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tôi không thể dự đoán trước nội dung cụ thể của các chiến lược ấy, nhưng có thể khẳng định rằng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đối với an ninh và sự thịnh vượng của Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cũng đã thể hiện điều đó rất rõ qua những tuyên bố và hành động cụ thể. Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã tổ chức cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Mới đây, chúng tôi cũng nhận được thông tin rằng Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ có chuyến công du tới Kuala Lumpur, Malaysia trong tuần này để tham dự các cuộc họp liên quan trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – một lần nữa khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực quan trọng, cũng như đối với các quốc gia thành viên như Việt Nam.
Tôi tin rằng vai trò trọng yếu của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chiến lược của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được thể hiện một cách rõ nét trong thời gian tới và bạn sẽ thấy sự hiện diện, cam kết và hợp tác sâu rộng hơn nữa từ phía Hoa Kỳ tại khu vực này.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-hoa-ky-marc-knapper-nhung-buoc-di-moi-cua-chinh-phu-thuc-day-moi-truong-dau-tu-cua-viet-nam-320336.html
Bình luận (0)